(VnMedia) - Theo kế hoạch của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tại phiên họp thứ 36, Thường vụ sẽ tiến hành chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc vào tuần tới...
Trên cơ sở chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến giữa 2 kỳ họp, ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 8, ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước và dư luận xã hội trong thời gian qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa quyết định sẽ tổ chức phiên chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban thường vụ Quốc hội để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Phiên chất vấn với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ được thực hiện xung quanh vấn đề về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự và bồi thường oan sai theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Tại phiên chất vấn, các Bộ trưởng, Trưởng ngành: Công an, Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan.
|
Phiên chất vấn với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ được thực hiện xung quanh vấn đề về tình hình oan sai - ảnh minh họa |
Phiên chất vấn với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc sẽ đề cập đến việc thực hiện Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn, những khó khăn, thách thức và triển vọng, kết quả đến hết năm 2015;
Ngoài ra, Thường vụ Quốc hội cũng sẽ chất vấn về thực trạng và giải pháp sắp xếp bố trí dân cư vùng thường xảy ra thiên tai, vấn đề di cư tự do, đào tạo nghề, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào thiểu số; Giải pháp giải quyết vấn đề ma túy và một số hủ tục, mê tín dị đoan trong vùng dân tộc thiểu số.
Các Bộ trưởng, Trưởng ngành như Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Tài nguyên và môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Xây dựng, Công an, Y tế, Văn hóa, thể thao và du lịch, Giáo dục và đào tạo, Lao động, thương binh và xã hội, Giao thông vận tải tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan.
Dự kiến, Thường vụ sẽ dành cả ngày thứ sáu (13/3) để tiến hành chất vấn.
Việc chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tiến hành theo nhóm vấn đề. Người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo trước khi trả lời chất vấn. Thời gian chất vấn mỗi Bộ trưởng, Trưởng ngành là 1/2 ngày (Buổi sáng, đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Buổi chiều, đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc).
Phiên chất vấn được tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp; đồng thời, kết nối truyền hình trực tuyến với 63 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo Chủ tịch Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc chất vấn lần này là nhằm tiếp tục đưa hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội thành hoạt động thường xuyên, ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Việc vhất vấn tập trung vào những lĩnh vực được đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận xã hội quan tâm để làm rõ hơn trách nhiệm trong quản lý, điều hành của người trả lời chất vấn.
Thường vụ cho ý kiến nhiều vấn đề quan trọng
Theo Chương trình Kỳ họp, vào sáng thứ hai (9/3), Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp, Thường vụ sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội vào tháng 3/2015.
Buổi chiều, Thường vụ cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).
Chiều cùng ngày, Thường vụ cũng cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật ban hành văn bản pháp luật.
Ngày làm việc thứ hai, (10/3), buổi sáng, Thường vụ sẽ cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 ngày 14/7/2011 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường, đồng thời cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về vốn đầu tư Dự án Đường Tịnh Phong - cảng Dung Quất 2, tỉnh Quảng Ngãi; việc bổ sung dự toán chi cho Bộ Ngoại giao từ nguồn thu 70% lệ phí lãnh sự được để lại đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Buổi chiều, các đại biểu cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán.
Sáng 11/3, buổi sáng, Thường vụ cho ý kiến về các Tờ trình của Chính phủ về Đề án thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính dưới cấp tỉnh. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận về dự án Luật thống kê (sửa đổi).
Ngày 12/3, buổi sáng, Thường vụ cho ý kiến về dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi). Buổi chiều, các đại biểu cho ý kiến về dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi).
Ngày 13/3, Thường vụ sẽ dành cả ngày để thực hiện phần chất vấn trực tiếp như đã trình bày ở trên.
Sau 2 ngày nghỉ, ngày thứ hai đầu tuần (16/3), buổi sáng, Thường vụ cho ý kiến về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại một số nước. Buổi chiều, các đại biểu cho ý kiến về dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Sáng ngày 17/3, các đại biểu cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, sau đó sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
Đây cũng là phiên bế mạc phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ý kiến bạn đọc