Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao giải trình 5 vụ án nghiêm trọng

10:34, 14/03/2015
|

(VnMedia) - Ngày 13/3, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã trả lời chất vấn Thường vụ Quốc hội về nguyên nhân và trách nhiệm đối với các vụ án oan sai, trong đó có 5 vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được đề nghị tử hình.
 
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Đỗ Văn Đương nêu lên những vụ án có dấu hiệu oan sai đặc biệt gần đây, đó là vụ án Nguyễn Thanh Chấn, vụ án Hồ Duy Hải, vụ án Nguyễn Văn Chương và vụ án Hàn Đức Long.  
 
“Tại sao Nguyễn Thanh Chấn có đơn liên tục nhiều năm, nhưng chỉ đến khi Lý Nguyễn Chung ra đầu thú thì Viện Kiếm sát nhân dân (VKSND) mới xem xét kháng nghị?” – đại biểu Đương đặt câu hỏi đối với vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn đồng thời cũng chất vấn: “Huỳnh Văn Nén đã có đơn tố giác, 16 năm rồi mà không được xem xét, gần đây cuối năm 2014 mới được xem xét”.
 
Trong khi đó, đối với vụ án Hồ Duy Hải, đại biểu Đỗ Văn Đương cũng hỏi  “Có oan hay không? Chủ tịch nước đã bác đơn xin giảm án, bản thân bị cáo cũng đã có đơn xin thi hành án sớm, tại sao lại hoãn thi hành?”
 
Ông Đỗ Văn Đương cũng băn khoăn, hình phạt tử hình đối với Nguyễn Văn Chương có thỏa đáng  hay không? có đúng với vai trò giết người hay không?
 
Trong khi đó, đại biểu thắc mắc: Tại sao với tình tiết như nhau, đều là giết người và hiếp dâm nhưng Lê Bá Mai xử chung thân mà Hàn Đức Long bị tử hình?
 
“5 vụ án trên có dư luận bức cung, nhục hình, có đơn tố cáo của 5 bị can này hay không? Quá trình điều tra có thiếu sót cơ bản nào? Vi phạm đó ảnh hưởng nào đến xác định bản chất khách quan của vụ án?” Đại biểu Đỗ Văn Đương chất vấn.

Ảnh minh họa

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình


Trả lời đại biểu Đỗ Văn Đương, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết, đối với 5 vụ án nêu trên, chỉ duy nhất vụ ông Nguyễn Thanh Chấn là có kết luận oan sai.
 
“Đây là những vụ án cũ từ những năm trước đây và hiện đang được giải quyết. Vấn đề đặt ra phải xem xét thận trọng để khắc phục những hậu quả (nếu có) vi phạm trong điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời, cũng phải khẳng định những cái nào đã điều tra, truy tố, xét xử đúng nhưng vì có đơn, các cơ quan vẫn thận trọng xem xét. Đối với những vụ án  phức tạp này, việc xem xét trong suốt quá trình thận trọng, đến giai đoạn hiện nay hết sức thận trọng để bảo đảm oan phải kết luận là oan và giải oan, nếu có tội phải xác định rõ căn cứ có tội đúng pháp luật, để không làm oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm.” – Chánh án Trương Hòa Bình giải thích.
 
Theo Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, đối với Hồ  Duy Hải (Long An), cơ quan điều tra đã tiến hành công tác truy xét. Đây là vụ án không bắt quả tang nên quá trình thu thập chứng cứ khó khăn. Quá trình điều tra phát hiện nghi can là Hồ Duy Hải và Hồ Duy Hải đã nhận giết người.
 
Theo người đứng đầu ngành Tòa án, quá trình hỏi cung có Luật sư tham gia, trên cơ sở đó, cơ quan điều tra đã xác định một số chứng cứ. Sau đó, VKS truy tố đưa ra tòa án xét xử. Tại tòa sơ thẩm, bị cáo có nhận tội, bị cáo cũng khai không có bức cung nhục hình, và án sơ thẩm kết án có tội.
 
Quá trinh phúc thẩm, bị cáo một phần  cho rằng không có tội, nhưng không có cơ sở chứng minh. Phúc thẩm nhận định tuy quá trình điều tra, thu thập chứng cứ có một số sai sót nhưng vẫn kết tội.
 
“Đặt vấn đề có oan hay không thì Tòa án trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ án chưa phát hiện ra có căn cứ kháng nghị, mặc dù có một số thiếu sót trong thu thập chứng cứ, VKS cũng đã kết luận và có quyết định không kháng nghị và trình Chủ tịch nước. Chủ tịch nước cũng đã bác đơn ân xá của Hồ Duy Hải.” – Ông Trương Hòa Bình giải thích.
 
Theo ông Trương Hòa Bình, việc có oan hay không căn cứ người có thẩm quyền có kháng nghị hay không, hoặc Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao khi đưa ra xét xử kết luận thì mới kết luận oan hay không oan. Hiện bản án đã có hiêu lực, chưa phát hiện ra căn cứ để kháng nghị.
 
“Vụ án này có giám sát của Quốc hội. Chúng tôi lập ra tổ liên ngành do VKSND chủ trì, tổ đã làm việc tích cực, phúc tra lại quá trình lời cung của Hồ Duy Hải, khi Đoàn liên ngành hỏi thì Hồ Duy Hải vẫn nhận tội, đơn chỉ xin giảm án hay thi hành án tử hình ngay. Cho nên căn cứ khẳng định là oan thì chưa có căn cứ. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ vẫn thận trọng, khi có đủ căn cứ thì sẽ kháng nghị.” – Ông Trương Hòa Bình nêu rõ.
 
Về việc tại sao Chủ tịch nước bác đơn nhưng lại tạm hoãn thi hành án, Chánh án cho rằng đây là vấn đề pháp lý nhưng cũng phải tôn trọng nguyện vọng gia đình bị cáo và công luận. Gia đình đến làm đơn xin tạm hoãn thi hành án và gửi Chủ tịch nước, dư luận báo chí cũng phản ánh tình hình, Chủ tịch nước xem xét thận trọng, yêu cầu Chánh án, VKS xem xét lại. Tòa án Long An đã tạm hoãn thi hành án, sau đó lập Đoàn liên ngành. Trước Tết, đã có họp sơ bộ và đưa ra nhận định, tuy nhiên sau Tết sẽ họp lại để đánh giá toàn diện, đầy đủ, khách quan, kết hợp với kết quả giám sát của Quốc hội.
 
Đối với hình phạt tử hình Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng), Chánh án cho biết, Viện trưởng VKSND đã kháng nghị giảm từ tử hình xuống chung thân, nhưng Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã bác, bởi căn cứ vào vai trò của Chưởng là người chủ mưu, cầm đầu. Cũng có ý kiến Chưởng không phải là người tấn công, không gây hậu quả trực tiếp, nhưng đối tượng khác lại do Chưởng cầm đầu nên quan điểm của Hội đồng là hậu quả đến đâu người cầm đầu chịu trách nhiệm.
 
“Xin khẳng định đây không phải vụ án oan. Tất nhiên nếu có ý kiến của Quốc hội, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét một cách thận trọng, chờ kết luận giám sát của Quốc hội.” – Chánh án Trương Hòa Bình khẳng định.
 
Còn về lý do vì sao tình tiết, phạm tội như nhau, Lê Bá Mai thì chung thân, Hàn Đức Long (Bắc Giang) lại tử hình, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, đây là vấn đề áp dụng pháp luật, cả hai cùng phạm tội hiếp dâm trẻ em. Tội hiếp dâm đối với trẻ em dưới 13 tuổỉ thì khung hình phạt rộng từ 12 năm đến tử hình. Các Hội đồng căn cứ vào tình tiết vụ án, thủ đoạn, hành vi, tính chất nghiêm trọng của hành vi đó, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ…
 
“Đây là quyết định độc lập của Hội đồng, trong phạm vi khung hình phạt đó Hội đồng có thẩm quyền. Chánh án TANDTC tôn trọng quyết định này, Chánh án không thể can thiệp vào xét xử của Hội đồng xét xử.” – Chánh án TANDTC nói.
 
Đối với vụ án Hàn Đức Long, ông Trương Hòa Bình cho biết, Chánh án TANDTC đã kháng nghị.
  
Tham gia giải trình thêm, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết: “Dư luận thời gian qua có nêu tình trạng bức cung, nhục hình, liên quan đến đó là vấn đề oan sai… thì chúng tôi điều tra là có, nhất là điều tra cấp huyện. Ví dụ như  vụ án ở Tuy Hòa đối với Ngô Thanh Kiều (Phú Yên), đã phải xử lý 4-5 cán bộ công an.”  
 
Đối với 5 vụ án nêu  trên, ông Lê Quý Vương cho biết thêm, sau vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, có một số vi phạm phạm nhân, có đơn kêu oan, những những vụ án này xảy ra thời điểm trước đó khá lâu, ít nhất 6-7 năm, có vụ 16 năm (Huỳnh Văn Nén). Những vấn đề nêu lên có đơn từ kêu oan, hiện nay VKSNDTC chủ trì cùng TANDTC và Bộ Công an xem xét đánh giá thận trọng, cụ thể trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ. Nếu nói về Luật, tất cả những vụ án này VKS đã truy tố, Tòa án đưa ra xét xử, có hiệu lực thi hành. Đây là vấn đề xung quanh đánh giá chứng cứ, còn việc có bức cung nhục hình phải xem xét toàn diện.
 
Đối với những vụ án này, các bị cáo đã có đơn gửi đến tòa án, VKS. Riêng Bộ Công an đã nhận được một đơn là của  gia đình Nguyễn Thanh Chấn năm 2013 và đã kịp thời chỉ đạo Công an Bắc Giang, cùng phối hợp với VKSNTC xem xét. Qua xem xét, Vụ án Nguyễn Thanh Chấn đã kết luận oan.
 
Vụ Huỳnh Văn Nén, trên cơ sở đơn  của ông Thành nói về hai người đã thú nhận, nhưng một người đã chết, một người đã trốn từ năm 1998, hiện đang lập chuyên án  tiếp tục truy xét làm rõ có oan hay không.
 
Vụ Hồ Duy Hải, cơ bản các chứng cứ chứng minh Hồ Duy Hải gây ra tội giết người, song trong quá trình thu thập chứng cứ chủ yếu dựa vào lời khai, vấn đề xác định tang chứng, vật chứng cần phải xem xét rõ hơn.
 
Lý giải tại sao gây ra oan sai, ông Lê Quý Vương thừa nhận, cơ bản do trong công tác này chưa tập trung vào tôn trọng chứng minh sự thật khách quan, đặc biệt là xem xét đánh giá chứng cứ, trọng cung hơn chứng cứ, trong đó thiếu sót ngay trong công tác tố tụng, chỉ tập trung thu thập lời khai của người bị hại, nhân chứng, nhưng chưa chú trọng công tác khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, một số vấn đề trong tố tụng...
 
Ông Lê Quý Vương cũng khẳng định, nguyên nhân chủ quan cơ bản là do năng lực, phẩm chất, đặc biệt là trách nhiệm, không tuân thủ theo quy trình điều tra, một số do nôn nóng vì nặng về thành tích.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc