(VnMedia) - Sáng 28/3, trong khuôn khổ Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới 132 (IPU - 132), Hội nghị Nữ nghị sỹ lần thứ 21 đã được khai mạc tại Hà Nội.
Tham dự hội nghị có Chủ tịch Quốc Hội nước CHXHC Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng; Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ tịch IPU ông Saber Chowdhury; Tổng thư ký IPU ông Martin Chungong) cùng 200 nữ nghị sỹ IPU dự hội nghị.
Hội nghị Nữ nghị sỹ lần thứ 21 được bắt đầu bằng việc bầu Chủ tịch của hội nghị. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam được bầu làm Chủ tịch hội nghị Nữ nghị sỹ lần thứ 21.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, Hội nghị Nữ nghị sỹ lần thứ 21 là dịp để nhìn lại những thành tựu đạt được, những đóng góp quan trọng của nữ Nghị sĩ trong cơ chế Hội nghị nữ nghị sĩ trong Liên minh Nghị viện thế giới.
Trải qua 3 thập kỷ, trên nhiều phương diện, cơ chế này đã và đang phát triển đồng hành cùng với Liên minh Nghị viện thế giới. Số lượng các nữ nghị sĩ tham gia với tư cách đại biểu tại các kỳ họp của Liên minh Nghị viện tăng lên đáng kể và các nữ nghị sĩ đã tham gia tích cực hơn ở các vị trí cấp cao của Liên minh Nghị viện thế giới, hình thành nên mạng lưới và các mối quan hệ rộng khắp với nữ nghị sĩ của các Nghị viện thành viên.
Ngày càng có nhiều và thường xuyên hơn các vấn đề liên quan tới phụ nữ được đưa vào chương trình nghị sự của Liên minh Nghị viện thế giới. Các hoạt động trong khuôn khổ cơ chế này đã thúc đẩy mạnh mẽ bình đẳng giới và quan hệ đối tác giữa các nam và nữ nghị sĩ trong Liên minh Nghị
“Tôi tin tưởng rằng Hội nghị này sẽ đóng góp tích cực vào các nghị quyết của Đại hội đồng, đảm bảo các nghị quyết được thông qua đều đã được xem xét qua lăng kính giới, phản ảnh được tiếng nói của các nữ nghị sĩ. Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam từ trước tới nay. Hiến pháp Việt Nam và Luật bình đẳng giới đã ghi nhận quyền bình đẳng về mọi mặt của công dân nam và nữ. Tỷ lệ phụ nữ tham gia trong Quốc hội Việt Nam tại 4 nhiệm kỳ gần đây đều đạt khoảng 25%. Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp bình đẳng giới của Việt Nam cũng như mục tiêu bình đẳng giới của Liên minh Nghị viện thế giới.” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.
|
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam được bầu làm Chủ tịch hội nghị Nữ nghị sỹ lần thứ 21 - ảnh: TTXVN |
Tại hội nghị bà Karin Landgren, Tổng thư ký của Hội nghị nữ nghị sĩ IPU cho biết: Việc tham gia của phụ nữ vào Quốc hội trong vòng 20 năm qua đã tăng khoảng 2,7% từ năm 1995 cũng như tham gia rất nhiều hoạt động khác nhau của chính phủ. Chính phủ các nước đã tạo ra những khuôn khổ về pháp lý, chính sách, điều luật, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế- chính trị cũng như bình đẳng giới. Hiện có 19 nước có nguyên thủ quốc gia là nữ, 17,2% các nước có bộ trưởng nữ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 5 nghị viện trên thế giới không có nữ nghị sĩ và 8 nước không có bộ trưởng hay thứ trưởng là nữ.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ mong muốn tại Hội nghị lần này, từ các chủ đề trong chương trình nghị sự, Hội nghị sẽ có sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của tất các các vị đại biểu trong việc biến các cam kết tự nguyện trở thành các quy định pháp lý mang tính bắt buộc và biến các quy định pháp luật thành thực tiễn sinh động, biến lời nói thành hành động và nữ đều có thể tiếp cận và thụ hưởng bình đẳng các kết quả của sự phát triển.
Chủ tịch Hội nghị Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ tin tưởng các vị nghị sĩ nam sẽ là tác nhân quan trọng trong việc hiện thực hóa pháp luật quốc gia về bình đẳng giới về Công ước CEDAW, Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh và đạt được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, biến Mục tiêu phát triển bền vững thành hành động trong thời gian tới.
Ý kiến bạn đọc