(VnMedia) - Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa chỉ đạo Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội và TPHCM kiểm tra, thanh tra hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải, các phương tiện, lái xe cung cấp dịch vụ vận tải có sử dụng phần mềm Uber, xử lý vi phạm nếu có.
>> Uber chỉ được hoạt động nếu đủ điều kiện
>> Uber bị Hiệp hội vận tải Hà Nội từ chối hợp tác
>> Thủ tướng chỉ đạo xem xét loại hình taxi Uber
>> Lại kiến nghị dừng hoạt động taxi Uber
>> Taxi Uber là dịch vụ bất hợp pháp
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, trong thời gian vừa qua, đơn vị này nhận được kiến nghị của Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội và Hiệp hội Taxi TPHCM về hoạt động của Công ty Uber tại Việt Nam.
Qua tìm hiểu tình hình thực tế và trao đổi với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như đại diện của Công ty Uber, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, trên cơ sở khẳng định của Công ty Uber, là một đơn vị kinh doanh về công nghệ theo Giấy phép kinh doanh đã được UBND TPHCM cấp và không kinh doanh vận tải; vì vậy, Công ty Uber không phải là đối tượng quản lý của Bộ Giao thông vận tải.
Tuy nhiên, hoạt động của Công ty Uber có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh vận tải; do đó, Bộ Giao thông vận tải quan tâm và tạo điều kiện để Công ty Uber có thể kinh doanh tốt, hiệu quả, đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, góp phần giảm lưu lượng giao thông, giảm tai nạn giao thông, giảm chi phí vận tải.
Mới xuất hiện ở Việt Nam, loại hình taxi Uber đã gây "đau đầu" cho các doanh nghiệp vận tải và các đơn vị quản lý. |
Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải đã hoặc sẽ ký hợp đồng với Công ty Uber phải thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật khi cung cấp phương tiện, lái xe có sử dụng phần mềm ứng dụng Uber, đặc biệt là thực hiện đầy đủ trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải.
Do đó, để đảm bảo Công ty Uber và các đơn vị kinh doanh vận tải có sử dụng phần mềm này hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Sở GTVT TP Hà Nội và TPHCM thực hiện kiểm tra, thanh tra đột xuất và định kỳ việc tuân thủ các quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP đối với hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải, các phương tiện, lái xe cung cấp dịch vụ vận tải có sử dụng phần mềm Uber, xử lý vi phạm (nếu có) và báo cáo về Bộ Giao thông vận tải kết quả thực hiện.
Mới xuất hiện ở TPHCM từ tháng 7 vừa qua, sau đó lan ra Hà Nội trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, dịch vụ vận tải taxi mới mẻ này đã gây ra sự lo lắng cho các doanh nghiệp taxi hiện nay.
Trước sự xuất hiện của loại hình trên, đầu tháng 12 vừa qua, Hiệp hội taxi TPHCM đã phải có văn bản “cầu cứu” Bộ Giao thông vận tải vào cuộc xem xét, làm rõ tính pháp lý của xe Uber như: Xe này có phép chưa, nếu chưa thì có nên cấp phép không? Việc chủ xe tham gia Uber để cung cấp dịch vụ vận chuyển là phù hợp quy định hay không? Việc quản lý, thu thuế như thế nào?...
Tiếp đó, chiều ngày 4/12, đến lượt Hiệp Hội vận tải Hà Nội có văn bản gửi lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đề nghị tạm dừng hoạt động của loại hình taxi này.
Mới đây, làm việc với đại diện của Uber, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định, Chính phủ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải khuyến khích hoạt động kinh doanh của Uber cũng như các doanh nghiệp khác tại Việt Nam trên cơ sở thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, trước việc đại diện của Uber khẳng định, không kinh doanh vận tải mà chỉ phát triển công nghệ với phần mềm ứng dụng trong kinh doanh vận tải, Bộ trưởng Giao thông vận tải đã giao Thanh tra Bộ thực hiện thanh tra đột xuất hoặc định kỳ của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải sử dụng dịch vụ của Uber cũng như thanh tra các phương tiện mà Uber sử dụng. Nếu không đủ điều kiện theo quy định thì cả Uber và doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều phải chịu trách nhiệm và phương tiện không được hoạt động.
Ý kiến bạn đọc