Vì sao 3.000 nạn nhân sàn vàng HGI bị sập bẫy ?

07:10, 16/01/2015
|

(VnMedia)  - Mặc dù lãi suất huy động không quá cao, nhưng tại sao sàn vàng HGI lại có thể huy động được hàng trăm tỷ đồng của người dân một cách dễ dàng như vậy?

>> Đại tướng Trần Đại Quang chỉ đạo điều tra mở rộng vụ buôn lậu hơn 30 kg vàng
>> Hơn 3 nghìn nhà đầu tư "sập bẫy" sàn vàng ảo
>> Bắt giữ hơn 30 kg vàng lậu trị giá 21 tỷ đồng    

Nhà đầu tư trắng tay

Tối ngày 15/1, gần 100 nhà đầu tư là nạn nhân của công ty CP đầu tư tài chính Hà Nội Vàng - sàn vàng HGI (172 Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) đã có buổi họp đầu tiên sau khi Công an Hà Nội bắt giữ lãnh đạo sàn vàng HGI.

Hầu hết nhà đầu tư đều có chung tâm trạng lo âu, không biết tiền của họ bây giờ ở đâu? Liệu các cơ quan chức năng có thu hồi được tiền để trả bớt cho các nhà đầu tư hay không? Thậm chí, nhiều gia đình rơi vào cảnh vợ, chồng giấu nhau vay mượn anh em họ hàng để cho công ty HGI vay. Đến khi vụ việc vỡ lở, họ vô cùng túng quẫn. Chia sẻ với PV, đại diện nhà đầu tư cho biết, sàn HGI bắt đầu hoạt động huy động vốn dưới hình thức hợp đồng ủy thác đầu tư không rủi ro từ năm 2008, đến giờ sau 5 năm, đã có khoảng 3.000 người cùng tham gia cho vay. Tổng số tiền các nhà đầu tư ước tính trên 300 tỷ đồng.

  Ảnh minh họa

 Hợp đồng ủy thác đầu tư của công ty CP Đầu tư tài chính Hà Nội Vàng


Trong hợp đồng ủy thác đầu tư, sàn HGI quy định mức lãi suất cao gấp 5 lần lãi suất ngân hàng. Lợi nhuận được chia là 3 mức như sau: Nếu khách hàng cho vay 3 tháng tỷ suất lợi nhuận là 1,5%/tháng, vay 6 tháng tỷ suất lợi nhuận là 1,8%/tháng; vay 1 năm tỷ suất là 2%/tháng.

Anh Nguyễn Mạnh Linh (nhà đầu tư) cho biết, tháng 4/2013, anh ký hợp đồng ủy thác cho sàn HGI vay 500 triệu đồng. Ban đầu, sàn trả lãi và gốc rất đầy đủ nhưng bắt đầu từ tháng 8/2014, sàn bắt đầu gặp khó khăn, nhiều lần anh Linh lên xin rút tiền nhưng đều bị từ chối. “Nhân viên sàn HGI đưa ra rất nhiều lý do nào là tiền chưa về, nào là Quốc hội đang họp để không thanh toán cho chúng tôi. Họ liên tục viết giấy hẹn nhưng đều không thực hiện đúng” anh Linh nói.

Khi PV đặt câu hỏi, vậy tại sao các nhà đầu tư lại tin tưởng giao tiền cho sàn HGI? anh Linh cho biết, sàn này đã hoạt động từ năm 2008, đến nay được 5 năm, trụ sở công ty rất hoành tráng nên chúng tôi tin tưởng. Thậm chí, nhiều người nghĩ rằng nếu công ty này hoạt động phạm pháp thì đã bị các cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý rồi chứ không để nó tồn tại lâu như vậy. Chính vì thế, mà họ tin tưởng là không bị lừa đảo. Còn trong hợp đồng ủy thác ghi rõ đầu tư không rủi ro, tức là nhà đầu không chịu bất cứ rủi ro nào hết vậy nên cứ thế có tiền đem cho công ty vay.

Anh Ngô Hồng Quân (Nhà đầu tư) nói: “ Từ khi sàn vàng bị công an bắt giữ, cả gia đình tôi rất sốc. Vì ham lãi suất cao hơn ngân hàng chút đỉnh mà bây giờ chúng tôi trắng tay. Toàn bộ số tiền ít ỏi 300 triệu đồng tích cóp, tôi dự tính chỉ gửi 3 tháng, mỗi tháng có thêm đồng ra đồng vào để đóng tiền học cho các con. Rồi dự định mua 1 căn nhà để ở giờ đây đã mất hết”.

Sàn vàng HGI hoạt động 5 năm mà cơ quan quản lý không biết

Với chiêu bài ký hợp đồng ủy thác đầu tư không rủi ro, đưa ra lãi suất cao gấp 5 lần so với lãi suất gửi tiết kiệm tại các ngân hàng, các nhà đầu tư đã dễ dàng bị sập bẫy lừa đảo.Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, tại sao một tổ chức tài chính, hoạt động phi pháp nhiều năm nay mà không bị bất cứ một cơ quan chức năng nào “sờ gáy”,để đến khi sàn vàng bị triệt phá, số người bị hại và lượng tiền huy động trái phép lên đến những con số lớn khủng khiếp.

Ảnh minh họa

  Nhà đầu tư né tránh ống kính PV vì sợ người nhà biết chuyện


Chị Hán Minh Lý (Nhà đầu tư) không khỏi tiếc nuối khi toàn bộ số tiền 2 tỷ đồng chị đã đem cho sàn vàng HGI vay được nửa tháng thì bị công ty bị công an bắt giữ. Điều mà chị Minh bức xúc nhất đó là tại sao các cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn ngừa trước để khi vụ việc bại lộ thì thiệt hại đã rất lớn.

“Nhiều vụ án lừa đảo trong lĩnh vực kinh tế, khi tòa án xét xử thì phần thiệt hại vẫn là người dân phải gánh chịu. Còn người gây nên tội chỉ phải đi tù không có khả năng khắc phục hậu quả. Tại sao các cơ quan có trách nhiệm lại phát hiện ra quá muộn” - chị Lý nói.

Chị Lý mong muốn cơ quan công an sớm làm rõ sự việc để giúp nhà đầu tư có thể lấy lại được 1 phần tiền. Theo nguồn tin các nhà đầu tư, lãnh đạo công ty CP Đầu tư tài chính Hà Nội Vàng từng cho biết một phần số tiền thu được đã được đem đầu tư bất động sản, mua lại1 số dự án ở Đà Nẵng, Phú Quốc và khoản tiền đầu tư cổ phiếu tại Mỹ là 15 triệu USD. Do vậy, nhà đầu tư đề nghị cơ quan sớm điều tra, thu hồi các dự án này để có tiền trả cho người bị hại.

Trước đó, ngày 13/1, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC 50 - Công an TP Hà Nội) đã phối hợp cùng C50 - Bộ công an và PC 45 - công an TP Hà Nội triệt phá sàn giao dịch của Công ty Cổ phần đầu tư tài chính Hà Nội Vàng (HGI) có trụ sở ở tòa nhà Artex, số 172 Ngọc Khánh, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội, có chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.

Phòng PC50 đã triệu tập để lấy lời khai của Phùng Quốc Huy, (SN 1985, có ở Lê Lợi, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là Tổng giám đốc HGI và một số người liên quan để làm rõ hành vi kinh doanh trái phép.

Bước đầu các đối tượng đã khai nhận về hành vi kinh doanh vàng tài khoản. Theo đó, HGI được thành lập từ tháng 5/2009 và hoạt động kinh doanh vàng tài khoản từ năm 2009 đến nay. HGI tổ chức sàn giao dịch vàng tài khoản, có website hgi.com.vn.

Công ty sử dụng phần mềm MT4 được mua của đối tác nước ngoài cho Nhà đầu tư tham gia đầu tư vàng, bạc, dầu và 8 cặp ngoại tệ.

Khi tham gia, nhà đầu tư liên hệ với Công ty và được cấp tài khoản. Tiếp đó, nhà đầu tư sẽ được hướng dẫn tải phần mềm MT4 trực tiếp từ website của Công ty. Nhà đầu tư nộp tiền vào tài khoản giao dịch vàng bằng cách đến trụ sở công ty nộp tiền mặt hoặc sử dụng Internet Banking để chuyển tiền vào tài khoản của Công ty HGI, số tiền được quy đổi ra điểm tương ứng.


Anh Đào

Ý kiến bạn đọc