Những con đường "làm xấu" ngành giao thông

08:46, 18/02/2015
|

(VnMedia) - Trong năm vừa qua, nhiều dự án mở đường của ngành giao thông đã về đích đúng tiến độ. Tuy nhiên, việc một số tuyến đường vừa thông xe bị lún, nứt đã làm xấu hình ảnh của ngành giao thông.

>>
Nứt cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau thông xe
>> Nứt cao tốc Nội Bài - Lào Cai: Lỗi tại nền đất?
>> Nhận diện "thủ phạm" gây nứt cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Được đưa vào khai thác sử dụng từ đầu tháng 1/2014 nhưng sau đó vài tháng, cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, một trong những cao tốc được đánh giá hiện đại nhất Việt Nam đoạn đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai đã xuất hiện hiện tượng lún, lệch 3-5 cm.

Không chỉ có vậy, theo kết quả kiểm tra hiện trường của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, công tác thi công nền đường tại gói thầu 5A còn một số tồn tại, cụ thể: Vật liệu đắp còn lẫn nhiều cuội, sỏi, đá tảng to so với tiêu chuẩn cho phép, còn lẫn nhiều gốc, rễ cây; công tác thoát nước tạm tại khu vực nền đường đào chưa được quan tâm; bề mặt của nền đường không bằng phẳng; đất đắp mang cống chưa đắp đúng thiết kế về chủng loại vật liệu là vật liệu thoát nước; ta luy nền đường đào gói thầu số 6 chưa được gia cố, hiện đã xuất hiện hiện tượng xói lở.

Sau kết quả kiểm tra của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã có báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải khẳng định, mặt đường bị lún là do nền đất yếu.

Sau đó vài tháng, đến ngày 18/5, vừa được thông xe ít hôm, Dự án nâng cấp và cải tạo quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long có tổng mức đầu tư hơn 2.800 tỉ đồng cũng xuất hiện những vết lún, sụt…

Các vết lún, sụt này được phát hiện hơn một tuần sau ngày khánh thành. Theo đó, đoạn xuất hiện những vết lún, sụt được phát hiện tại đoạn đường dài gần 9 km trên địa bàn thành phố Hạ Long từ khu Đồn Điền (phường Hà Khẩu) đến khu 2 (phường Đại Yên) với nhiều rãnh lún dài theo vết xe.

  Ảnh minh họa

Vài ngày sau lễ thông xe, cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã xuất hiện những vết nứt nhằng nhịt trên mặt đường. Ảnh: VEC

Tuy nhiên, hiện tượng lún, vỡ mặt nhựa thấy rõ nhất tại một số đoạn qua tổ 91 khu Đồn Điền. Có những vết nứt dài 3-5 m, lún sâu 4-5 cm so với mặt đường. Nhiều chỗ lớp nhựa mới trải bung ra lộ rõ nền đường cũ. Điều đáng nói là, trong lễ thông xe được tổ chức 3 ngày trước đó, dự án này đã được lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã biểu dương vì hoàn thành dự án sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Mới đây nhất, vừa thông xe được vài hôm (12/9), các lái xe đi trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã phát hiện trên mặt đường tại một số vị trí xuất hiện những vết nứt khá lớn, kéo dài hơn chục mét....

Theo phản ánh của các lái xe, các vết nứt xuất hiện trên mặt đường với tiết diện khá lớn, dài khoảng hơn 10 mét, tại khu vực km83 đoạn từ Yên Bái  về. Do vết nứt xuất hiện ở đoạn cua nên các phương tiện đi qua đây phải cẩn thận né tránh.

Vẫn theo phản ánh của các tài xế, không riêng gì đoạn đường trên, đi dọc tuyến này, lái xe còn phát hiện thêm một số tả luy đã bị nứt lở. Điển hình như đoạn km 103, một ta luy sau cơn mưa đã sạt lở toàn bộ, một vài điểm khác thì đang được nhà thầu múc, hót, sửa chữa....

Giải trình về nguyên nhân nứt mặt đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đại diện VEC cho biết, toàn tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai với chiều dài 245km có hướng tuyến đi từ Đông sang Tây qua 5 tỉnh thành phố qua nhiều vùng địa chất thủy văn phức tạp, giao thoa nhau. Trong suốt quá trình từ khi thiết kế đến thi công, VEC luôn đặt vấn đề kiểm tra khảo sát và thực hiện các giải pháp nhằm bền vững hóa công trình lên hàng đầu.

Trên toàn tuyến, qua khảo sát xác định và xử lý nhiều đoạn nền đất yếu bằng các biện pháp xử lý khác nhau như cọc cát/giếng cát, bấc thấm, thay đất một phần hoặc toàn bộ… trên cơ sở điều kiện từng khu vực có xét đến các yếu tố công tác giải phóng mặt bằng, điều kiện địa chất khu vực đất yếu và đặc biệt yếu tố đảm bảo hoàn thành thông tuyến đáp ứng nhu cầu vận tải thiết yếu khi các tuyến đường khác đi từ Hà Nội đến Lào Cai còn khó khăn phức tạp.

Theo VEC, đến cuối tháng 8 vừa qua, trên tuyến đã cơ bản hoàn thành đủ điều kiện thông xe tuy nhiên, còn 10 vị trí cần tiếp tục theo dõi đất yếu/lún trong quá trình khai thác để hoàn thiện khi các đoạn nền đất yếu này đã ổn định, tắt lún tập trung trên các gói thầu A2, A3 và A4.

"Vị trí xuất hiện vết rạn nứt tại Km 83 như báo chí phản ánh chính là điểm nằm trong đoạn tuyến có đất yếu đã được VEC tiên lượng trước và đã lắp dựng biển theo dõi đất yếu/lún tại Km82+500 – Km83+500. Đoạn tuyến này thuộc gói thầu A4 do nhà thầu Keangnam trúng thầu, trong quá trình thi công đã tuân thủ các quy trình khảo sát và xử lý đất yếu", đại diện VEC cho biết.

Sau sự kiện trên, nhà thầu Keangnam đã nhận trách nhiệm về sự cố trên và xin lỗi người dân Việt Nam.


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc