(VnMedia) - Trong năm 2014, hàng loạt “quan chức” ngành giao thông đã bị cách chức, giáng cấp do buông lỏng quản lý hoặc để xảy ra sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực phụ trách. VnMedia điểm lại một số “quan chức” ngành giao thông “ngã ngựa” trong năm qua.
>> Sập giàn giáo tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông
>> Vụ sập giàn giáo: Đình chỉ công tác hàng loạt cá nhân
>> Ban Quản lý dự án đường sắt có Tổng giám đốc mới
Tổng Giám đốc mất chức vì ngành trì trệ, yếu kém
Ngày 3/6, Bộ Giao thông vận tải đã công bố quyết định cho thôi chức vụ Tổng Giám đốc Đường sắt Việt Nam đối với ông Nguyễn Đạt Tường.
Sở dĩ xảy ra sự việc trên theo lời Bộ trưởng Đinh La Thăng, điều mà ông quan tâm là năng lực công tác và hiệu quả công việc. Tuy nhiên, sự trì trệ, yếu kém của ngành đường sắt, mà cụ thể là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) lâu nay ai cũng nhìn thấy và việc đổi mới ngành này là một yêu cầu cấp bách. Bởi thế ông đã đi tới quyết định thay đổi nhân sự, đặc biệt là các chức vụ cấp cao của ngành đường sắt.
“Tổng giám đốc tốt mà để ngành trì trệ thì phải thay”, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nói. Sau đó vài ngày, người được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc thay ông Tường là ông Vũ Tá Tùng, Phó Tổng giám đốc ĐSVN.
Cách chức 3 cán bộ vì đường vừa thông xe đã lún
Ngày 11/6, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà 2 Phạm Văn Mạnh đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải cho biết, đã cách chức 3 cán bộ trực tiếp tham gia thi công quốc lộ 18 đoạn Uông Bí – Hạ Long.
Sự việc trên xảy ra sau khi Dự án nâng cấp quốc lộ 18 đoạn TP Uông Bí – Hạ Long được đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng vừa thông xe đường đã lún, nứt, hư hỏng. Trước sự việc trên, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Công ty Cổ phần Sông Đà 2 kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân liên quan.
Sau chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, sau khi kiểm điểm làm rõ sai phạm, lãnh đạo Công ty Cổ phần Sông Đà 2 đã cách chức Giám đốc Xí nghiệp kiêm chỉ huy trưởng công trường; Phó Trưởng ban kỹ thuật – thi công – an toàn, người trực tiếp quản lý công tác thi công bê tông nhựa và đội trưởng trực tiếp thi công rải bê tông nhựa.
Sự cố sập giàn giáo Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trong năm 2014 đã khiến một Tổng Giám đốc bị giáng chức. |
3 Giám đốc Đăng kiểm mất việc vì bị dân … tố cáo
Ngày 9/10, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc xử lý kỷ luật với hình thức cách chức các cá nhân: Trịnh Viết Trung - Giám đốc trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới số 29-06V, Hoàng Trung Liêm – Phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-03V (trước đây là Phó giám đốc trung tâm 29-06V) và ông Ngô Văn Việt – Giám đốc trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-04V do không hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra hoặc liên quan đến tiêu cực tại trung tâm 29-06V trong thời gian dài.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ đơn tố cáo của một số cựu chiến binh kinh doanh vận tải ở xã Tam Hiệp, Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) gửi đến Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã vào cuộc và bằng nhiều biện pháp, đã khẩn trương xác minh và làm rõ việc các cá nhân trên đã để xảy ra tiêu cực trong thời gian dài tại đơn vị này và đã ra các quyết định trên.
Tổng Giám đốc bị giáng chức vì buông lỏng quản lý
Vào khoảng 4 giờ sáng ngày 28/12, tại ga bến xe Hà Đông, khi công nhân đang đổ bê tông xà mũ trụ H7 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) thì bất ngờ giàn giáo đổ sập.
Vào thời điểm xảy ra tai nạn, một chiếc taxi chở theo 4 người khi lưu thông qua gầm gàn giáo công trình đã bị đè bẹp. May mắn cả 4 người đều được cứu hộ kịp thời và thoát nạn.
Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã ký quyết định đình chỉ công tác hàng loạt tổ chức, cá nhân có liên quan. Tiếp đó, chiều 29/12, ông đã ký các quyết kỷ luật giáng chức đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt xuống giữ chức Phó Tổng Giám đốc sắt kể từ ngày 10/1/2015.
Lý do ông Hùng bị giáng chức là do có sai sót với trách nhiệm người đứng đầu Ban Quản lý dự án Đường sắt trong chỉ đạo, quản lý thực hiện dự án để xảy ra sự cố nghiêm trọng sập giàn giáo và bê tông trong khi thi công xà mũ trụ H7 của nhà ga Bến xe Hà Đông.
Cả trưởng và phó đều mất chức vì sự cố mất điện
Sự cố mất điện tại trung tâm điều hành bay (AACC) HCM ngày 20/11/2014 đã khiến Trưởng và Phó Trung tâm bảo đảm kỹ thuật (Công ty quản lý bay miền Nam) là ông Lê Văn Tính và Nguyễn Quốc Phú bị cách chức.
Bên cạnh đó, ông Đỗ Hoàng Điệp, Giám đốc Công ty quản lý bay miền Nam bị khiển trách và phải chuyển công việc khác.
Cũng liên quan sự cố trên, ông Trần Công, Phó Giám đốc Công ty quản lý bay miền Nam bị khiển trách và chuyển công tác; ông Phùng Minh Tân, Trưởng phòng Kỹ thuật bị khiển trách.
Với sự cố máy bay quân sự cắt ngang mũi máy bay dân dụng xảy ra với chuyến bay HVN 1376 và tàu bay Mi172/423 ngày 29/10/2014 tại Tân Sơn Nhất, Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam cũng đã khiển trách nhiều cán bộ.
Đó là các ông, bà Trần Minh Bảo, Trưởng Trung tâm kiểm soát tiếp cận; Nguyễn Văn Dương, kíp trưởng, kiểm soát viên không lưu; Đoàn Ngọc Anh và Trần Thị Quang Hiển thuộc Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân (Công ty Quản lý bay miền Nam).
Tập thể ban lãnh đạo Công ty quản lý bay miền Nam; Phòng không lưu; Phòng kỹ thuật; Tổ an toàn; Trung tâm kiểm soát tiếp cận - tại sân; Trung tâm bảo đảm kỹ thuật và 13 cá nhân thuộc các cơ quan này cũng bị phê bình.
6 cán bộ bị khởi tố vì nghi án tham ô
Ngoài những cán bộ bị cách chức, giáng chức năm qua, nhiều “quan chức” của ngành giao thông cũng vướng vào vào lao lý khi bị Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố vì tội tham ô, hối lộ.
Giữa tháng 3/2014, báo Yomiuri (Nhật Bản) đưa tin, Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đã chi một khoản tiền hối lộ cho một số lãnh đạo ngành Đường sắt Việt Nam trong quá trình thực hiện dự án “Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1- giai đoạn I” bằng vốn ODA của Nhật Bản.
Sau thời gian điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bước đầu làm rõ và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (theo Điều 281 Bộ luật Hình sự) và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (theo Điều 285 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Ban Quản lý các dự án Đường sắt thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt, khám xét đối với một số cán bộ thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, gồm: Ông Trần Quốc Đông, sinh năm 1964. Chức vụ: Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Ông Phạm Hải Bằng, sinh năm 1969. Chức vụ: Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Ông Phạm Quang Duy, sinh năm 1975. Chức vụ: Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Ông Nguyễn Nam Thái, sinh năm 1977. Chức vụ: Trưởng phòng Dự án 3, Ban Quản lý các Dự án Đường sắt về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Ông Trần Văn Lục, sinh năm 1958, nguyên Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Ông Nguyễn Văn Hiếu, sinh năm 1962, Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Thay lời kết
Trên đây chỉ là một số lãnh đạo ngành giao thông bị kỷ luật cách chức, giáng chức và vướng vào vòng lao lý của ngành giao thông trong năm vừa qua. Mặc dù cho đến lúc này, hiệu quả của hành động mạnh tay "xử" cán bộ sai phạm, thiếu trách nhiệm trong công việc của ngành giao thông chưa cho thấy tác dụng tức thời. Tuy nhiên, việc không khoan dung, bao che cho những cán bộ sai phạm của ngành giao thông trong năm qua đã nhận được sự đồng tình của người dân.
Ý kiến bạn đọc