(VnMedia) - Theo cách tính của ILO, tỷ lệ thất nghiệp của nước ta thấp (1,84% vào quý II năm 2014) nên số người được coi là làm việc trong nền kinh tế để tính năng suất lao động là lớn hơn thực tế....
>> 4 lý do khiến năng suất lao động Việt thấp
>> Vì sao Việt Nam nghèo, năng suất lao động thấp ?
>> Năng suất lao động Việt Nam "bét bảng", vì sao?
Xung quanh việc Tổ chức Lao động Quốc tế xếp hạng năng suất lao động của Việt Nam đứng bét bảng trong khu vực, Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội cho rằng, năng suất lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố chính là cơ cấu kinh tế ngành và nội ngành, trình độ công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động được tính bằng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) chia cho tổng số lao động làm việc trong nền kinh tế.
Theo Thủ tướng, báo cáo công bố ngày 19/8/2014 của ILO và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về năng suất lao động của ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2007 - 2013 đã có bước thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực.
Năm 2007 năng suất lao động của các nước ASEAN gấp 2,12 lần so với Việt Nam (9.173 USD/4.322 USD tính theo sức mua tương đương - PPP), đến năm 2013 khoảng cách này đã thu hẹp còn 1,98 lần (10.812 USD/5.440 USD). Trong đó, so với Singapore giảm từ 21,3 lần xuống còn 18 lần; so với Thái Lan từ 3 lần xuống còn 2,7 lần; so với Philippines từ 2 lần xuống còn 1,8 lần.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, báo cáo nêu trên cũng cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam tuy có bước cải thiện nhưng vẫn còn rất thấp trong ASEAN. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân. Trong cơ cấu kinh tế, ngành nông nghiệp có tốc độ tăng giá trị gia tăng thấp so với công nghiệp, dịch vụ và chỉ chiếm tỷ trọng 18,4% trong GDP (năm 2013) nhưng lại sử dụng đến 47% tổng lao động xã hội (tỷ lệ này ở Thái Lan là 39%, Indonesia 35%, Trung Quốc 34%, Philippines 32%, Malaysia 11%, Hàn Quốc 6,5%, Singapore 1%).
Tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ của nước ta khoảng 18,2%, trong khi lao động qua đào tạo có chứng chỉ của Singapore là 61,5%, Hàn Quốc là 62%. Nếu tính cả số đào tạo dưới 3 tháng của nước ta là 49% năm 2013 so với Malaysia là 62%, Philippines 67%. Kỹ năng của người lao động trực tiếp nước ta nhìn chung không kém lao động các nước nhưng còn hạn chế về kỷ luật lao động; đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật được đào tạo cơ bản, có trình độ cao còn thiếu; năng lực quản trị doanh nghiệp còn yếu.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, theo báo cáo Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) năm 2014 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), chỉ số đổi mới công nghệ nước ta đứng thứ 71/143 nền kinh tế, tăng 5 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN, tăng 1 bậc so với năm 2013. Tuy nhiên, việc nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ ở nước ta còn nhiều hạn chế. Trình độ cơ khí hóa, tự động hóa, tin học hóa của các ngành kinh tế còn thấp.
Theo điều tra doanh nghiệp năm 2012, khoảng 57% doanh nghiệp chế biến, chế tạo có công nghệ thấp, 31% có công nghệ trung bình, 12% có công nghệ cao. Đầu tư xã hội cho đổi mới nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ của nước ta còn thấp so với nhiều nước trong khu vực.
Trong giai đoạn 2011 - 2013, tỷ trọng đầu tư cho khoa học công nghệ so với GDP chỉ khoảng 0,4%. Đầu tư cho nghiên cứu khoa học trên 1 người dân ở nước ta năm 2012 là 3,1 USD trong khi của Thái Lan là 22 USD, Malaysia là 86 USD và của Singapore là 1.340 USD.
Ngoài ra, còn có một số yếu tố khác ảnh hưởng đến năng suất lao động như sản xuất công nghiệp theo phương thức gia công là chủ yếu, công nghiệp hỗ trợ còn kém phát triển. Sản xuất nông nghiệp phần lớn là bán nguyên liệu và xuất khẩu thô. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện, chưa huy động và sử dụng hiệu quả cao các nguồn lực. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước còn thấp.
Mặt khác, theo cách tính của ILO, tỷ lệ thất nghiệp của nước ta thấp (1,84% vào quý II năm 2014) nên số người được coi là làm việc trong nền kinh tế để tính năng suất lao động là lớn hơn thực tế.
Cách nào để tăng năng suất lao động?
Theo người đứng đầu Chính phủ, để nâng cao năng suất lao động, phải thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển hài hòa giữa các ngành, vùng, khuyến khích mạnh các ngành kinh tế có công nghệ, giá trị gia tăng cao; tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và bảo đảm tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Năng suất lao động của người Việt Nam bị Tổ chức Lao động quốc tế xếp bét bảng trong các nước ASEAN. |
Tăng nhanh các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn để chuyển nhanh lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động nông nghiệp. Phát triển các hình thức hợp tác liên kết đa dạng, phù hợp, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Hiện đại hóa công nghệ, đẩy mạnh cơ khí hóa, tự động hóa, tin học hóa trong các doanh nghiệp. Giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Phát triển nhanh công nghiệp hỗ trợ.
Huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường sông.
Phát triển mạnh và toàn diện nguồn nhân lực. Triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương về giáo dục và đào tạo. Chú trọng chất lượng đào tạo đại học, nhất là đào tạo quản trị theo các chương trình quốc tế. Đẩy nhanh đào tạo nghề chất lượng cao. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề theo cơ chế thị trường. Khuyến khích doanh nghiệp tự đào tạo nghề cho người lao động và hợp tác với cơ sở đào tạo nghề. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn nhân lực và kỷ luật lao động.
Rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương và Chiến lược phát triển khoa học công nghệ. Thực hiện hiệu quả các chương trình quốc gia về đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ cao và sản phẩm quốc gia; tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ. Có chính sách thuế, tín dụng ưu đãi để khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sử dụng công nghệ cao và nghiên cứu phát triển. Thu hút mạnh các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Thực hiện nhất quán cơ chế thị trường trong phân bổ, sử dụng nguồn lực, nhất là vốn, lao động, tài nguyên, đất đai, khoáng sản, rừng... Đẩy nhanh tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh kinh tế tư nhân.
Chủ động hội nhập quốc tế, tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định, cam kết thương mại đã có và tích cực đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Mở rộng thị trường, tranh thủ các nguồn lực về vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý… từ bên ngoài, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh.
Theo Thủ tướng, việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nêu trên, đặc biệt là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển mạnh kinh tế tư nhân sẽ là động lực, là giải pháp chủ yếu - để khẩn trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực.
Ý kiến bạn đọc