(VnMedia) - Trong năm 2014, hàng loạt công trình giao thông lớn đã cán đích, được thông xe và đưa vào sử dụng. Việc hoàn thành các công trình này đã góp phần thay đổi diện mạo giao thông cả nước trong năm qua.
>> Những con đường "làm xấu" ngành giao thông
>> Thông xe toàn tuyến cao tốc dài 245km qua 5 tỉnh
Một trong những công trình đầu tiên phải kể đến là việc thông xe và đưa vào sử dụng tuyến đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên vào ngay những ngày đầu năm mới.
Ngày 19/1, sau 5 năm được khởi công xây dựng (12/2009), toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (hay còn gọi là quốc lộ 3 mới) đã được thông xe toàn tuyến, góp phần giảm tải cho quốc lộ 3 cũ, đồng thời có ý nghĩa rất lớn để phát triển kinh tế cho các tỉnh vùng núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên.
Dự án QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên có tổng chiều dài 61,3 km đi qua 3 địa phương là Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Nguyên; tổng mức đầu tư điều chỉnh tháng 9/2012 là 10.004,59 tỷ đồng.
Đây là đường cao tốc loại A với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h. Theo thiết kế, điểm đầu của tuyến đường cao tốc này bắt đầu từ km 152+400 quốc lộ 1A mới (thuộc xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) và giao với quốc lộ 18 tại địa bàn huyện Yên Phong (Bắc Ninh) và đi song song với đường sắt, quốc lộ 3 hiện nay ở phía Đông rồi nối với thành phố Thái Nguyên tại km 61+300.
Sau khi hoàn thành, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã góp phần giảm tải cho Quốc lộ 3 cũ, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho các tỉnh vùng núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên.
Cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Ảnh: Internet |
Tiếp đó, sáng ngày 21/9, Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã tiến hành thông xe toàn tuyến cao tốc dài 245 km đi qua 5 tỉnh, rút ngắn thời gian quãng đường đi từ Hà Nội đến Lào Cai còn 3,5 tiếng.
Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai là một trong những dự án đường cao tốc có quy mô lớn nhất tại Việt Nam với tổng chiều dài là 245Km đi qua địa phận thành phố Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai.
Tổng mức đầu tư của dự án sau khi được điều chỉnh là 1.464 triệu USD (giai đoạn 1) bao gồm vay ưu đãi ADF (ADB) 236,21 triệu USD, vay thông thường OCR (ADB) 1.034,5 triệu USD và vốn đối ứng là 170,31 triệu USD cho giải phóng mặt bằng.
Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A; trong đó, đoạn từ Hà Nội đi Yên Bái xây dựng cao tốc 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế 100 Km/giờ và đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai xây dựng cao tốc 2 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp tốc độ thiết kế 80Km/giờ.
Theo đánh giá của VEC, sau khi được thông xe và đưa vào khai thác, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ là bước đột phá lớn của ngành giao thông, giúp giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn 3,5 tiếng so với 7 tiếng như trước đây. Việc thông xe tuyến đường này còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương ở khu vực Tây Bắc, là đòn bẩy tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa cho các tỉnh khi giao thương được thuận tiện và nhanh chóng, thúc đẩy phát triển du lịch, giảm áp lực giao thông và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 2, 2B, 32C, 4E và Quốc lộ 70.
Đặc biệt, khi đi qua tuyến đường này, các phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc này sẽ tiết kiệm tối đa nhiên liệu, tính an toàn cao, thông thoáng, không có các điểm giao cắt với các đường khác.
Cầu Nhật Tân, một trong những cây cầu dây văng đẹp nhất Đông Nam Á. |
Mới đây nhất, sáng 4/1 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức khánh thành 3 "siêu" dự án: cầu Nhật Tân và đường nối hai đầu cầu, đường nối từ sân bay quốc tế Nội Bài đến cầu Nhật Tân (đường Võ Nguyên Giáp) và Nhà ga hành khách T2 – Cảng HKQT Nội Bài.
Dự án cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu có tổng mức đầu tư 89,943 tỷ Yên Nhật, tương đương 13.626,365 tỷ VNĐ. Tổng chiều dài của dự án là 8.930m, bao gồm: Phần cầu cầu Nhật Tân có chiều dài 3.755m, rộng 33,2m; trong đó: Cầu chính là cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp với tổng chiều dài 1500m, kết cấu nhịp dầm thép liên hợp bản mặt cầu bê tông cốt thép trên nền móng vòng vây cọc ống thép.
Phần đường dẫn có tổng chiều dài 5.170m, trong đó: đường dẫn phía Bắc có chiều rộng (70 - 100)m, đường dẫn phía Nam có bề rộng 64m. Dự án được chia thành 3 gói thầu xây lắp được khởi công từ tháng 3/2009.
Theo Bộ Giao thông vận tải, cầu chính Nhật Tân là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới, ngoài công nghệ thi công cầu dây văng nhiều nhịp thì phần cầu chính còn áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến lần đầu được áp dụng ở Việt Nam như công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp, hệ thống quan trắc theo dõi với nhiều thiết bị hiện đại như đo lực căng cáp văng, đo ứng suất cốt thép, dầm thép… và đặc biệt là kết cấu móng vòng vây cọc ống thép.
Dự án đường nối từ sân bay quốc tế Nội Bài đến cầu Nhật Tân có tổng mức đầu tư 6.742 tỷ đồng. Tổng chiều dài tuyến là 12,1 km. Phần đường chính được thiết kế theo tiêu chuẩn đường phố chính chủ yếu, vận tốc thiết kế 80Km/h. Các đường gom được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp V, vận tốc thiết kế theo đường nội đô 40Km/h.
Dự án này được đầu tư xây dựng để kết nối trung tâm Thủ đô với sân bay Nội Bài, cũng là kết nối tuyến Nhật Tân - Nội Bài với tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài, góp phần làm giảm bớt lưu lượng giao thông trên tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài.
Nhà ga T2 - Nội Bài. |
Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 – Cảng HKQT Nội Bài được khởi công ngày 4/12/2011 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD từ nguồn vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản. Sau gần 3 năm triển khai thi công, công trình đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng tiến độ.
Nhà ga được thiết kế theo tuyến tính với ý tưởng hài hòa với thiên nhiên, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng; hệ thống thiết bị, dây chuyền công nghệ hàng không tiên tiến, theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nhà ga hành khách T2 có diện tích sàn 139.216 m2 gồm 4 tầng (không kể tầng hầm phục vụ kỹ thuật). Tầng 1: Dành cho hành khách đến quốc tế. Tầng 2: Dành cho hành khách đi (nối chuyến) và đến quốc tế. Tầng 3: Dành cho hành khách đi quốc tế. Tầng 4: Phòng chờ hạng thương gia và khu dịch vụ thương mại.
Công suất phục vụ ngày cao điểm đáp ứng phục vụ 30.000 hành khách với 230 lượt cất hạ cánh; giờ cao điểm đáp ứng phục vụ 3.000 hành khách với 23 lượt cất hạ cánh. Công suất đáp ứng 10 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2015 đến 2020) và 15 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2020 đến 2030).
Theo đánh gia, việc nhà ga hành khách T2 đi vào hoạt động sẽ khắc phục được tình trạng quá tải nghiêm trọng trong thời gian vừa qua tại nhà ga T1, đảm bảo lưu lượng vận chuyển hiện tại cũng như trong tương lai, khắc phục được những hạn chế trong quản lý và khai thác, tạo ra sự phối hợp hoạt động đồng bộ, hiệu quả giữa Cảng HKQT Nội Bài và các cơ quan quản lý nhà nước như Hải quan, Công an, Y tế, các hãng hàng không và các đơn vị phục vụ để nâng cao năng lực khai thác, sử dụng tối đa hệ thống cơ sở hạ tầng hiện tại đang quá tải, bảo đảm chất lượng phục vụ thuận tiện cho hành khách.
Ý kiến bạn đọc