(VnMedia) - Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng các dự án theo hướng kết hợp chợ truyền thống và trung tâm thương mại; lập danh mục các dự án hạ tầng thương mại chợ, trung tâm thương mại, siêu thị để kêu gọi đầu tư.
>> 90 tuổi, chống gậy trắng đêm "giữ" chợ
Kinh tế phục hồi chưa mạnh mẽ
Sáng nay (31/3), Thành ủy, HĐND - UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã trực thuộc và các sở, ban, ngành Thành phố về các biện pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn Thành phố.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Sửu cho biết, Quý II/2015, kinh tế Thủ đô tiếp tục duy trì tăng trưởng khá mặc dù trong quý I có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn Quý I ước tăng 7,6%, cao hơn cùng kỳ năm trước (quý I/2014 tăng 6,6%).
Trong khi đó, các ngành được đánh giá đều có mức tăng cao hơn mức tăng của quý I năm 2014. Đơn cử như ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá, từ 7,5-8%; giá trị các ngành công nghiệp, xây dựng tăng cao, dịch vụ tăng trưởng khá so với cùng kỳ; thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước; giá cả thị trường ổn định, lạm phát được kiểm soát, các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của Thành phố đạt so với kế hoạch đặt ra.
Tuy nhiên, lãnh đạo Thành phố cũng thừa nhận, dù tăng trưởng kinh tế có chuyển biến tích cực hơn nhưng phục hồi chưa mạnh mẽ; ngành công nghiệp tăng trưởng chậm dần trong thời gian qua; hoạt động thương mại chưa thực sự sôi động; giá trị xuất khẩu mặc dù tăng trưởng nhưng vẫn ở mức thấp, tiến độ triển khai đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp còn chậm dẫn đến khó khăn trong đáp ứng mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp, tồn kho bất động sản còn nhiều; nguồn vốn cho đầu tư phát triển còn hạn hẹp.
Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Văn Sửu cũng cho biết, trong việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở, lượng được thụ hưởng khách hàng còn hạn chế. Cùng với đó, nhiều gói tín dụng với lãi suất được các ngân hàng cung cấp nhưng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tiếp cận được; lãi suất huy động của ngân hàng thương mại hạ nhanh trong thời gian ngắn nhưng lãi suất cho vay hạ chưa tương xứng, cộng với thủ tục, điều kiện chặt chẽ khiến doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vay vốn tín dụng ngân hàng...
Ngoài những nguyên nhân khách quan như tác động của suy thoái kinh tế thế giới, yếu kém nội tại của nền kinh tế... lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cũng đánh giá, công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh tuy đã được cải thiện song vẫn chưa thực sự thông thoáng và hấp dẫn, đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến các dư án đầu tư xây dựng có sử dụng đất của doanh nghiệp.
Thành phố cũng nhận định, việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành, giữa các hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan chức năng trong công tác rà soát, đánh giá doanh nghiệp được hưởng chính sách tháo gỡ khó khăn chưa sát với những tiêu chí cụ thể...
|
Hội nghị Thành ủy, HĐND – UBND thành phố với các sở, ban, ngành và địa phương Hà Nội |
Tiếp tục kêu gọi đầu tư trung tâm thương mại
Để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh quý II và những tháng cuối năm, lãnh đạo UBND Thành phố đã chỉ đạo triển khai một số nhóm giải pháp.
Trong đó, trước hết Thành phố sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp, của nền kinh tế. Trong đó, đặc biệt tập trung quyết liệt thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước thuộc Thành phố giải đoạn 2012 – 2015.
Thành phố cũng đề ra giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI, bằng cách hoàn thành các quy hoạch phân khu, các cơ chế chính sách đồng bộ để tạo điều kiện triển khai các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các dịch vụ chất lượng cao; di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô; công khai danh mục các dự án kêu gọi đầu tư...
Một điều đáng lưu ý, đó là trong giải pháp hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho của Hà Nội được ông Nguyễn Văn Sửu đưa ra là tiếp tục rà soát, xây dựng các dự án theo hướng kết hơp chợ truyền thống và trung tâm thương mại; lập danh mục các dự án hạ tầng thương mại chợ, trung tâm thương mại, siêu thị để kêu gọi đầu tư.
Một số giải pháp khác để phát triển kinh tế Thủ đô được ông Nguyễn Văn Sửu trình bày, đó là hỗ trợ vay vốn, lãi suất, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản; tăng cường và đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động thông tin tuyên truyền...
Ý kiến bạn đọc