Từ 15/12: Cao điểm xử phạt lái xe uống rượu bia

07:07, 08/12/2014
|

(VnMedia) - Lãnh đạo UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu các sở, ngành liên quan từ 15/12 tới đây, mở 3 đợt cao điểm xử phạt lái xe uống rượu bia, kết hợp với việc tổ chức chiến dịch cưỡng chế vi phạm nồng độ cồn...

>> Sẽ thí điểm dịch vụ đưa khách say rượu về nhà
 >> Công an xã có được lập chốt, xử phạt vi phạm giao thông?
>> Sẽ bùng phát mũ bảo hiểm rởm nếu không phạt người đội
>> Cảnh sát giao thông có được thích là dừng xe?

UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu các sở, ngành liên quan kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Ất Mùi.

Theo đó, lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan phổ biến kế hoạch kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu bia từ tháng 12/2004 đến Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Tuyên truyền, hướng dẫn quy định pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Các quy định pháp luật về xử lý hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với lái xe.

Cảnh báo về nguyên nhân, hậu quả tai nạn giao thông do vi phạm quy định về nồng độ cồn điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông. Phổ biến kết quả xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện. 

Theo yêu cầu, thông điệp truyền thông cần bảo đảm nguyên tắc dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Hướng đến thay đổi hành vi của đối tượng tuyên truyền. Tập trung vào đối tượng có độ tuổi từ 18 đến 55 tuổi, đồng thời, phải truyền thông liên tục, đầy đủ về nội dụng các quy định pháp luật có liên quan.

Tập trung cao điểm truyền thông gắn với 3 đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, cụ thể: Đợt 1, từ 15/12 đến 31/12/2014; đợt 2, từ 15/1/2015 đến 31/1/2015; đợt 3, từ 15/2/2015 đến 28/2/2015. Thông điệp của chiến dịch truyền thông: “Tính mạng con người là trên hết”, “Đã uống rượu, bia - không lái xe”.  

  Ảnh minh họa

 Cảnh sát giao thông thử nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện.
Ảnh: Internet

Cùng với đó, tổ chức tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch thường xuyên của lực lượng Cảnh sát Giao thông, trong đó phải kiểm tra các trường hợp nghi sử dụng rượu, bia. Thống nhất thực hiện 3 đợt kiểm tra chuyên đề nồng độ cồn.

Trong các chiến dịch, khuyến khích các địa phương áp dụng quy trình kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên theo kinh nghiệm quốc tế. Lịch tổ chức chiến dịch cưỡng chế vi phạm nồng độ cồn được thông báo công khai, rộng rãi.  

Các cơ quan thành viên và Ban An toàn giao thông các địa phương xác định nhiệm vụ kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông các tháng cuối năm 2014 và dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu, trong tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm cần thực hiện theo điều kiện thực tế của địa phương về trang thiết bị và lực lượng. Chú trọng áp dụng mô hình tổ công tác phối hợp giữa Cảnh sát Giao thông với Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát Hình sự, đồng thời kết hợp kiểm tra, xử lý vi phạm theo nồng độ cồn và các vi phạm khác về trật tự an toàn giao thông… 

Liên quan đến vấn đề này, trước đó Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, từ ngày 1/12 đến hết ngày 28/2/2015, sẽ mở 3 đợt cao điểm xử phạt lái xe uống rượu bia. Dịp này, tại các điểm kinh doanh bia rượu sẽ thí điểm dịch vụ đưa khách hàng đã uống rượu về nhà.

Theo đó, kế hoạch này sẽ được chia là 3 đợt cao điểm trong thời gian 3 tháng (từ 1/12/2014 đến hết ngày 28/2/2015) và triển khai tập trung vào hai nội dung chính là chiến dịch truyền thông sâu, rộng và cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên phạm vi toàn quốc.

Lý giải vì sao chọn thời điểm này để mở đợt cao điểm xử phạt lái xe uống rượu bia khi điều khiển phương tiện, ông Hùng cho biết, thường vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, các sự kiện như lễ hội, lễ Giáng sinh đang đến gần nhiều người, thậm chí là cả xã hội đều uống rượu bia.

Hơn nữa, trong các vụ tai nạn giao thông dịp Tết, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn là do lái xe lấn làn, chạy quá tốc độ, mất kiểm soát trong đó, có một phần nguyên nhân là tài xế sử dụng chất kích thích thần kinh mà cụ thể là uống rượu, bia.

“Cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, sự hỗ trợ tích cực của các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông thì tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn sẽ được cải thiện đáng kế, góp phần tích cực giảm tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia,” vị Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhìn nhận.

Theo ông Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, trong các đợt cao điểm này, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ phối hợp với Hiệp hội Rượu, bia, nước giải khát xây dựng mô hình "Điểm kinh doanh bia rượu an toàn giao thông" thí điểm tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM.

Tại các điểm kinh doanh bia rượu sẽ có lực lượng vận động khách hàng không lái xe sau khi uống bia rượu, có dịch vụ trông giữ xe qua đêm, dịch vụ đưa khách hàng đã uống rượu về nhà để đảm bảo an toàn.


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc