2016 sẽ tăng lương đảm bảo đủ trượt giá

07:17, 10/03/2015
|

(VnMedia) - Hiện nay, mức lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng được 35,6% so với mức chi cho nhu cầu tối thiểu của người lao động. Từ 1/2016, mức lương mới phải bù được trượt giá và có cải thiện từng bước...

>> Chưa tăng lương vì ngân sách phải trả nợ

Ngày 9/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công chủ trì cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Ban, tập trung vào nhiệm vụ cải cách chính sách tiền lương.
 
Lương tối thiểu mới đạt 1/3 mức sống tối thiểu

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá, cải cách tiền lương là công việc khó khăn nhưng trong hai năm qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, công tác này có những chuyển biến lớn. Đó là các chỉ đạo không tăng tổng biên chế nhà nước, số tuyển vào bằng một nửa so với số về hưu hay điều chuyển công tác; việc Chính phủ ban hành Nghị định 16 về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập tạo thêm “dư địa” cho công tác cải cách tiền lương khi một khoản lớn ngân sách nhà nước sẽ không còn chi trả cho khối này.
 
Phó Thủ tướng đánh giá, việc tiến hành tăng lương cho khu vực doanh nghiệp và hoạt động Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có bước tiến dài; mạng lưới an sinh xã hội được mở rộng và ngày được nâng cao về chất lượng.
 
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhìn nhận, cải cách tiền lương vẫn còn hạn chế, lương cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của cuộc sống. Cải cách đơn vị sự nghiệp còn chậm, từ đó tạo nguồn cải cách tiền lương chưa có đột phá.

Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì cuộc họp chiều 9/3 - ảnh: Chinhphu


Tạo nguồn tăng lương từ 1/1/2016

Từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã 3 lần điều chỉnh tăng mức lương cơ sở: Từ ngày 1 tháng 5 năm 2011 điều chỉnh tăng từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng, tăng thêm 13,7%; từ ngày 1 tháng 5 năm 2012 tăng lên 1.050.000 đồng, tăng thêm 26,5%; từ ngày 1 tháng 7 năm 2013 tăng lên 1.150.000 đồng, tăng thêm 9,5% (tính chung cả 3 lần tăng thêm 57,5%).

Hiện nay, mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được thực hiện từ giữa năm 2013 là 1,150 triệu đồng/tháng, mới chỉ đạt 44,2% so với mức lương tối thiểu bình quân của 4 vùng của khu vực doanh nghiệp (2,6 triệu đồng/tháng) và tính ra mới đạt 35,6% so với mức chi cho nhu cầu tối thiểu (3,23 triệu đồng/tháng).
 
Thực hiện lộ trình tăng lương cơ bản ở các khu vực, thì từ ngày 1/1/2016 Chính phủ sẽ phải điều chỉnh mức lương này. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp và đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì mức lương mới phải bù được trượt giá và có cải thiện từng bước, phù hợp với tăng trưởng kinh tế.
 
Để tạo nguồn lực cho cải cách tiền lương ở khu vực doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo dứt khoát thực hiện theo một lộ trình tăng lương, tiếp tục rà soát các quy định về tiền lương trong doanh nghiệp để sửa đổi,bổ sung cho phù hợp hơn. Ngoài ra các bộ, ngành kiểm soát việc tuyển lao động của doanh nghiệp nhà nước để tránh gia tăng biên chế.
 
Đối với khối đơn vị sự nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh “phải thực hiện quyết liệt việc đổi mới, tự chủ, tự chịu trách nhiệm”. Bởi việc tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp không chỉ tạo ra nguồn tăng lương mà còn nhằm mục tiêu lớn hơn là nâng cao chất lượng dịch vụ công (như giáo dục, đào tạo, y tế,...).
 
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính tính toán cân đối ngân sách giai đoạn 2016- 2020, trong đó, nghiên cứu nguồn để điều chỉnh tiền lương.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng nhận định, mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng hiện nay còn thấp. Đời sống của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách tăng từ 55% lên 64,8%, trong đó chi cho con người trong chi thường xuyên tăng từ 62,2% lên 68,2% nên khó bố trí nguồn cho cải cách tiền lương.

Để tạo nguồn tăng lương trong thời gian tới, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tăng cường quản lý thu và triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước. Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách, đặc biệt là tiết kiệm tối đa chi thường xuyên ngoài lương để bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy và các giải pháp tạo nguồn như cơ cấu lại chi ngân sách cùng với việc điều chỉnh lại các chính sách theo quan điểm ưu tiên chi cho cải cách tiền lương, chi cho con người. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc