(VnMedia) - “Lao động của thẩm phán rất đặc thù và chịu trách nhiệm trước xã hội thì phải có lương đặc thù. Đây cũng là giải pháp đột phá cơ bản để chống oan sai.” - Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình khẳng định.
Chỉ có duy nhất ông Nguyễn Thanh Chấn bị oan
Như VnMedia đã đưa tin về phiên chất vấn của Thường vụ Quốc hội đối với Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình về những vụ án oan sai, tại phiên họp sáng qua, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) dẫn chứng, 3 năm qua, Tòa án đã đưa ra xét xử khoảng 213.587 vụ án hình sự. Điều đó đã có tác dụng răn đe giáo dục và phòng ngừa. Tuy nhiên trong xét xử vẫn còn để xảy ra tình trạng oan sai gây bất bình trong dự luận. cho xã hội.
“Vậy sau vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, tôi có chất vấn còn bao nhiêu vụ án oan sai như ông Chấn mà Chánh án chưa rà soát thấy? Chánh án có hứa là sẽ rà soát để xem xét vấn đề này, vậy từ đó đến nay Chánh án đã rà soát xem còn bao nhiêu vụ án oan sai như thế?”
Trả lời câu hỏi này, Chánh án Trương Hòa Bình thừa nhận: “Qua 5 vụ án oan sai mà đoàn giám sát đang nghiên cứu thì chúng tôi thấy sai sót rất nhiều từ khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ, trưng cầu giám định, rồi xét hỏi bị can. Chính vì vậy mà những vụ án đặc biệt nghiêm trọng nhưng xét xử rất kéo dài khiến nhân dân không đồng tình.”
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền “truy” tiếp: “Vụ Lê Bá Mai đã 3 lần xét xử sơ thẩm, 3 lần xét xử phúc thẩm, 1 lần giám đốc thẩm, 1 lần tuyên tử hình, 1 lần tuyên không phạm tội, 1 lần xử tù chung thân. Vậy xin hỏi lãnh đạo 3 ngành Tòa án, Viện kiểm sát, và Công an có giải pháp gì mang tính đột phá để khắc phục những sai sót để chống oan, chống lọt tội phạm?
Trả lời câu hỏi này, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết: Từ năm 2011 đến nay, đối với các bị cáo có đơn kêu oan mức án 20 năm, chung thân, tử hình thì các cơ quan đã phối hợp rà soát, xác định có 35 trường hợp có đơn kêu oan được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 có mức án phạt tù 20 năm, chung thân, tử hình, trong đó đã giải quyết được 24 trường hợp. Thông qua kết quả giải quyết này cho thấy cơ bản việc xét xử của Tòa án là đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không phạm tội. Những vụ hiện nay đang xem lại của giai đoạn trước thì báo cáo trong các vụ đến nay chỉ khẳng định có vụ ông Chấn là oan, còn lại 5 vụ án nổi cộm trên vẫn đang xem xét để kết luận, trong có có thể có vụ án, nhưng cũng có vụ không oan.
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cũng phân tích, qua 5 vụ án oan sai (như VnMedia đã đưa tin), có sai lầm từ kết quả khám nghiệm hiện trường, giám định, xét hỏi, làm cho kết quả chứng minh không đầy đủ phải hủy đi hủy lại. Trong đó, phần trách nhiệm khám nghiệm hiện trường, xét hỏi bị cáo bị can trách nhiệm là của Bộ công an, cuối cùng là Viện kiểm sát.
Muốn không oan sai, phải có lương “đặc thù”?
Về giải pháp để chống oan, chống lọt tội, ông Trương Hòa Bình cho biết, đối với Tòa án, có 3 giải pháp đột phá. Một là thực hiện tốt việc tranh tụng. Theo đó, tới đây, khi sửa Luật Tố tụng hình sự phải tập trung làm tốt thiết kế chương tranh tụng để phát huy vai trò của luật sư. Có thể cho luật sư tham gia ngay từ đầu, hoặc người bào chữa đại diện cho quyền lợi của bị can.
Theo Chánh án Trương Hòa Bình, phải thực hiện tốt việc bị can không phải chứng minh mình là tội phạm mà các cơ quan tố tụng phải chứng minh. Muốn như vậy thì phải có đội ngũ cán bộ tốt có trình độ. Do đó phải nâng cao trình độ của kiểm sát viên, thẩm phán, điều tra viên. Thẩm phán phải đủ năng lực xử lý qua tranh luận để phát hiện những sai phạm, vi phạm để giải quyết triệt để.
Do vậy, giải pháp thứ hai được người đứng đầu ngành Tòa án đưa ra chính là nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, đồng thời phải quy định rõ quyền tư pháp của tòa trong thực hiện tố tụng, thể hiện ngay trong Luật Tố tụng, trong đó có quyền của Tòa án khi xem xét 1 hồ sơ mà Viện kiểm sát chuyển sang. Nếu thấy chưa đủ căn cứ để buộc tội, đưa ra tranh tụng chưa đảm bảo thì Tòa yêu cầu trả điều tra bổ sung. Nếu quá trình điều tra bổ sung vẫn khộng đáp ứng thì Tòa án trực tiếp xác minh thu thập chứng cứ để đảm bảo rằng có đủ căn cứ vững chắc để đưa ra truy tố…
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao phân tích, trách nhiệm của các cơ quan tố tụng là phải chứng minh tội phạm, nếu không chứng minh được thì tòa phải tuyên không phạm tội chứ bị cáo, bị can không có nghĩa vụ phải chứng minh mình phạm tội. Trách nhiệm của điều tra và kiểm sát thì cũng phải nâng cao năng lực và thu thập tài liệu, chứng cứ, nhân chứng, dấu vết giám định… phải làm kỹ.
Theo ông Trương Hòa Bình, nếu điều tra viên làm tốt thu thập chứng cứ tại hiện trường sẽ hạn chế rất nhiều sai sót như trong thời gian qua.
Về bức cung, theo ông Trương Hòa Bình, phải giáo dục đội ngũ cán bộ cơ quan tiến hành tố tụng trên tinh thần thủ pháp “chí công vô tư” vì mục đích xây dựng nền tư pháp trong sạch vững mạnh, bảo vệ công lý, truy tố phải đúng người đúng tội, vì nhân dân chứ không phải vì thành tích nôn nóng. Ngoài giáo dục thì cũng phải thanh tra, kiểm tra.
Ông Trương Hòa Bình cũng phân tích, ngoài giáo dục tư tưởng, đào tạo thì người ta phải có cuộc sống đảm bảo cho gia đình bản thân mức khá trở lên để phù hợp với đặc thù ngành nghề này.
“Báo cáo với các đồng chí, một thẩm phán muốn xét xử được thì trong đầu phải nghiên cứu hàng ngàn luật trở lên, trong đầu phải có bao nhiêu luật để phán quyết bản án. Cho nên lao động của thẩm phán rất đặc thù và chịu trách nhiệm trước xã hội thì phải có lương đặc thù. Đây cũng là giải pháp đột phá cơ bản để chống oan sai.”
|
Lao động của thẩm phán rất đặc thù và chịu trách nhiệm trước xã hội thì phải có lương đặc thù - ảnh phiên tòa tái thẩm xử ông Nguyễn Thanh Chấn |
Xử oan sai: Chỉ bị xem xét khi tái bổ nhiệm?
Phát biểu tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Khi xử oan sai thì trách nhiệm như thế nào? Theo tôi, xử oan thì người xử phải chịu tội. Cán bộ điều tra mà bức cung, nhục hình thì phải chịu tội. Kiểm sát viên truy tố và cáo trạng mà cáo trạng sai thì phải có trách nhiệm. Tội nặng hay nhẹ thì theo quy định mà xem xét.”
Người đứng đầu Quốc hội cũng đặt câu hỏi: “Chúng ta có làm minh bạch như thế được không? Trong lịch sử ngành Tòa án đã tự mình tìm ra cái sai của mình chưa? Khi tìm ra cái sai của mình (trong ngành Tòa án) thì đã xử như thế nào, đảm bảo xử nghiêm chưa?
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, theo quy định của pháp luật tố tụng, mỗi cấp tòa án có thẩm quyền xét xử độc lập, nhưng có việc là trình tự sơ thẩm nếu sai thì xét xử phúc thẩm, nếu phúc thẩm sai thì giám đốc thẩm. Vì là trình tự nên rất nhiều vụ án các cấp trên sửa tòa án cấp dưới trong đó có những trường hợp án oan.
Đối với câu hỏi xác định khi có oan sai thì thẩm phán sẽ bị xử lý như thế nào, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, khi xác định án oan, sẽ có nhiều hình thức để xử lý, nếu oan không nghiêm trọng và không phải do lỗi chủ quan thì trong quá trình xem xét tái bổ nhiệm sẽ dừng lại, không tái bổ nhiệm. Nhưng khi để xảy ra oan thì bản thân Tòa án đó phải tổ chức kiểm điểm hội đồng xét xử và kiểm điểm thẩm phán để xác định trách nhiệm và đánh giá việc làm oan này là chủ quan hay khách quan.
“Sau đó quy trình là xem xét, nếu sai lầm nghiêm trọng thì đình chỉ xét xử và sau đó mới xem xét trách nhiệm khi tái bổ nhiệm.” – Chánh án Trương Hòa Bình cho biết và nhấn mạnh thêm, nếu có dấu hiệu cố ý vi phạm pháp luật để làm oan thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu không phải cố ý, mức độ không nghiêm trọng, không xem xét về trách nhiệm hình sự thì xem xét trách nhiệm bồi thường. Nếu do Tòa án làm oan khi xét xử thì tòa án phải chịu trách nhiệm bồi thường, Thẩm phán phải hoàn trả theo đúng quy định của Luật Bồi thường Nhà nước.
Tòa án phải được tham gia từ đầu
Trước giải thích của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hỏi dồn: “Như thế có thể khẳng định thế này được không: Tất cả các vụ xét xử rồi, kết án rồi mà oan sai, dù sai ở đâu, từ điều tra, từ bức cung nhục hình, từ kiểm sát viên truy tố, từ cáo trạng… mà đã qua xét xử rồi, quyền xét xử là của Tòa án, quyền buộc tội là của Tòa án, quyền tuyên vô tội của Tòa án, nếu để oan sai, thì trách nhiệm của Tòa án. Nói cho cùng, bất kể sai ở đâu nhưng nếu để người công dân bị buộc tội oan sai thì trách nhiệm thuộc về Tòa án, mà người trực tiếp chịu trách nhiệm là Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa và tập thể hội đồng xét xử ấy phải chịu, trong đó người chịu trách nhiệm chính trị cao nhất là Chánh án TANDTC. Nói như vậy có đúng không?”
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thêm: “Luật đã cho anh quyền, nếu kiểm sát sai thì bỏ ra, công an điều tra sai thì bỏ ra… các tòa án nói chung phải chịu trách nhiệm oan sai. Người công dân chỉ bị coi là có tội khi tòa án tuyên. Mà người trông coi việc này là chủ tọa phiên tòa, như Bao Công vậy.”
Ông khẳng định: “Làm thế nào đó, các đồng chí phải chịu trách nhiệm trong toàn ngành Tòa án, bất kể oan sai đâu thì các đồng chí đều phải chịu trách nhiệm, vì khi xét xử quyền của Tòa án, thì Tòa án phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.”
Khẳng định Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề “rất đúng”, Chánh án Trương Hòa Bình giải thích thêm: nếu Tòa án đưa ra xét xử rồi, từ cấp sơ thẩm trở đi, sau đó hậu quả để oan sai thì tòa phải chịu trách nhiệm, vì đã qua xét xử. Nhưng nếu chưa ra xét xử thì trách nhiệm ở giai đoạn thụ lý, của cơ quan nào thì cơ quan đó chịu, trách nhiệm của điều tra thì điều tra chịu, trách nhiệm của kiểm sát thì kiểm sát chịu.
“Đây là vấn đề pháp lý đặt ra. Khi xây dựng Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án có nêu và chúng tôi đưa vào Luật Tổ chức tòa án. Nếu như hướng của một số nước khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn ảnh hưởng đến quyền con người thì Tòa án phải chặn ngay từ ban đầu. Chúng tôi khi xây dựng Luật cũng đưa ý tưởng này vào, có nghĩa Tòa sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ, công an bắt sai Tòa cũng phải chịu vì Tòa kiểm soát từ đầu. Nhưng đặc thù của chế độ ta có cơ quan kiểm sát nên giai đoạn này giao quyền cho kiểm sát, tòa không tham gia giai đoạn đầu.” - ông Trương Hòa Bình giải thích.
Ý kiến bạn đọc