(VnMedia) - Sau 6 năm triển khai dự án xây dựng mô hình sinh thái, nông, lâm bền vững tại xã Phong Hải (huyện Phong Điền, tỉnh TT Huế), Công ty Vật liệu và Công nghệ (gọi tắt là MATECH, có trụ sở tại Hà Nội) rời đi và để lại “di sản” cho địa phương là những hố sâu do việc tận thu khai thác titan khi thực hiện dự án.
Việc này đã dẫn đến cái chết đau lòng của em Nguyễn Quang Huy (SN 1997- thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải) vào ngày 10/3/2015 vừa qua.
Một hố sâu do việc khai thác titan của công ty Vật liệu và Công nghệ để lại tại xã Phong Hải. |
Dùng công nghệ sinh học… để khai thác titan
Ngày 20/3/2006, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định số 765/QĐ-UBND về việc cho công ty MATECH thuê 198 ngàn m2 đất ở xã Phong Hải để đơn vị này thực hiện dự án “ứng dụng công nghệ sinh học xây dựng mô hình sinh thái nông lâm bền vững ở xã Phong Hải, huyện Phong Điền” trong thời hạn 5 năm. Song song với việc thực hiện dự án, công ty MATECH được UBND tỉnh TT Huế cho phép thu hồi khoáng sản titan tại khu vực được cấp phép tiến hành dự án.
Tháng 8/2011,công ty MATECH gửi công văn xin phép UBND tỉnh TT Huế gia hạn hợp đồng thêm một năm. Trong đợt gia hạn lần này, phía MATECH đề nghị được kết hợp thử nghiệm công nghệ khai thác titan.
Ngày 20/8/2011, UBND tỉnh ra công văn số 3592/UBND-TN đồng ý chủ trương đồng thời yêu cầu đơn vị này khẩn trương hoàn thổ, cải tạo mặt bằng phục hồi môi trường và giao cho Sở KHCN giám sát việc thực hiện dự án.
Đến ngày 5/12/2012, UBND xã Phong Hải gửi tờ trình đến UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND huyện Phong Điền đề nghị kiểm tra xử lý những tồn tại đối với dự án của MATECH.
Trong nội dung tờ trình, UBND xã Phong Hải đưa ra ý kiến cho rằng: Công ty Vật liệu và Công nghệ thực hiện dự án quá chậm, việc khai thác và thu hồi khoáng sản titan và công tác hoàn thổ san lấp mặt bằng không đúng như dự án trình bày. Khu vực đã thực hiện khai thác titan chưa hoàn trả mặt bằng nhưng đã triển khai trồng cây keo tạo nên những đụn cát làm thay đổi cảnh quan môi trường. Khu vực khai thác gần tuyến đường liên xã Phong Hải –Điền Hương tạo thành nhiều hố sâu nguy cơ ảnh hưởng đến tuyến đường và trạm quan trắc điện gió.
UBND xã Phong Hải đồng thời kiến nghị UBND tỉnh kiểm tra giám sát dự án, khắc phục những tồn tại vướng mắc đối với việc triển khai dự án của MATECH đồng thời có biện pháp ràng buộc buộc công ty này thực hiện việc hoàn thổ.
Tờ trình của UBND xã Phong Hải cũng yêu cầu MATECH phải tạm ngừng khai thác sa khoáng titan để thực hiện hoàn trả mặt bằng và báo cáo với xã về tính khả thi, tiến độ thực hiện dự án. Tuy nhiên, yêu cầu trên chưa kịp thực hiện thì công ty đã rời khỏi địa phương.
Ông Nguyễn Viết Từ - Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho biết: “Đây là dự án ứng dụng công nghệ sinh học nông lâm sinh thái bền vững đầu tư cho ba loại cây: dừa, dương, dứa. Mục đích của tỉnh cho dự án đầu tư là để làm một mô hình mới nghiên cứu thực nghiệm trồng cây trên cát để sau quá trình học tập có thể đưa vùng cát phát triển kinh tế. Chủ trương sau này được UBND tỉnh cho phép đầu tư dự án thì có khoản tận thu khoáng sản.
Nhưng sau này làm việc, khảo sát chung thì địa phương có phản ảnh nhiều lần với công ty này về việc hoàn thổ mặt bằng và thực hiện nghiêm túc mục đích ban đầu của dự án này nhưng công ty không thực hiện cho đến ngày rời khỏi địa phương. Theo dự án sẽ trồng 3 loại cây dừa, dương, dứa, nhưng công ty mới trồng cây dương, dừa. Hoàn thổ thì đến thời hạn hoàn thổ thì công ty này không hoàn thổ”.
Hậu họa
5 năm thực hiện dự án, cộng thêm một năm gia hạn, thế nhưng công ty MATECH đã không hoàn trả mặt bằng theo đề nghị của địa phương. Để rồi vào ngày 10/3/2015 vừa qua, em Nguyễn Quang Huy (SN 2007), học sinh lớp 2/1, trường Tiểu học Phong Hải, xã Phong Hải trong khi vui đùa đã trượt chân sa xuống hố khai thác titan đầy nước do công ty này tạo ra trong thời gian thực hiện dự án dẫn đến tử vong.
Ông Lê Hoàng Linh - Trưởng phòng TNMT huyện Phong Điền cho biết, tháng 7/2013, thanh tra Sở TNMT tỉnh TT Huế và Phòng TNMT huyện Phong Điền đã tiến hành kiểm tra hoạt động của MATECH. Lúc này, Công ty này đã trồng được 8ha cây trồng nhưng chưa có phương án cụ thể để san lấp mặt bằng và trồng cây trên diện tích còn lại. Tính từ 2010 đến thời điểm hiện nay, đoàn kiểm tra của Sở TNMT và Phòng TNMT đã 3 lần về kiểm tra dự án. Thế nhưng cả 3 lần kiểm tra, đoàn làm việc không thể lập được biên bản do vắng mặt đại diện lãnh đạo MATECH.
“Công ty lấy dự án đó nói là tận thu titan nhưng thực tế họ khai thác xong họ đi thôi. Nói tóm lại thì họ chỉ khai thác titan chứ không làm được việc chi hết. Năm 2013, huyện yêu cầu đi kiểm tra nhưng chỉ có ông Trần Văn Vực ký, còn đại diện lãnh đạo công ty thì vắng mặt không có lí do. Phòng, Sở, Ủy ban huyện đã nhiều lần đi kiểm tra nhưng không lập được văn bản vì không có mặt lãnh đạo công ty mà chỉ có công nhân vận hành. Khai thác titan xong hết hạn thì họ đi luôn.”- ông Lê Hoàng Linh cho biết.
|
Báo cáo những sai phạm của Sở KHCN TT Huế đối với hoạt động của công ty Vật liệu và Công nghệ. |
Trong báo cáo số 1152/SKHCN ngày 24/12/2012 của Sở KHCN tỉnh TT Huế đánh giá: Công ty chưa thực hiện dự án san ủi, hoàn thổ trên diện tích khia thác quặng titan theo yêu cầu của UBND tại công văn số 3345/UBND-NĐ ngày 22/7/2009 về việc cho phép công ty này thực hiện khai thác titan tại khu vực thực hiện dự án. Công ty này đã trồng 5ha phi lao với thời gian 1 năm, số lượng cây trồng có khả năng sống thấp, phát triển không tốt. Trong năm 2012, công ty này thực hiện trồng mới khoảng 1ha cây phi lao trên diện tích chưa được san ủi, hoàn thổ, phục hồi môi trường. So với kết quả kiểm tra tháng 8/2011, mô hình sinh thái bền vững chưa có chuyển biến gì đáng kể. Mục tiêu chính của dự án là thực hiện mô hình nông lâm bền vững chưa thực hiện đúng như thuyết minh. Việc khai thác quặng titan đang thực hiện tại địa điểm gần trạm trắc gió và đường dân sinh tạo nên hố sâu dễ gây nguy cơ sạt lở đất như địa phương phản ánh.
Báo cáo của Sở cũng đồng thời đề nghị công ty này nghiêm túc thực hiện các mục tiêu ban đầu của dự án, đồng thời yêu cầu công ty hoàn trả lại mặt bằng. Thế nhưng, cho đến ngày hết hạn dự án và rút đi, hiện trạng do việc khai thác titan của công ty này vẫn còn y nguyên. Kéo theo đó là cái chết đau lòng của em Nguyễn Quang Huy vào ngày 10/3 vừa qua.
Chị Nguyễn Thị Kim Quy, mẹ của em Nguyễn Quang Huy chia sẻ: “Con tôi dù sao cũng đã ra đi rồi, sự mất mát là không gì bù đắp nổi. Giờ tôi mong muốn phía công ty, các ban ngành hoàn trả mặt bằng lại cho người dân, để thứ nhất không còn ô nhiễm môi trường và sau này tránh hậu họa cho những đứa trẻ khác nữa!”.
Ý kiến bạn đọc