Gần 80.000 lao động nước ngoài xin cấp phép

18:31, 22/01/2015
|

(VnMedia) - Năm 2014, có gần 78 ngàn người nước ngoài đã đăng ký làm thủ tục cấp phép lao động hoặc làm hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp phép lao động… 
 
>> Việt Nam đặc biệt hấp dẫn chuyên gia nước ngoài
>> Kiểm tra hành chính nơi có đông người nước ngoài

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện năm 2014 và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2015 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức sáng 21/1/2015.
 
Theo lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2014, công tác quản lý lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được tăng cường. Thủ tục cấp phép lao động cho lao động là người nước ngoài được đơn giản hóa tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong sử dụng lao động người nước ngoài cũng như công tác quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam của các cơ quan quản lý nhà nước.
 
Theo đó, các địa phương đã tăng cường công tác theo dõi, hướng dẫn đăng ký, lập thủ tục và cấp phép cho người lao động nước ngoài. Theo báo cáo của các địa phương, năm 2014 có gần 78 ngàn người nước ngoài đã đăng ký làm thủ tục cấp phép lao động hoặc làm hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp phép lao động, trong đó số người thuộc diện phải cấp phép chiếm 92,26%. Số người đã được cấp phép lao động đạt 77,72%; số còn lại đang làm thủ tục xin giấy phép lao động.
 
Đặc biệt, liên quan tới vụ việc các doanh nghiệp tại một số địa phương phải ngừng hoạt động do biến cố đầu tháng 5/2014, bám sát sự chỉ đạo Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều văn bản chỉ đạo và đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nhanh chóng ổn định tình hình, hỗ trợ doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất; cung ứng, bổ sung lao động bị thiếu hụt cho doanh nghiệp và giúp đỡ, hỗ trợ người lao động ổn định việc làm.

  Ảnh minh họa

Xuất khẩu lao động: Thị trường Nhật Bản tăng mạnh
 
Trong khi đó, theo Bộ Lao động, thị trường xuất khẩu lao động tiếp tục được củng cố và phát triển, thị trường truyền thống được giữ vững. Đặc biệt, một số thị trường trọng điểm có mức tăng trưởng cao như Đài Loan tăng 29,4%, Nhật Bản tăng 96,1%....
 
Năm qua, Bộ Lao động tiến hành đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện Hiệp định hoặc Thỏa thuận hợp tác lao động với nhiều nước như Thái Lan, Angola, Đảo Síp, Lào, Liên bang Nga...
 
Công tác  quản lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động Việt Nam ở nước ngoài được chú trọng, đã triển khai kịp thời các giải pháp đảm bảo an toàn cho lao động đang làm việc tại Libya về nước và có chính sách hỗ trợ kịp thời. Các tỉnh, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong tổ chức tuyển chọn, giáo dục định hướng, dạy nghề tạo nguồn cho xuất khẩu lao động theo yêu cầu của thị trường; hỗ trợ người lao động vay vốn, chi phí học nghề, ngoại ngữ... 
 
Thống kê cho thấy, một số địa phương có số lao động đi làm việc ở nước ngoài cao như: Nghệ An (trên 13 ngàn người), Thanh Hóa (trên 9 ngàn người), Hải Dương (trên 6,5 ngàn người), Hà Tĩnh (5,5 ngàn người), Bắc Giang (3,8 ngàn người), Phú Thọ (trên 2,7 ngàn người)...
 
Đối với thị trường lao động trong nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định là ngày càng phát triển. Các hoạt động thông tin, dự báo thị trường lao động được triển khai đồng bộ trong cả nước; các trung tâm dịch vụ việc làm ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động , tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ và thường xuyên hơn, quy mô mở rộng hơn, hiệu quả kết nối cung - cầu lao động cao hơn, nhất là ở các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm như: Đà Nẵng, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Long An... cùng với việc tổ chức sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm, nhiều địa phương đã tổ chức các sàn giao dịch vệ tinh, lưu động và các ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm.
 
Đặc biệt, tranh chấp lao động và đình công trong năm qua đã giảm cả về số vụ và số người tham gia đình công. Số vụ đình công giảm khoảng 24,5% so với năm 2013; khi đình công xảy ra đã được các ngành, các cấp vào cuộc quyết liệt, giải quyết dứt điểm, không để kéo dài, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội và môi trường đầu tư.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc