(VnMedia) - Không phải có mức giá đắt nhất hành tinh, nhưng những ngôi biệt thự này lại được dư luận trong nước đặc biệt chú ý. Và điều khiến người ta quan tâm hơn, có lẽ là chủ nhân của những ngôi biệt thự đó.
Biệt thự "khủng" của người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng
Những tháng cuối năm 2014, cái tên “biệt thự khủng của ông Trần Văn Truyền” đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận. Điều khiến người ta bất ngờ là bởi, ông Trần Văn Truyền nguyên là Tổng Thanh tra Chính phủ - một vị trí quan trọng nhất trong công tác phòng chống tham nhũng.
Theo mô tả, biệt thự của ông Trần Văn Truyền tại ấp 3, xã Sơn Đông, Bến Tre, xây cất trên diện tích xây dựng hơn 16.000 m2 trong tổng diện tích chung lên đến 30.000 m2. Trong khuôn viên dinh thự này còn có một số gian nhà cổ làm bằng gỗ sưa là một loại gỗ quý hiếm, ngoài ra về kiến trúc thì Cổng chính đi vào dinh thự và dự án gia đình có màu sắc như sơn son thếp vàng.
Chỉ mới nhìn cánh cổng biệt thự được đúc bằng hợp kim nhôm thôi, người ta đã thấy phần nào sự bề thế của nó, và hình ảnh ngôi biệt thự hoành tráng của ông Trần Văn Truyền bắt đầu tràn ngập trên mạng.
|
Căn biệt thự “khủng” này chỉ là một trong những số “của nổi” kếch xù của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền |
Điều gây “choáng váng” dư luận hơn, đó là ngôi biệt thự này chỉ là một phần trong số rất, rất nhiều bất động sản kếch xù của người từng đứng đầu trong cơ quan phòng chống tham nhũng của nhà nước. Từ đó, những “của nổi” của ông Trần Văn Truyền bắt đầu được báo chí “khui” ra, với tốc độ tăng chóng mặt.
Nhưng người ta vẫn bán tin bán nghi, bởi, với đồng lương công chức, cho dù là cán bộ cao cấp, ông Truyền có làm đến hàng trăm năm cũng không có nổi khối tài sản như thế. Liệu thông tin mà báo chí đưa ra có đúng không?
Và cuối cùng, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy, trong số khối tài sản kếch xù đó, có nhiều thứ là do ông Truyền vi phạm mà có.
“Trong thời gian giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt ở địa phương, cơ quan Trung ương và khi đã về nghỉ hưu, đồng chí Trần Văn Truyền đã có khuyết điểm, vi phạm: thiếu cân nhắc, thiếu gương mẫu trong việc tự mình thực hiện hoặc tác động, đề nghị với các cơ quan chức năng để xử lý một số trường hợp về nhà, đất có liên quan đến lợi ích của bản thân và gia đình; trong đó có việc thiếu trung thực, có việc vi phạm hoặc chưa gương mẫu thực hiện tốt quy định về những điều đảng viên không được làm và thực hiện Cuộc vận động học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những việc làm của đồng chí gây phản cảm, tạo dư luận xấu ở địa phương và lan rộng trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của bản thân đồng chí và tổ chức đảng” là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Mặc dù ông Trần Văn Truyền chỉ bị kỷ luật ở mức “cảnh cáo”, và ông vẫn là chủ sở hữu của căn biệt thự “khủng” nói trên; ông cũng chỉ phải trả lại để Nhà nước quản lý thửa đất số 598B5, Nguyễn Thị Định, Phường Phú Khương, Thị xã Bến Tre và nhà số 105, Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 15, Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cái mất nhiều hơn đối với vị nguyên là Tổng Thanh Tra Chính phủ, đó chính là uy tín, là danh dự, bởi, tên của chủ nhân những ngôi biệt thự, những khối tài sản khổng lồ đó - Trần Văn Truyền – đã trở thành cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong những cuộc tiếp xúc cử tri của các vị đại biểu Quốc hội là lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Và, ông Truyền Văn Truyền cuối cùng đã phải “có lời xin lỗi trước Đảng, trước nhân dân”.
Biệt thự cổ có giá thuê bằng... 10 bát phở
Biệt thự cổ ở Hà Nội được cho là vô giá, và đã được đưa vào diện nhà nước quản lý, bảo tồn. Ấy vậy mà, một trong số tài sản quý giá đó, một ngôi biệt thự có diện tích đến 400m2, lại được cho thuê với giá chỉ.... hơn 400.000 đồng/tháng, bằng với giá của...10 bát phở.
|
Ngôi biệt thự cổ giữa lòng Thủ đô, được cho ông Hoàng Văn Nghiên, nguyên là Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội thuê với giá hơn 400.000đ/tháng, chỉ được trả lại sau khi ông nghỉ hưu gần 10 năm |
Người được thuê căn biệt thự đó là ông Hoàng Văn Nghiên, ngay khi ông về nhận chức Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội. Điều đáng nói, ông Nghiên đã tiếp tục được thuê căn biệt thự với giá “siêu rẻ” trong gần 10 năm kể từ khi ông về hưu. Một câu hỏi được báo chí và dư luận đặt ra là: Tại sao ông Hoàng Văn Nghiên lại có được “đặc ân” đó? Tại sao ông Hoàng Văn Nghiên, sau khi nghỉ hưu không tự nguyện trả lại ngôi biệt thự này cho Thành phố? Và tại sao báo chí đã nêu ra câu chuyện này từ cách đây nhiều năm, nhưng Hà Nội vẫn không giải quyết dứt điểm?
Sau khi rất nhiều bài báo lên tiếng, rất nhiều chất vấn tại các cuộc họp của Thành phố, Hội đồng nhân dân... ông Hoàng Văn Nghiên đã phải tự nguyện xin thanh lý hợp đồng thuê căn biệt thự đó. Đổi lại, ông Nghiên sẽ được bố trí chế độ như với một Bộ trưởng, tức là được cấp đất để xây nhà, dù căn biệt thự nói trên, ông Nghiên đang không ở, cũng không có khó khăn về nhà ở.
Khi thông tin được đưa lên mặt báo, căn biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa trở thành căn biệt thự “nổi tiếng” thu hút sự chú ý của dư luận, có lẽ chỉ sau biệt thự của ông Trần Văn Truyền. Cùng với đó, cái tên của vị cựu Chủ tịch Thành phố Hà Nội, sau gần 10 năm nghỉ hưu, cũng bất ngờ được quan tâm trở lại, nhưng chắc chắn không phải là điều mà ông mong muốn.
Biệt thự “khủng” của tướng Công an xây trái phép
Những ngày cuối năm 2014 vừa qua, dư luận lại đặc biệt chú ý đến một ngôi biệt thự “hoanh tráng” khác tại Đà Nẵng. Theo đó, Nguyên giám đốc Công an (vừa nghỉ hưu tháng 9/2014) tỉnh Quảng Nam là Thiếu tướng Phan Như Thạch từ khi đương chức đã xây biệt thự tráng lệ không phép ngay bìa rừng Nam Hải Vân, trong khuôn viên diện tích 17.750 m2.
|
Biệt thự hoành tráng của nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam được xây trái phép trong đất rừng thuộc địa bàn thành phố Đà Nẵng, nhưng đã 3 đời Chủ tịch Thành phố mà không giải quyết nổi… |
Được biết, việc xây dựng trái phép này, “đã 3 đời chủ tịch Thành phố mà không xử lý rốt ráo được”. Nay thì việc xây dựng ngôi biệt thự này đã bị tạm dừng, nhưng việc “xem xét”, xử lý ra sao thì vẫn còn là một dâu hỏi, bởi một lãnh đạo sở của Thành phố Đà Nẵng đã nói rằng, tướng Thạch “có nhiều công lao với Thành phố”. Về vụ việc này, một câu hỏi khá nhức nhối được cử tri nêu ra, đó là cựu chiến binh làm cái lán tranh nứa trái phép để bán quán thì bị tháo dỡ, kiểm điểm và buộc thôi chức, còn Thiếu tướng Phan Như Thạch xây cả tòa lâu đài trái phép thì thế nào?
3 ngôi biệt thự kể trên, chủ nhân của chúng đều là người từng giữ chức vụ quan trọng của nhà nước hoặc của địa phương, nay đã về nghỉ hưu, đều được cho là có công lao. Nhưng việc “trả công” cho họ như thế nào, và việc “đòi công” của họ ra sao là điều để lại quá nhiều băn khoăn, bởi theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước đến nay có 8,8 triệu người có công, trong đó mới có khoảng 1,4 triệu người có công và thân nhân được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Mà mức trợ cấp này, chắc chắn chỉ là nguồn động viên tinh thần là chính.
Ý kiến bạn đọc