(VnMedia) - Tổng Công ty đường sắt Việt Nam vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ định thầu để cấp bách triển khai gia cố, sửa chữa cầu Long Biên với tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
>> Mở nhà hàng, quán cà phê trên cầu Long Biên?
>> “Đừng mang gánh nặng lớn đặt lên cầu Long Biên ”
>> Không có tên cầu Long Biên trong danh sách di tích quốc gia mới
Tổng Công ty đường sắt Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị chỉ định thầu để cấp bách triển khai gia cố, sửa chữa cầu Long Biên nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và các phương tiện lưu thông với tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Theo ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty đường sắt Việt Nam, cầu Long Biên được xây dựng và đưa vào khai thác đến nay đã hơn 112 năm (hoàn thành năm 1902), trải qua thời gian và 2 cuộc chiến tranh phá hoại, nhiều nhịp cầu được thay bằng dầm tạm, các trụ bị han rỉ và xô lệch, đường bộ hành nhiều nhịp bị võng, xệ. Hiện nay, cầu xuống cấp nghiêm trọng, uy hiếm an toàn chạy tàu và giao thông trên cầu.
Đại diện Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết, cầu Long Biên đã được gia cố sửa chữa hai lần từ năm 1995-2010 với tổng mức đầu tư là 116 tỷ đồng với mục tiêu đảm bảo chạy tàu an toàn đến năm 2010.
Dự án đã hoàn thành được hơn 4 năm, từ đó đến nay chưa được đầu tư gì thêm ngoài kinh phí bảo trì hàng năm ít ỏi. Do đó, tình trạng hư hỏng và xuống cấp của cầu Long Biên ngày càng gia tăng.
Để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và giao thông đô thị đến năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu lập dự án khôi phục cầu Long Biên và phân kỳ đầu tư dự án thành 2 giai đoạn.
Cầu Long Biên cây cầu lịch sử hơn 100 năm tuổi, gắn nhiều với những kỷ niệm hào hùng một thời của Hà Nội đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Vũ Ngọc |
Theo đó, giai đoạn 1 gia cố đảm bảo an toàn cầu Long Biên phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2020. Giai đoạn 2 đầu tư khôi phục, cải tạo cầu Long Biên phục vụ đường bộ đô thị sau khi dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên-Ngọc Hồi) hoàn thành và đưa vào khai thác.
Tuy nhiên, do tình trạng mất an toàn, Bộ Giao thông Vận tải giao Tổng công ty đường sắt Việt Nam khẩn trương tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự án khôi phục cầu Long Biên giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 298 tỷ đồng, thời gian thực hiện hoàn thành đến hết quý 4/2014.
Với yêu cầu gia cố, sửa chữa hoàn thành trong năm 2015, Tổng công ty đường sắt Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm cho phép chỉ định thầu đối với các gói Tư vấn, xây lắp, bảo hiểm, kiểm toán, lựa chọn các nhà thầu đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm trong công tác thiết kế và thi công công trình chuyên ngành đường sắt đang khai thác vì yêu cầu vừa tổ chức thi công, vửa chạy tàu đảm bảo giao thông vận tải đường sắt, đường bộ liên tục, thông suốt.
Liên quan đến việc bảo tồn cầu Long Biên, trung tuần tháng 12 vừa qua, để tìm phương án bảo tồn cầu Long Biên, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam và Công ty Tư vấn Đầu tư và Phát triển cầu Long Biên đã tổ chức hội thảo “Cầu Long Biên giải pháp nào để bảo tồn và phát triển?”
Tại hội thảo, KTS. Nguyễn Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn đầu tư và phát triển cầu Long Biên đã đề nghị bảo tồn cầu cạn của cầu Long Biên trở thành vườn treo và gầm cầu thành vườn nghệ thuật, làng nghề truyền thống, còn phần giữa cầu sẽ được "biến thành một bảo tàng".
"Trên 9 nhịp cầu nguyên thủy sẽ được duy trì bảo tồn nguyên trạng và cải tạo theo phương pháp cũ đinh tán rỉ - vê để triển lãm 2 đầu tàu hơi nước, những toa xe cũ thành quán café và nhà hàng, được đặt trên một nền kính trong suốt để thấy được tất cả mố trụ cầu cũ, đường ray xe lửa cũ cũng như sông Hồng chảy bên dưới”, bà Nga nói về ý tưởng xây dựng một bảo tàng và giao thông xanh trên thân cầu Long Biên.
Bà cũng đề xuất, những nhịp cầu bị mất bởi chiến tranh sẽ được tái dựng lại với công nghệ đúc thép hiện đại và được phủ kính trong suốt để làm khu triển lãm, bảo tàng.
Theo đó, sẽ đúc mới 10 nhịp cầu bị phá để hoàn chỉnh cây cầu về thiết kế nguyên bản năm 1902. Trên những đoạn cầu mất nhịp được tái hiện lại, với chiều dài là 800 mét x chiều rộng 5 mét thì sẽ có được khoảng không gian 4.000m2.
Tuy nhiên, đề xuất này đã bị các đại biểu tham dự hội nghị phản bác và không đồng tình. Nhiều ý kiến cho rằng nên bảo tồn cầu Long Biên theo đúng chức năng ban đầu là cây cầu phục vụ giao thông nhẹ: xe đạp, đi bộ.
Ý kiến bạn đọc