8 dự án mở rộng quốc lộ 1 đang bị chậm tiến độ

09:55, 02/03/2015
|

(VnMedia) - Theo báo cáo, đến thời điểm hiện tại, dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn từ Thanh Hóa - Cần Thơ mới đạt 47,3% khối lượng công việc. Hiện có tới 8 gói thầu của dự án này đang bị chậm tiến độ...

>>
Dân bị ép phải hối lộ để thi công nhanh quốc lộ 1?       
>>
Dự án mở rộng quốc lộ 1 : Nhà thầu bị tư vấn nhũng nhiễu       

Theo ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT), đến thời điểm hiện tại, toàn bộ dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ mới đạt 47,3% giá trị sản lượng, trong đó các dự án trái phiếu chính phủ (TPCP) đạt gần 60% toàn dự án. Các dự án BOT mới xấp xỉ đạt được 38% toàn dự án.
 
Ông Cục trưởng Cục Quản Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết, hiện đã có 7 dự án đoạn Thanh Hoá – Hà Tĩnh và 1 dự án Phan Thiết – Đồng Nai đã được đưa vào khai thác. 30 dự án khác đang triển khai thi công.

Đáng chú ý, trong 14 dự án TPCP đang tiếp tục triển khai thi công, có 2 dự án chưa đạt yêu cầu về tiến độ là 2 đoạn qua Phú Yên và Bình Thuận.
 
Riêng các dự án BOT, có tới 6/16 dự án tiến độ thi công còn chậm, gồm các đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế, dự án thành phần 2 Quảng Nam, Bắc Bình Định, Nam Bình Định, hầm đường bộ Đèo Cả và đoạn Cần Thơ – Phụng Hiệp.
 
“Hầu hết các dự án đang thi công móng đường, khối lượng đạt từ 80 – 90%. Nhiều đoạn đã thi công được hơn 50% khối lượng mặt đường bê tông nhựa. Tuy nhiên, có một số dự án tiến độ vẫn còn chậm, khối lượng thi công móng đường đến thời điểm hiện tại chỉ đạt dưới 10% như đoạn BOT Bắc Bình Định – Nam Bình Định”, ông Sanh cho biết.

Đối với Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, theo báo cáo của ông Sanh, tất cả các dự án cả TPCP và BOT đều đạt tiến độ yêu cầu. Hiện thời tiết khu vực Tây Nguyên đang thuận lợi, các đơn vị đang tranh thủ thi công thảm bê tông nhựa.

  Ảnh minh họa

  Quốc lộ 1 đang được thi công nâng cấp, mở rộng tại nhiều địa phương.
Ảnh: Internet

Nhiều dự án BOT, BT, PPP chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư
 
Đề cập đến các dự án BOT, BT, PPP do Bộ Giao thông vận tải đang quản lý, ông Cục trưởng cho biết, hiện Bộ GTVT đang quản lý tới 54 dự án BOT, BT, PPP với tổng mức đầu tư lên tới hơn 168 nghìn tỷ đồng. Trong số này có tới 47 dự án đường bộ với tổng mức đầu tư hơn 160 nghìn tỷ đồng, gồm 41 dự án BOT, 6 dự án BT.
 
Theo ông Sanh, hiện vẫn còn một số dự án chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT), thời gian giải quyết bị kéo dài do nhà đầu tư chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện về vốn chủ sở hữu, vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, cam kết cấp vốn của tổ chức tín dụng (Dự án Thái Nguyên – Chợ Mới)…
 
“Việc chậm được cấp GCNĐT sẽ ảnh hưởng đến tiến độ ký kết hợp đồng chính thức, tiến độ huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, tiến độ thi công dự án”, ông Sanh nói.
 
Theo ông Sanh, hiện có hiện tượng một số nhà đầu tư chưa đáp ứng được tiến độ vốn góp chủ sở hữu theo cam kết dẫn đến tiến độ chậm, điển hình như Dự án BT La Sơn – Tuý Loan, cầu Thái Hà, QL20 Bảo Lộc – Lâm Đồng…
 
Ngoài ra, việc nguồn cung cấp vật liệu khan hiếm và không đảm bảo chất lượng, nhà đầu tư tổ chức quản lý tại công trường thiếu chuyên nghiệp, chưa huy động đầy đủ năng lực phục vụ thi công theo tiến độ; Công tác phối hợp với các Ban QLDA và các cơ quan chức năng ở địa phương chưa tốt… cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công một số dự án (như BOT QL1 Khánh Hoà, BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp, BOT Bắc Nam Bình Định)…
 
Phát biểu chỉ đạo về tiến độ của các dự án mở rộng quốc lộ 1 tại cuộc họp của Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải cuối tuần qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, theo nghị quyết Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, phải cơ bản hoàn thành dự án trong năm 2015.

“Điều này có nghĩa là chỉ còn 10 tháng để thi công. Nếu trừ tiếp những tháng thời tiết xấu như tại khu vực Tây Nguyên thì thời gian thi công chỉ còn 5 – 6 tháng. Nếu không quyết liệt, chắc chắn không xong được. Đặc biệt với đoạn qua Bình Định – Phú Yên”, Bộ trưởng nói.

Đề cập đến các dự án có nhà đầu tư BOT, ông Thăng khẳng định, Bộ GTVT luôn hoan nghênh các nhà đầu tư BOT tham gia các dự án. Ông yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không để đây thành chỗ mua đi bán lại dự án.
 
“Cục QLXD phải tập huấn lại các Ban Quản lý dự án về việc quản lý dự án BOT. Với chi phí như vậy, nhiệm vụ của Ban Quản lý dự án là gì? Xu hướng thời gian sẽ sử dụng các nguồn vốn này là chính. Vốn ngân sách rất hãn hữu”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo.

Theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, ngay trong tháng 3, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông phải có báo cáo tình hình triển khai thực hiện từng dự án, thủ tục pháp lý như thế nào, vốn chủ sở hữu đóng góp thế nào? Tiến độ ra sao? Đề xuất kiến nghị thay thế những nhà đầu tư nào?...

Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc