(VnMedia) - Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng: “Thay vì áp dụng tịch thu phương tiện ngay, các cơ quan chức năng chỉ nên tăng mức xử phạt đối với hành vi điều khiển phương tiện giao thông có vi phạm nồng độ cồn”.
>> Tịch thu xe vi phạm: Quyết định ngay trong tháng 3
>> Tịch thu xe vi phạm: Cân nhắc tới văn hóa giao thông và rượu bia
>> "Không loại trừ tịch thu phương tiện nếu vi phạm nhiều"
Theo báo Vn Economy, đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng tại cuộc họp với đại diện một số Bộ, Ngành ngày 30/3 nhằm xem xét kiến nghị của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về tăng mức xử phạt đối với đối với 4 nhóm hành vi: không chấp hành việc kiểm tra, cố tình bỏ phương tiện, không hợp tác với lực lượng thực thi công vụ trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; chở quá tải cho phép trên 150%; điều khiển xe cơ giới mà trong cơ thể có nồng độ cồn quá mức cho phép; điều khiển xe môtô, xe gắn máy, xe thô sơ đi vào đường cao tốc…
Còn theo báo Giao thông, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, nghị định xử phạt cũng mới chỉ thực thi được 3 tháng nên cần có sự tổng kết, rà soát, đánh giá những vấn đề thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính đối với các nhóm hành vi trên, so sánh với các nhóm hành vi khác, để làm căn cứ đề xuất sửa đổi, bổ sung, cũng như đảm bảo tính khả thi. Việc đề xuất sửa đổi, bổ sung nghị định cần được thực hiện theo thủ tục thông thường, chứ không áp dụng theo thủ tục rút gọn.
Riêng về xe chở quá tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ tạm dừng xử phạt đối với vi phạm về quá tải trọng trục xe được quy định tại Nghị định 107/2014, mà chỉ áp dụng xử phạt đối với phương tiện vượt quá tổng trọng tải vượt cho phép tham gia giao thông.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng. Ảnh: Vạn Xuân |
Ngay sau khi Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề xuất tịch thu ôtô của người điều khiển phương tiện trong máu có nồng độ cồn cao đã nhận được không ít quan điểm trái ngược nhau. Nhiều ý kiến tỏ ý ủng hộ nhưng cũng không ít ý kiến phản đối.
Phát biểu tại một hội thảo liên quan, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp Phan Hữu Thư cho biết, ông ủng hộ chế tài phạt nặng người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông trên đường.
Tuy nhiên, ông Thư lưu ý Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về tính khả thi khi đưa ra đề xuất trên. “Bằng cách này tôi thấy tính khả thi không cao. Vì văn bản này có ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, chẳng nhẽ cả nhà họ có cái xe, chỉ uống vài chén rượu và lại bị thu mất”, ông Thư nói.
Ông Thư cho rằng, chúng ta đang nhầm tưởng cứ phạt nặng là hết tai nạn. “Việc phạt nặng hay nhẹ nên phụ thuộc vào lỗi của người vi phạm. Vi phạm càng nhiều thì chế tài càng nặng, không loại trừ việc tịch thu phương tiện”, ông Thư nói.
Đồng quan điểm, TS Trần Hữu Minh, chuyên gia với 10 năm kinh nghiệm về quy hoạch giao thông tại Anh cũng cho rằng, chỉ nên tịch thu xe khi tài xế tái phạm nặng hơn.
Theo ông Minh, nhiều nước đã coi việc lái xe trong điều kiện nồng độ cồn vượt mức cho phép còn bị xem là tội phạm, vì uy hiếp đến sự an toàn của nhiều người dân. Vì vậy, các nước trên thế giới tạm giữ xe rất nhiều, tịch thu xe cũng rất nhiều. Ví dụ ở Mỹ có 32/52 bang áp dụng lệnh tịch thu xe liên quan đến lái xe uống rượu bia, nhiều nước cũng tịch thu xe nếu lái xe vi phạm lần 3.
Theo ông Minh, việc áp dụng giải pháp tịch thu xe đối với lái xe vi phạm về nồng độ cồn ở Việt Nam cần theo xu hướng của các nước.
“Có thể áp dụng chế tài tịch thu xe đối với lái xe tái phạm vi phạm nồng độ cồn khi lái xe; lái xe vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng, như nồng độ cồn cho phép là 80mg/100ml máu mà nồng độ cồn của lái xe gấp 3-4 lần nồng độ cho phép, tức là lúc đó anh đã hoàn toàn mất kiểm soát, có thể gây tai nạn “giết” bất cứ ai trên đường thì phải tịch thu xe ngay; lái xe chống người thi hành công vụ, không dừng xe để đo nồng độ cồn, tức là coi thường kỷ cương”, ông Minh đề xuất.
Ý kiến bạn đọc