Qua nhiều đợt rà soát, các đoàn thanh tra đã phát hiện hàng trăm trường hợp sử dụng bằng giả để thăng tiến trong công việc. Thậm chí bằng tiến sĩ giả còn được rao bán khắp cả nước.
20 bằng giả ở Sở Y tế Thanh Hóa
Vừa qua, trong quá trình tiến hành rà soát bằng cấp chuyên môn của tất cả các cán bộ, nhân viên y tế, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa phát hiện tới 20 trường hợp dùng bằng chuyên môn giả, trong số đó có cả các cán bộ đang công tác tại một số bệnh viện tuyến tỉnh như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện Nội tiết tỉnh Thanh Hóa. Nhiều trường hợp đang công tác tại bệnh viện đa khoa tuyến huyện.
Trong số 20 trường hợp dùng bằng giả bị phát hiện, có những trường hợp dùng bằng giả hàng chục năm nhưng cơ quan quản lý không biết.
Ngay sau khi có kết luận thanh tra, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các đơn vị có cán bộ dùng bằng giả buộc thôi việc những người này, đồng thời thu hồi bằng giả, bàn giao cho công an xử lý theo thẩm quyền.
Một lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đang yêu cầu kiểm tra lại trong số này có bao nhiều trường hợp sử dụng bằng giả liên quan đến vấn đề có thực hiện các hoạt động chuyên môn và bao nhiêu bằng liên quan đến đến lĩnh vực hành chính, ngoại ngữ.
Theo Bộ Y tế với những bằng cấp “mua” để nâng bậc trình độ sẽ tạm thời bị đình chỉ công tác, xem xét hình thức kỷ luật. Trường hợp sử dụng bằng giả ở những lĩnh vực khác thì tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử lý, kỷ luật theo quy định.
Dùng bằng giả để thăng tiến
Tháng 3/2014, ông Phạm Văn Lại, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, cho biết lãnh đạo huyện này đã ra quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Định Công đối với ông Bùi Tuấn Ngọc vì giả mạo bằng cấp.
Theo Uỷ ban kiểm tra (UBKT) huyện Yên Định, sau khi có đơn thư của người dân xã Định Công tố cáo ông Ngọc sử dụng bằng THPT giả, UBKT huyện Yên Định đã vào cuộc xác minh làm rõ.
Theo đó, hồ sơ quản lý cán bộ công chức tại Phòng Nội vụ ông Ngọc có bằng tốt nghiệp THPT bản phô tô công chứng, sinh ngày 2/1/1966 tại xã Định Công, huyện Thiệu Yên (nay là huyện Yên Định), tỉnh Thanh Hóa. Ông Ngọc tốt nghiệp THPT vào năm 1984.
Tuy nhiên, trong công văn trả lời Công an huyện Yên Định của Thanh tra Sở GD&ĐT Thanh Hóa lại không có tên ông Bùi Tuấn Ngọc, sinh ngày 2-1-1966 tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, trúng tuyển kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Thanh Hóa năm 1984, Hội đồng thi Thiệu Yên I khóa thi tốt nghiệp THPT năm 1984. Tại hội đồng thi này không có thí sinh nào là Bùi Tuấn Ngọc.
Theo tường trình của ông Ngọc, thì ông từng học THPT tại Trường PTTH Thiệu Yên I, tuy nhiên do hoàn cảnh khó khăn nên ông Ngọc chỉ học hết lớp 10. Sau này khi rời quân ngũ, ông về địa phương công tác. Để hồ sơ lý lịch được “trơn tru”, ông Ngọc đã mượn bằng tốt nghiệp cấp 3 của bạn để photo làm giả hồ sơ cho mình.
Được biết, sau khi bị miễn nhiệm Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Định Công, ông Ngọc được chuyển xuống làm thường vụ, thường trực Đảng ủy xã này.
|
Bằng tốt nghiệp giả của ông Bùi Tuấn Ngọc |
Hơn 280 cán bộ, giáo viên ở Sóc Trăng dùng bằng giả
Trước đó, ngày 8/4/2011, bà Lê Kim Hoàng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng cho biết, toàn tỉnh Sóc Trăng có đến 284 cán bộ sử dụng bằng giả, trong đó có 107 viên chức của ngành giáo dục.
Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, trong quá trình xác minh, ngành chức năng phát hiện có 35 đầu mối làm bằng giả, trong đó có 14 đầu mối ngoài ngành, số còn lại trong ngành giáo dục. Những người sử dụng bằng giả cho biết mỗi bằng họ mua được có giá từ 3 đến 20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo kiểm tra văn bằng chứng chỉ tỉnh Sóc Trăng đã kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét cho ý kiến xử lý một số trường hợp chưa có bằng tốt nghiệp THPT nhưng đã có bằng đại học.
|
Bằng giả được sử dụng ở Sóc Trăng |
20 nhân viên y tế học đường dùng bằng giả
Trước đó, chiều 19/8/2014, ông Trần Hữu Tường - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tuy Phước xác nhận cơ quan chức năng đã có kết luận 20 nhân viên y tế học đường đang làm việc tại các trường tiểu học và THCS trong huyện sử dụng bằng giả.
Cụ thể, từ năm 2008, khi ngành GD&ĐT địa phương xét tuyển nhân viên y tế học đường, các đối tượng trên đã mua bằng trung cấp điều dưỡng làm giả của Trường ĐH Y - Dược TP.HCM rồi nộp hồ sơ xét tuyển. Sau đó, các đối tượng được nhận vào làm việc cho đến nay.
Vụ việc được phát hiện khi mới đây, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bình Định có kết luận về 2 đối tượng mua bán bằng giả nguyên là nhân viên y tế học hường huyện Tuy Phước, gồm Phạm Thị Xuân Mai (44 tuổi, nhân viên y tế học đường Trường tiểu học số 2 xã Phước Hiệp) và Trình Thị Ngọc Hậu (38 tuổi, nhân viên y tế học đường Trường THCS Phước Hiệp).
Theo đó, năm 2006, Mai và Hậu mua 2 bằng tốt nghiệp THPT giả với giá 5,5 triệu của một đường dây mua bán bằng giả từ TP.HCM để sử dụng cho mình. Năm 2008, Mai mua tiếp 6 bằng trung cấp điều dưỡng giả với giá gần 60 triệu đồng, sau đó Mai và Hậu sử dụng mỗi người một bằng, còn lại giao cho 4 người khác.
Một thời gian sau, 2 đối tượng trên tiếp tục mua thêm hàng chục bằng giả từ TP.HCM đưa về Bình Định bán lại để kiếm lãi. Trong đó, 20 khách hàng của hai đối tượng này hiện đang là nhân viên y tế học đường huyện Tuy Phước.
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT cho biết hướng giải quyết là buộc thôi việc những nhân viên này và trả về địa phương. Ngoài ra, hiện Mai và Hậu cũng đã bị VKSND tỉnh Bình Định truy tố về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", đang chờ ngày ra tòa xét xử.
Bằng tiến sĩ giá 9 triệu rao bán khắp cả nước
Liên quan đến vấn đề bằng gả, mới đây, Phòng cảnh sát hình sự, công an TP.HCM xác nhận vừa bắt giữ 13 đối tượng trong đường dây sản xuất bằng giả với quy mô cực lớn.
Theo hồ sơ điều tra, 19h đêm 12/1 trinh sát của ban chuyên án phối hợp cùng với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an chia thành nhiều tổ bất ngờ đột kích, khám xét nhiều địa điểm ở P.6, P.8 thuộc Q.Gò Vấp, TP.HCM và TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
13 đối tượng đã bị bắt giữ cùng với trăm bằng cấp, phôi bằng, bảng điểm…của hàng loạt trường ĐH, Cao đẳng trong cả nước và nhiều máy móc phục vụ công nghệ sản xuất bằng giả.
Các đối tượng khai nhận, ngoài sản xuất bằng cao đẳng, đại học giả, nhóm này còn sản xuất bằng thạc sĩ, tiến sĩ giả để bán cho khách ở khắp các tỉnh thành Bắc – Trung – Nam với giá chỉ 9 triệu đồng/bằng. Gần 1 năm hoạt động chúng đã sản xuất, bán ra thị trường khoảng 500 – 600 bằng cấp các loại.
Trung tá Nguyễn Thanh Huyền – Đội trưởng Đội 4, Phòng cảnh sát Hình sự, Công an TP.HCM (là đơn vị chính trong ban chuyên án) cho biết: Khách mua bằng cấp giả trong đường dây của đối tượng Phạm Đăng Thành rộng khắp các tỉnh thành. Họ dùng để cung cấp cho nơi làm việc, nâng ngạch bậc lương…
Cơ quan công an đề nghị những ai mua bằng cấp giả của đường dây nói trên thì hãy đến công an trình báo, giao nộp. Nếu không, cơ quan công an sẽ điều tra, xử lý theo các quy định pháp luật.
Ý kiến bạn đọc