(VnMedia) - Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với 14 di tích, tuy nhiên trong đó vẫn chưa có tên cầu Long Biên...
>> Cầu Long Biên sẽ là di tích lịch sử cấp quốc gia
>> Hồ Hoàn Kiếm trở thành di tích quốc gia đặc biệt
Cầu Long Biên là ký ức của người Hà Nội, là nỗi nhớ của người đi xa - |
Các di tích vừa được xếp hạng bao gồm: Di tích lịch sử Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh); Di tích lịch sử Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình);Di tích lịch sử Khu đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang);Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La).
Di tích lịch sử Trại giam Phú Quốc (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang); Di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị); Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa); Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách (huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội); Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Phật Tích (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).
Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Phố Hiến (thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên); Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền Sóc (huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội); Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội); Di tích khảo cổ Cát Tiên (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng).
Cầu Long Biên bao giờ được công nhận?
Hồi t háng 4/2014, Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, khẳng định, cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng từ năm 1899 đến năm 1902. Cây cầu này từng là một trong bốn cây cầu dài nhất thế giới và nổi bật nhất Viễn Đông vào thế kỷ 19. Từ khi xây dựng đến nay, cầu Long Biên đã chứng kiến thăng trầm của lịch sử suốt hơn một thế kỷ, chịu sự tàn phá của bom đạn qua 2 cuộc chiến tranh.
Thống nhất với đề xuất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu và cho ý kiến về việc xếp hạng cây cầu này là Di tích lịch sử - nghệ thuật cấp Quốc gia.
Sau đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có văn bản thống nhất với đề xuất của UBND TP Hà Nội về việc xếp hạng di tích lịch sử - nghệ thuật cấp quốc gia với cầu Long Biên trên tuyến đường sắt đô thị Hà Nội - Đồng Đăng. Tuy nhiên, theo bản Quyết định mới nhất của Thủ tướng Chính phủ thì trong danh sách 14 di tích được xếp hạng lần này, không có tên cầu Long Biên.
Liên quan đến cây cầu này, khi việc cải tạo lại cầu Long Biên được dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó phương án dỡ cầu bị phản đối kịch liệt, nhiều ý kiến đã cho rằng Hà Nội quá chậm trễ trong việc làm các thủ tục đề nghị đưa cây cầu lịch sử vào danh sách các di tích cấp quốc gia.
Ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội từng cho biết, theo quy định của luật di sản, những hiện vật có tuổi thọ từ 100 năm trở lên sẽ được coi là di sản. Ngoài ra, muốn công nhận là di sản cũng cần có thủ tục hành chính để công nhận. Tuy nhiên, thủ tục hành chính hiện nay đang có vướng mắc nên cây cầu chưa được xếp hạng.
Sau khi tổ chức hội thảo để tham khảo ý kiến các chuyên gia và các tổ chức và lắng nghe dư luận, tháng 11 vừa qua, Hà Nội đã báo cáo Bộ Giao thông và Bộ Xây dựng phương án cải tạo cầu Long Biên. Theo Hà Nội, có 9/15 ý kiến thống nhất lựa chọn phương án tim cầu đường sắt cách cầu Long Biên 75m về phía thượng lưu.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng lưu ý, việc triển khai cần phải xét các yếu tố liên quan như: việc bảo tồn cầu Long Biên; kiến trúc cầu mới phải hài hòa với cầu Long Biên, hạn chế ảnh hưởng đến khu phố cổ, phố cũ về cảnh quan, kiến trúc; chiều cao thông thuyền phục vụ giao thông thủy, an toàn đê điều; việc tổ chức giao thông khu vực phố Hàng Đậu...
Ngoài ra cũng còn một số ý kiến khác như: Giữ nguyên phương án cách cầu Long Biên về phía thượng nguồn 186m theo quy hoạch đã được duyệt; kết hợp giũa phương án 186m và 75m; phương án trùng tim với cầu Long Biên, kết hợp với việc bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên.
Trong khi đó, Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam lại gửi văn bản cho rằng, cả 3 phương án mà Hà Nội đưa ra đều không hợp lý.
Tiếp đó, mới đây, một hội thảo khác lại được tổ chức bàn về phương án bảo tồn cầu Long Biên. Điều khá thú vị là có ý kiến đề nghị bảo tồn cầu cạn của cầu Long Biên trở thành vườn treo và gầm cầu thành vườn nghệ thuật, làng nghề truyền thống.
Theo đó, khu vườn treo dạo chơi trên cao sẽ kéo dài đến ga Long Biên và cây cầu thép. Kiểu quy hoạch này cho phép người đi bộ đi lại an toàn ở khu vực trung tâm phố cổ, thoát khỏi tình trạng tắc đường mà vẫn có một góc nhìn đặc biệt về thành phố. Hai làn đường bên cầu dành cho người đi bộ. Cùng với đó sẽ cải tạo hệ thống gầm cầu thành phố vườn nghệ thuật giới thiệu các sản phẩm làng nghề truyền thống, bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật. Theo phương án này, trên cầu Long Biên sẽ có cả nhà hàng, quán cà phê...
Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến phản biện đều cho rằng ý tưởng này quá lãng mạn và khó khả thi.
Như vậy, hiện cây cầu lịch sử này một mặt chưa được công nhận di tích cấp quốc gia, một mặt vẫn chưa thống nhất được phương án bảo tồn, trong khi bản thây cây cầu đã và đang tiếp tục xuống cấp trầm trọng.
Ý kiến bạn đọc