Tết bàn về tục kiêng kỵ của người Việt

09:32, 14/02/2015
|

(VnMedia) - Đối với người Việt, Tết là dịp quan trọng nhất, là tiền đề quyết định mọi việc của năm. Mọi việc từ ăn, chơi, đi lại đều phải hết sức cẩn trọng để tránh “rông”. Vậy người Việt kiêng theo tập tục? Kiêng vì mê tín? Hay kiêng như thế thì có may mắn thực?

Ảnh minh họa 

Có thể khẳng định người Việt kiêng kỵ vì tất cả các mục đích trên nhưng không hề dị đoan chút nào cả. Từ góc nhìn khoa học mà xét thì con người từ khi có trí tuệ, nhận thức đã mê tín rồi, không cần biết nguồn gốc chủng tộc gì. Con người tạo dựng và tôn thờ rất nhiều vị thần từ các hiện tượng tự nhiên như lửa, nước, đất, gió... Rồi đến các con vật như bò, chó, mèo, rắn,... Điều này đều được thể hiện trên các hang động, đền thờ từ hàng chục ngàn năm trước. Bởi vậy, mê tín chính là bản năng của con người và là những điều con người tin tưởng gần như tuyệt đối.

Sở dĩ con người kiêng kỵ là xuất phát từ nhu cầu sinh tồn, sinh sôi và phát triển nên mới tôn thờ các yếu tố tự nhiên. Kiêng chính là để không làm phật lòng các vị thần, không đi ngược lại quy luật tự nhiên và kiêng cũng chính là để tâm lý mỗi người cảm thấy thoải mái mà từ đó làm mọi việc được hanh thông. Kiêng cũng khiến con người hòa đồng với xã hội, gia đình thuận hòa êm ấm.

Người Việt có rất nhiều tục kiêng và Tết là dịp quan trọng nhất để người Việt giữ gìn, kiêng kỵ để tránh “rông” cho cả năm. Vậy tại sao Tết lại đặt vào ngày cuối và đầu năm âm lịch, mà không đặt vào ngày nào ấm áp như Đoan Ngọ hay Thất Tịch? Ấy là vì tổ tiên ta lúc chọn ngày để đặt Tết Nguyên Đán đã có một ý định là đem lại cho Tết Nguyên Đán một sự phù hợp với tính chất sinh hoạt dân tộc: các cụ chọn một ngày rảnh nhất, một ngày có ý nghĩa nhất trong một năm để tưởng nhớ đến ông bà, rước xách thờ cúng và nghỉ ngơi phục hồi sức lao động sau một năm làm việc vất vả.

Đặt vào ngày cuối Đông đầu Xuân, ngày Tết Nguyên Đán còn có một thâm ý sâu xa hơn nữa: Theo quan niệm của người Việt cổ, xuân có nghĩa là “trai gái vừa lòng nhau”, xuân là cựa động, là sinh sôi phát triển, băng giá tan hết, muôn vật đến mùa xuân đều cựa động mà sống lại. Từ quan niệm ấy, người mình tiến đến tín ngưỡng thờ Thần Đất. Họ tin rằng Thần Đất cũng nghỉ ngơi cuối năm và trong thời gian Thần Đất vắng mặt trên trần thì không ai được động chạm đến đất như cày bừa cuốc xới đất lên hay giã gạo làm cho vang động đất. Ngày Tết, do đó, có ý nghĩa là đón đợi sự trở về của Thần Đất: người ta chờ lúc cây cối đâm lộc nảy mầm, muôn vật trở lại cuộc sống bình thường, chỉ sợ vì một cớ gì bí mật, không phồn thịnh và sản xuất như xưa nữa. Họ tin rằng nếu không kiêng kị thì Thần Đất không phù hộ loài người và sẽ làm cho cây cối, con người, súc vật, của cải không thể nào phát triển. Quan niệm này rất phù hợp với các yếu tố tự nhiên, thói quen và thể chất của con người. “Trần sao âm vậy”, các thần cũng cần phải nghỉ ngơi tái tạo sức lao động như con người vậy.

Tục tiễn ông táo, tục không quét nhà, tục xông đất thoát thai từ sự tin tưởng đó. Có người bảo rằng sự tin tưởng đó có từ lúc dân ta bắt đầu định cư và sống về nghề nông. Có từ lúc nào cũng được, nhưng tựu trung thì cũng chẳng có hại gì, vì tin Thần Đất như thế cũng như thờ cúng ông bà cha mẹ, ai cũng phải nhận là một tục hay mà người phương Tây không thể cho là dị đoan, mê tín.

Nhiều người không hiểu những tục kiêng kỵ từ đâu ra, vì sao phải kiêng nhưng đều cảm thấy rằng ngày Tết, mọi người đều kiêng cữ mà mình không kiêng thì không được yên tâm. Vì thế, nhiều người đôi khi chế giễu tục này tục nọ của ngày Tết, mà về với gia đình anh ta vẫn kiêng kị như ai và cảm thấy có một thích thú nhẹ nhàng, kín đáo trong sự kiêng kị đó. Kiêng như thế có được gì không? cái đó không cần lắm; nhưng cần là làm như thế mình hoà đồng với đồng bào, mình tự động đoàn kết với anh em và, cũng như mọi người, mình cũng nuôi một hoài bão là năm mới có tiến bộ mới và sự tiến bộ đó, muốn đạt, phải nghiêm chỉnh nghênh đón một cách trang trọng từ ngày đầu năm.

Người ta thăm viếng nhau, chúc tụng nhau chính là để thi hành nghiêm chỉnh sự tiến bộ đó và, làm như thế, họ muốn cho năm mới không xúi quẩy, trái lại, tươi tốt bằng năm bằng mười năm cũ. Tục cắm nêu, vạch vôi vẽ cung tên nhằm không cho quỷ ma quấy nhiễu là mong cho sức khoẻ tốt hơn, tục quẩy nước sáng mồng một đổ đầy chum vại là mong cho của cải đầy nhà, còn tục “bán dại” ở Nghệ Tĩnh trở vào Thừa Thiên ngày trước là mong cho trí óc mở mang, khôn ngoan, minh mẫn hơn năm cũ. Người miền Bắc thì kiêng cắt tóc đầu năm, ra đường phải chọn giờ tốt hướng tốt, kiêng quét nhà, kiêng ăn thịt chó thịt vịt, kiêng cãi nhau, kiêng thăm gái đẻ,... theo thống kê sơ bộ người Việt có đến 16 tục kiêng trong ngày Tết.

Nhiều người phản bác tục kiêng thăm gái đẻ đầu năm vì cho rằng đó là sự kỳ thị nhưng các cụ cũng có lí giải của mình. Các cụ từ xưa đã có câu “Sinh dữ, tử lành” chính là để giải thích cho tục kiêng này. Nhưng thực ra kiêng thế còn có lí do là để tốt cho bà mẹ trẻ em bởi trong tháng ở cữ cả mẹ lẫn em bé đều thấy mệt mỏi, cần ngủ nhiều, cần được yên tĩnh và sạch sẽ. Nếu nhiều người đến thăm, ồn ã, bụi bậm sẽ nhiễm vào mẹ và bé. Khách đến thăm mà bị các bệnh truyền nhiễm sẽ càng nguy hiểm hơn. Bởi vậy, tục kiêng này hoàn toàn không có gì là dị đoan cả.

Dù không có cơ sở gì để chứng minh kiêng kỵ thế có đạt được gì không nhưng cứ tin như thế, người ta thấy đời đẹp hơn, đáng yêu hơn. Sáng mùng một Tết, những cành đào vừa trổ hoa đỏ thắm, hoa cỏ chen nhau đâm chồi nảy lộc, thời tiết ôn hoà, người dân vui sướng đến tận độ, sáng lên mắt biếc, hồng xuống làn môi. Người người súng sính quần áo đẹp, ra đường chúc nhau những lời đẹp nhất, tuyệt nhiên không có những lời to tiếng, cãi nhau, lời xấu dành cho nhau. Ấy là nét văn hóa, là những gì đẹp nhất mà Tết mạng lại cho con người.


Đức Huy

Ý kiến bạn đọc