(VnMedia) - “Xử lý đòi hỏi phải có thời gian, phải qua bao nhiêu khâu: xác minh, điều tra, chứng cứ, kết luận thế nào cho đúng, tâm phục khẩu phục và giải quyết cho chính xác." - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về việc xử lý vụ ông Trần Văn Truyền...
>> Ông Trần Văn Truyền bị kết luận thiếu trung thực
>> Công khai các cán bộ sai phạm giống ông Truyền
>> "Soi" những người được ông Truyền bổ nhiệm "vét"
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri ngày 5/12 |
Ngay sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoa 13, ngày 6/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đơn vị bầu cử số 1, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đã tiếp xúc với cử tri các quận: Ba Đình; Hoàn Kiếm, Tây Hồ để báo cáo kết quả kỳ họp.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri đánh giá cao chất lượng của kỳ họp thứ 8 vừa qua đã làm được nhiều việc quan trọng và nhiều đổi mới, đồng thời hoan nghênh thái độ trách nhiệm của các ĐBQH. Cử tri cũng hoan nghênh những Bộ trưởng đã thẳng thắn chịu trách nhiệm và hy vọng sau kỳ họp, các Bộ trưởng sẽ thực hiện lời hứa một cách thiết thực và quyết liệt.
Tuy nhiên nhiều cử tri cũng bày tỏ chưa hài lòng với một số vấn đề, đặc biệt là với vụ việc ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.
Cử tri Bùi Văn Lăng (Phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) đặt vấn đề: " Ông Trần Văn Truyền nguyên là Tổng Thanh tra Chính phủ nhưng có những việc làm bất minh, lời nói không đi đôi với việc làm. Tại sao lại có chuyện người canh đền lại tự tay đốt đền? mà suốt quá trình từ Bí thư tỉnh ủy Bến Tre cho đến lúc lên Trung ương mà không cơ quan nào phát hiện ra?"
“Phải chăng trong chống tham nhũng chúng ta sợ rút dây động rừng, đánh chuột sợ vỡ lục bình? Hiện chúng ta đã thu hồi đất, nhà cửa của ông Truyền tại Bến Tre, và TP. Hồ Chí Minh nhưng đó chỉ là phần nổi, còn phần chìm có thu được không”?- cử tri Lăng bức xúc nói.
Cử tri Nguyễn Minh Chung (Phường Đội Cấn, quận Ba Đình) cũng cho rằng, trong đấu tranh chống tham nhũng cử tri chưa hài lòng vì tính quyết liệt chưa cao. “Phải chăng chúng ta vẫn còn có vùng cấm? khi ông Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời trước Quốc về vụ ông Truyền, nói là do thuộc diện Trung ương quản lý. Cử tri đặt câu hỏi phải chăng những cán bộ do Trung ương quản lý thì không làm ngay?”- ông Chung gay gắt.
Cử tri Nông Quang Lộc (Phương Hàng Mã, Hoàn Kiếm) thì đặt câu hỏi: “Chống tham nhũng, nói là hạn chế nhưng tại sao lại hạn chế? phải chăng cán bộ chống chưa đủ tâm, tầm. Qua vụ ông Truyền thấy chúng ta chưa thực sự chống tham nhũng, làm mạnh để vững tin. Cần xem xét việc ông Truyền bổ nhiệm 60 cán bộ trước khi nghỉ hưu có vi phạm không? Nếu thấy vi phạm thì không bổ nhiệm 60 cán bộ này nữa để làm cho nhà nước trong sạch.”
|
Cử tri Bùi Văn Lãng (quận Ba Đình) bức xúc vụ ông Trần Văn Truyền |
Tổng Bí thư: Chống tham nhũng nhưng phải giữ ổn định
Trả lời cử tri về vấn đề chống tham nhũng, Tổng Bí thư cho rằng đây là vấn đề cả xã hội quan tâm, thái độ của Đảng là kiên quyết chống tham nhũng và lãng phí, bởi nhiều khi lãng phí còn hơn cả tham nhũng. Vì vậy, phòng phải tốt, và chống cũng phải tốt.
"Quan điểm của Đảng rất rõ ràng, tất cả các cấp không có vùng cấm. Tinh thần kiên quyết làm chứ không nhân nhượng, Nhưng quan trọng là phương pháp, cách làm, và cuối cùng là phải có hiệu quả. Chống được tham nhũng nhưng phải đảm bảo được sự ổn định chính trị xã hội để phát triển đất nước." - Tổng Bí thư nói.
Về vụ của ông Truyền, Tổng Bí thư cho biết, vụ ông Truyền đã có kết luận của Trung ương, phải làm theo đúng quy định pháp luật của nhà nước, không để bị lợi dụng,
“ Tập trung vào xử lý cho tốt, nghiêm, nhưng đòi hỏi phải có thời gian, phải qua bao nhiêu khâu: xác minh, điều tra, chứng cứ, kết luận thế nào cho đúng, tâm phục khẩu phục và giải quyết cho chính xác. Vi phạm đến mức nào thì xử lý đến mức ấy, kể cả khai trừ ra khỏi Đảng… Mấy cái nhà UBND TP. Hồ Chí Minh đã quyết định thu hồi rồi… ” – Tổng Bí thư nói.
Trong buổi tiếp xúc, nhiều cử tri cũng cho biết chưa bằng lòng với việc lấy phiếu tín nhiệm 3 mức, cũng như việc chưa xác minh tài sản của các vị được lấy phiếu tín nhiệm.
“Nhân dân chúng tôi có quyền trông chờ vào sự quyết tâm hơn nữa của các đại biểu dân cử sẽ góp phần quyết định vào việc đánh gục loại giặc nội xâm vì các đại biểu có sẵn thanh bảo kiếm trong tay. Đó là, có quyền điểm tên tham nhũng trên nghị trường, cộng với lá phiếu tín nhiệm có quyền gạt bỏ những người không xứng đáng” – cử tri Trần Viết Hoàn (cử tri quận Hoàn Kiếm) nói.
Trao đổi với cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm là thăm dò tín nhiệm để kịp thời nhắc nhở cảnh tỉnh răn đe. Theo Tổng Bí thư, lấy phiếu còn là một kênh giúp cho Đảng xem xét, đánh giá cán bộ. Còn bỏ phiếu là khi lấy phiếu thấp thì đem bỏ phiếu, lúc đó bỏ phiếu thì có 2 mức.
“Bỏ phiếu là bước cùng, còn lấy phiếu là cho thời gian để sửa đổi. Như trường hợp lần trước Thống đốc ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Giao thông vận tải có phiếu tín nhiệm thấp, nhưng đã sửa chữa thay đổi nên lần này lấy phiếu được tín nhiệm cao. Quốc hội vừa sửa đổi Nghị quyết 35 và biểu quyết thông qua với 82% tán thành nên giờ phải tuân theo, phải thống nhất cao để cùng hành động”-Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư cũng gửi lời cảm ơn cử tri, các ý kiến cử tri phản ánh rất tâm huyết trách nhiệm, thể hiện trí tuệ đối với công việc chung lớn của đất nước, bàn đến những việc lớn của đất nước, các ý kiến đều liên quan đến đại sự quốc gia.
Ý kiến bạn đọc