(VnMedia) - Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải vừa giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan, đơn vị khẩn trương thay thế đồng bộ hai khe co giãn trên cầu Thăng Long xong trước Tết Nguyên đán 2015.
>> Mặt cầu Thăng Long lại nứt, đe dọa an toàn giao thông
>> Nứt mặt khiến cầu Thăng Long rung lắc?
>> Tháng 11, vá lại gần như toàn bộ mặt cầu Thăng Long
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Thái (Công ty Đường sắt Hà Thái - đơn vị được giao quản lý, duy tu, bảo trì toàn bộ kết cấu cầu Thăng Long) vừa có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục sửa chữa một số hạng mục cầu Thăng Long.
Theo ông Nguyễn Bá Thực, Giám đốc Công ty Đường sắt Hà Thái, cầu Thăng Long được xây dựng và hoàn thành năm 1985 và Công ty được giao quản lý, duy tu, bảo trì toàn bộ kết cấu cầu Thăng Long. Tuy nhiên, qua 30 năm khai thác, sử dụng với mức đầu tư kinh phí bảo trì hàng năm còn hạn chế nên các hạng mục cần đại tu sửa chữa lớn vẫn chưa được đáp ứng.
“Ngoài sửa chữa định kỳ theo quy đinh, Công ty nhiều lần sửa chữa khẩn cấp, sau những đứt gãy đột xuất các bộ phận khe co giãn. Những đứt gãy này gây ra va đập mạnh ở khe co giãn khi có các phương tiện giao thông chạy qua và phát ra tiếng động lớn,” ông Nguyễn Bá Thực cho biết.
Theo ông Thực, năm 2010, Công ty này đã có văn bản đề xuất thay thế, sửa chữa nhưng chưa được giải quyết. Công ty đã sửa chữa bằng cách hàn gia cố tại công trường và thay thế phụ kiện tận dụng để đảm bảo an toàn, giải quyết tình thế do không có phụ kiện đồng bộ để mua. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hiện tượng rỉ, đứt bu lông trên cầu thường xuyên xảy ra làm rạn, nứt bản thép mặt cầu đường ôtô và đứt bu lông tại các tiết điểm của giằng gió.
Cầu Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Internet |
Đặc biệt, vào ngày 17/1 vừa qua, đoàn kiểm tra của Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Giao thông vận tải) đã kiểm tra hiện trường và xác nhận tình trạng khe co giãn hỏng, các tiết điểm và bu lông dầm thép bị rỉ, đứt hỏng tà vẹt trên cầu bị mục mất tác dụng...
Để đảm bảo an toàn công trình, Công ty Đường sắt Hà Thái đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có kế hoạch khảo sát, kiểm tra định kỳ dầm bê tông cốt thép đường ôtô cầu Thăng Long để thiết kế thay thế đồng bộ các khe co giãn này và bổ sung thêm kinh phí bảo trì cầu Thăng Long để đảm bảo an toàn công trình và có kế hoạch đầu tư sửa chữa lớn những hạng mục đến niên hạn đại tu.
Phải sửa xong trước Tết Nguyên đán
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa ký công văn hỏa tốc gửi các cơ quan, đơn vị liên quan về việc khẩn trương triển khai công tác sửa chữa các khe co giãn trên cầu dẫn thuộc trụ cầu on6 và OB6 của đường ô tô cầu Thăng Long.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, qua xem xét đánh giá, hai khe co giãn trên cầu dẫn thuộc trụ on6 và OB6 đường ô tô cầu Thăng Long nêu trên không thể tiếp tục sửa chữa do không có phụ kiện thay thế tương đương.
Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông và không ảnh hưởng đến dân cư sinh sống trong khu vực, Bộ Giao thông vận tải giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị khẩn trương tiến hành thay thế đồng bộ hai khe co giãn trên cầu dẫn thuộc trụ on6 va OB6 xong trước Tết Nguyên đán 2015.
Bộ Giao thông vận tải giao các cơ quan tham mưu trực thuộc Bộ chủ động phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam triển khai các nội dung liên quan đến công tác thay thế hai khe co giãn nêu trên.
Cầu Thăng Long được xây dựng hoàn thành vào năm 1985 gồm 2 tầng. Tầng 1 dành cho đường sắt mặt cắt ngang gồm 2 làn xe lửa khổ 1.000mm và khổ đường 1435mm. Hai bên cánh gà tầng 1 là 2 làn xe thô sơ mặt cắt ngang rộng 3,5m.
Tầng 2 dành cho các phương tiện giao thông đường bộ. Chiều dài toàn cầu đường sắt là 5,5km gồm phần dầm thép dài hơn 1,68km có 5 liên mỗi liên 3 nhịp, mỗi nhịp dài 112m, phần dầm bê tông cốt thép dài 3,82km (phía Bắc dài 1,7km, phía Nam dài hơn 2km.
Ý kiến bạn đọc