Hơn 46 nghìn tỷ xây tuyến đường cao tốc dài 235km

11:09, 08/01/2015
|

(VnMedia) - Cao tốc dài 235km này có điểm đầu tại xã Diên Thọ (Diên Khánh, Khánh Hòa), điểm cuối giao với điểm cuối dự án đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết (xã Hàm Kiệm, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận).  

>>
Trình dự án xây cao tốc Thanh Hóa - Nghệ An           
>>
Xây đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa                
>>
Sắp xây cao tốc 4 làn xe Thái Nguyên-Bắc Kạn                
 
Ban Quản lý dự án 6 vừa trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc Nam đoạn Nha Trang (Khánh Hòa)-Phan Thiết (Bình Thuận) với 4 làn xe theo hình thức huy động các nguồn vốn của các nhà đầu tư, ngân sách Nhà nước, vốn ODA...

Theo đề xuất của Ban Quản lý dự án 6, đường cao tốc Nha Trang-Phan Thiết có chiều dài toàn tuyến 235km, điểm đầu nằm tại xã Diên Thọ (Diên Khánh, Khánh Hòa), điểm cuối giao với Quốc lộ 1A đi Bà Bàu, cũng là điểm cuối dự án đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết (xã Hàm Kiệm, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận).

Mục tiêu của dự án nhằm giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa, rút ngắn thời gian đi lại từ các địa phương tới các khu vực tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận để từng bước hoàn chỉnh quy hoạch đồng bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Hà Nội-Cần Thơ.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, sau khi được xây dựng hoàn chỉnh, tuyến cao tốc trên sẽ có quy mô 6 làn xe, dài 235km, chiều rộng nền đường 32,5-34,5m. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi và nhu cầu vận tải, Ban Quản lý dự án 6 đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho phép phân kỳ theo giai đoạn.

  Ảnh minh họa

Ban Quản lý dự án 6 vừa trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt xây dựng cao tốc dài 235km từ Khánh Hòa - Phan Thiết. Ảnh: Internet

Cụ thể, giai đoạn đầu sẽ xây dựng đường cao tốc 4 làn xe với mặt đường rộng 25-27m, vận tốc thiết kê đường cao tốc 100km/giờ. Riêng vị trí hầm thiết kế vận tốc 80km/giờ. Tuy nhiên, nhằm thực hiện dự án mang lại hiệu quả tài chính, Ban Quản lý dự án 6 đưa ra 3 phương án đầu tư.

Phương án 1: từ km0-km235 dài 235km, kinh phí 47.558 tỷ đồng. Tuy nhiên, phương án này có chi phí đầu tư lớn, khó khăn trong việc huy động vốn ở thời điểm này.

Phương án 2 bắt đầu ở km6+647-km235 dài 228km với tổng mức đầu tư 46.330 tỷ đồng nhằm đảm bảo tính kết nối tốt với mạng lưới giao thông quốc gia, kết nối TPHCM và các tỉnh phía Nam với thành phố Nha Trang, nâng cao hiệu quả đầu tư đồng thời sớm hoàn thiện đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phương án 3 tại km3+400-km235 có chiều dài 183km với số vốn 39.937 tỷ đồng. Phương án này có vốn đầu tư không lớn, phù hợp với sự phân kỳ theo đoạn tuy nhiên lại khó hoàn thành sớm mạng lưới đường cao tốc Bắc-Nam theo quy hoạch.

Sẽ khởi công vào quý 3/2015

Trao đổi về vấn đề này, ông Cao Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 6 cho biết, để đảm bảo thời gian hoàn vốn ngắn, Ban Quản lý dự án 6 đã kiến nghị lên Bộ Giao thông Vận tải chọn phương án 2 để thực hiện dự án đường cao tốc Nha Trang-Phan Thiết với quy mô 4 làn xe dài 228km, kinh phí là 46.330 tỷ đồng giai đoạn 1.

Giai đoạn hoàn thiện 6 làn xe có số vốn lên tới 57.733 tỷ đồng với chiều dài 235km. Nếu được Bộ Giao thông Vận tải xem xét và phê duyệt, dự án sẽ được khởi công vào quý 3/2015 và hoàn thành vào năm 2020.

Trước đó, trung tuần tháng 12 vừa qua, Ban Quản lý dự án 85 cũng đã trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc đoạn Biên Hòa-Vũng Tàu 4 làn xe hạn chế theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).

Theo Ban Quản lý dự án 85, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đây là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất cả nước và cũng là khu tập trung đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển (Cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải), cảng hàng không (Cảng hàng không quốc tế Long Thành).

Hiện tại, Quốc lộ 51 là quốc lộ duy nhất nối TPHCM với Vũng Tàu. Tuy nhiên, qua số liệu điều tra, khảo sát và tính toán dự báo cho thấy, với quy mô hiện tại, đến năm 2020, Quốc lộ 51 đoạn Biên Hòa-Phú Mỹ sẽ có nguy cơ ùn tắc và hạn chế tốc độ lưu thông tại một số vị trí cục bộ. Riêng đoạn Phú Mỹ-Vũng Tàu, lưu lượng dự báo đến năm 2030 đạt khoảng 62.000 phương tiện/ngày đêm và lúc đó sẽ xuất hiện tình trạng giảm khả năng lưu thông của xe.

Do đó, đến năm 2020 cần phải xây dựng xong tuyến cao tốc Biên Hòa-Phú Mỹ với quy mô tối thiểu 4 làn xe và sau năm 2030 cần mở rộng tuyến này thành 6 làn xe cùng với đoạn Phú Mỹ-Vũng Tàu xây dựng quy mô 4 làn xe. Hiện cả hai dự án này đang được Bộ Giao thông Vận tải xem xét phê duyệt.


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc