(VnMedia) - Quan niệm là vợ phải “ngoan, hiền”, vợ phải biết nghe lời chồng và “một điều nhịn là 9 điều lành”, rồi tư tưởng “đóng cửa bảo nhau” đã khiến cho tệ nạn bạo lực trong gia đình ở các vùng nông thôn vẫn tiếp tục phổ biến....
Theo kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam do Tổng cục Thống kê và WHO thực hiện cho thấy có tới 32% phụ nữ đã từng kết hôn phải hứng chịu bạo lực thể xác trong đời sống gia đình. Đồng thời trên hơn nửa phụ nữ Việt Nam đã phải hứng chịu bạo lực tinh thần trong đời.
Cứ 10 cặp vợ chồng thì có một cặp từng trải qua các hình thức bạo lực nghiêm trọng nhất. Phụ nữ thường là đối tượng của bạo lực.
Trên thực tế, đã có rất nhiều bà vợ bị những trận đòn thừa sống thiếu chết mà vẫn âm thầm chịu đựng nỗi đau thể xác và tinh thần. Phụ nữ nông thôn không dám nói ra chuyện mình bị bạo hành, bởi họ sợ mọi người chê cười, sợ họ hàng dè bỉu, con cái xấu hổ với bạn bè, làng xóm, sợ bị mang tiếng “vạch áo cho người xem lưng” và “xấu chàng hổ ai”…
Theo nhiều nghiên cứu thì nguyên nhân phổ biến của tình trạng bạo hành gia đình chủ yếu xuất phát từ nhận thức của người dân, nhất là ở vùng miền núi, nông thôn. Trong khi rất nhiều người đàn ông không biết rằng, bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật thì nhiều phụ nữ cũng cắn răng chịu đựng, không chủ động tìm đến những sự giúp đỡ từ bên ngoài, thậm chí còn che giấu, bao biện cho hành vi bạo hành của người chồng.
Hậu quả của bạo lực gia đình lại đặc biệt quan trọng, nó không chỉ gây tổn thương đến cuộc sống, sức khỏe và danh dự của các thành viên trong gia đình mà còn vi phạm đến đạo đức xã hội, tiếp tay cho sự gia tăng các tệ nạn như mại dâm, ma túy, người lang thang cơ nhỡ nạn buôn bán trẻ em và phụ nữ. Bạo hành gia đình còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ giết người, trong đó có những vụ việc do người phụ nữ bị bạo hành nhiều năm, không nhẫn nhịn được nhưng cũng không biết cách giải tỏa, đã ra tay giết chồng, từ nạn nhân trở thành hung thủ.
Mới đây nhất, ở thôn Nam Sơn, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), một phụ nữ đã giết chết chồng mình là một công an viên, mà nguyên nhân được cho là bị chồng bạo hành nhiều năm nên tìm cách trả thù.
|
Bạo lực gia đình là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ án nghiêm trọng, trong đó có cả những vụ vợ giết chồng |
Đẩy lùi bạo lực gia đình ở nông thôn
Trước thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020".
Đề án có mục tiêu là 80% cán bộ Hội Nông dân các cấp được đào tạo nâng cao năng lực về giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi, các kỹ năng vận động, tư vấn người gây bạo lực gia đình tại cộng đồng; 80% Hội viên nông dân cam kết nói không với bạo lực gia đình.
Đề án sẽ có các hoạt động cụ thể như tổ chức các hoạt động vận động, tư vấn cho người gây bạo lực gia đình tại cộng đồng; xây dựng mô hình vận động, tư vấn, hỗ trợ đào tạo dạy nghề, vốn vay, khuyến nông cho người gây bạo lực gia đình tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin của các cấp Hội, báo chí, tuyên truyền vận động trực tiếp thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội về phòng, chống bạo lực gia đình cho Hội viên nông dân.
Để thực hiện Đề án, cần đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình; chú trọng đối tượng tuyên truyền là người gây ra bạo lực gia đình; nâng cao năng lực của cán bộ Hội Nông dân về công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn; đẩy mạng việc hỗ trợ hợp tác với các Tổ chức Quốc tế nhất là Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA).
Hy vọng, với Đề án này, không chỉ phụ nữ mà cả những người đàn ông, những người chồng ở khu vực nông thôn sẽ có cơ hội được nâng cao nhận thức, từ đó giảm thiểu và tiến tới chấm dứt hành vi bạo lực gia đình.
Ý kiến bạn đọc