(VnMedia) - Bộ trưởng Bộ Giao thông vừa kiến nghị Thủ tướng việc nhượng quyền khai thác Sân bay Phú Quốc theo hình thức hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (hợp đồng O&M) để lấy vốn xây dựng sân bay Long Thành.
> > Huy động mọi nguồn lực xây sân bay Long Thành
>> Đề xuất làm trước 1 đường cất cánh sân bay Long Thành
>> Bộ Giao thông đồng ý bán Nhà ga T1 Nội Bài
Theo Bộ Giao thông, đây là hợp đồng được ký giữa Nhà nước và nhà đầu tư để kinh doanh một phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời gian nhất định.
Với hình thức nhượng quyền khai thác sân bay, nhà đầu tư sẽ vận hành khai thác công trình có hiệu quả và trả lại nhà nước sau một thời gian nhất định. Người sử dụng (trong đó có các hãng hàng không) sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn với giá hợp lý hơn. Nhà nước sẽ thu hồi được một khoản kinh phí xác định. Nguồn kinh phí này có thể dùng để đầu tư một số công trình trọng điểm, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.
"Nếu được Chính phủ chấp thuận, các cơ quan thuộc bộ sẽ xác định lại giá trị tài sản của sân bay Phú Quốc để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, định giá. Nếu chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham giam, Bộ sẽ xem xét lựa chọn trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu đề ra, hoặc đấu thầu để lựa chọn nếu có trên 2 nhà đầu tư", Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định.
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc hiện có công suất 2,6 triệu hành khách mỗi năm, đạt tiêu chuẩn cấp 4E, có đường hạ cất cánh rộng 45m, dài 3.000 m, với 8 vị trí đậu cho máy bay A320- A321 vào giờ cao điểm, có thể tiếp nhận được tàu bay thân rộng loại Boeing 747. Năm 2014, Cảng hàng không Phú Quốc đạt sản lượng gần 800.000 hành khách, tăng khoảng 100.000 khách so với năm 2013, trong đó khách nước ngoài chiếm khoảng 30%.
Bộ Giao thông vận tải vừa chính thức đề xuất lên Thủ tướng việc "bán" sân bay Phú Quốc để lấy vốn xây Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: Internet |
Sẽ có nhiều cảng hàng không được... "bán"
Chủ trương nhượng quyền khai thác các cảng hàng không trong nước để lấy vốn xây dựng sân bay khác được Bộ Giao thông vận tải đưa ra sau khi Đề án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành gặp nhiều ý kiến không đồng thuận do nguồn kinh phí đầu tư quá lớn.
Tại cuộc họp cuối tháng 2 vừa qua về việc triển khai thực hiện Đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đến năm 2016, đơn vị này sẽ cơ bản hoàn thành công tác sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý, khuyến khích, kêu gọi xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không.
Đề cập đến cơ chế để kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào kết cấu hạ tầng hàng không, ông Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện nay Cục đang chuẩn bị nội dung, báo cáo Bộ Giao thông vận tải để thống nhất với Bộ Quốc phòng phân loại danh mục các cảng hàng không có vị trí, vai trò trọng điểm đối với an ninh quốc phòng; phân định trách nhiệm của các bên trong quản lý kết cấu hạ tầng hàng không…
Theo ông Thanh, cùng với việc trên, Cục Hàng không Việt Nam đang kiến nghị thành lập Ban chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải để chỉ đạo triển khai thí điểm Dự án nhượng quyền khai thác Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc hoặc nhượng quyền khai thác nhà ga hành khách Phú Quốc.
Chỉ đạo tại cuộc họp trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đề nghị, xây dựng ngay phương án thí điểm "bán" 100% vốn sân bay Phú Quốc và chuyển nhượng quyền khai thác một số sân bay cũng như liên doanh để đầu tư mới; đưa ra kế hoạch cụ thể về việc đầu tư mới, nâng cấp cải tạo một số sân bay trong đó có sân bay Cam Ranh; thí điểm bán dứt điểm sảnh E, Nhà ga T1 sân bay Nội Bài.
Trước đó, ngay sau khi hãng Hàng không VietJet Air đề nghị mua lại quyền khai thác và sử dụng sảnh E, Nhà ga T1 - sân bay quốc tế Nội Bài, cuối tháng 2 vừa qua, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng có đơn đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép mua lại toàn bộ Nhà ga T1 này.
Văn bản do ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines ký trình lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc mua Nhà ga T1 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ tạo điều kiện cho hãng trực tiếp được giao quản lý sử dụng tìm biện pháp giảm chi phí trong vận tải hàng không, nâng cao hiệu quả kinh doanh; linh hoạt và chủ động trong sắp xếp khai thác tại nhà ga đồng; thời quản lý và chịu trách nhiệm khai thác phòng chờ, các quầy và mặt bằng trong ga để nâng cao chất lượng, dịch vụ, thuận lợi cho hành khách.
"Vietnam Airlines sẽ huy động vốn của mình, các doanh nghiệp có vốn đóng góp, đồng thời với việc huy động vốn của các doanh nghiệp, cá nhân bên ngoài để mua nhà ga này. Tổng công ty sẽ đảm bảo thực hiện nghiêm túc và nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ hàng không và phi hàng không khi được giao quản lý và khai thác Nhà ga T1; chấp hành đầy đủ nghiêm túc luật pháp và quy định khác nhau của ngành Hàng không Việt Nam", ông Thanh khẳng định trong văn bản gửi lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải.
Mới đây nhất, đầu tháng 3 vừa qua, Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển là đơn vị đầu tiên bày tỏ mong muốn giành quyền khai thác sân bay Phú Quốc và nhiều khả năng phải cạnh tranh với một công ty nước ngoài. Trước khi T&T gửi đơn hỏi mua, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng bày tỏ nguyện vọng nhượng quyền khai thác sân bay này.
Ý kiến bạn đọc