Tổ chức quốc tế lên tiếng về quấy rối trên xe buýt

14:17, 15/12/2014
|

(VnMedia) - Sau khi Ủy ban An toàn Giao thông Quốc đề nghị Chính quyền Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phối hợp ngăn chặn quấy rối tình dục trên xe buýt, các tổ chức quốc tế đã lên tiếng hoan nghênh hành động này.

>> "Chỉ 5 khách phản ánh bị quấy rối tình dục trên xe buýt"
>> Nhiều nữ sinh bị quấy rối tình dục khi đi xe buýt
>> Nam giới bị quấy rối tình dục: Ngại tố cáo?!
>> Làm gì khi bị quấy rối tình dục?
>> Nghề nào nguy cơ quấy rối tình dục cao nhất?


Theo đó, ngày 9/12/2014, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã gửi văn bản tới chính quyền thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh đề nghị phối hợp ngăn chặn quấy rối tình dục trên xe buýt.

 

Liên quan đến sự kiện này, hôm nay (15/12), các tổ chức quốc tế tại Việt Nam là ActionAid, Plan và CGFED cho biết đang mong đợi câu trả lời và phản hồi sớm từ phía chính quyền hai thành phố và người tham gia xe buýt.

 

Theo các tổ chức quốc tế nói trên, vấn đề an toàn với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ là vấn đề riêng của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mà là của chung các đô thị, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Vì vậy chương trình “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái” mong được nhiều cơ quan nhà nước, báo chí và người dân quan tâm hơn trong thời gian tới.


Ảnh minh họa

Có tới 31% nữ giới cho biết đã từng bị quấy rối tình dục khi đi trên xe buýt - ảnh minh họa

 

Báo cáo “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái: Nơi giấc mơ thành sự thật” không chỉ đưa ra hiện trạng quấy rối tình dục trên phương tiện giao thông công cộng mà cònxác định nhiều vấn đề phụ nữ và trẻ em gái gặp phải ở các không gian công cộng. Việc thiếu và không đảm bảo các dịch vụ công có chất lượng như giáo dục, an ninh, phương tiện giao thông và nhà vệ sinh công cộng đều làm tăng thêm rủi ro đối với phụ nữ, trẻ em và các nhóm yếu thế.

 

Được sống trong sự an toàn và an ninh tuyệt đối ở mọi nơi, mọi lúc là quyền hiến định và hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái. Vì vậy chương trình “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái” mong muốn có các hành động cụ thể từ phía các cơ quan nhà nước, từ việc giáo dục công dân tôn trọng quyền phụ nữ cho đến việc tăng cường hệ thống đèn chiếu sáng, phương tiện giao thông hay nâng cấp nhà vệ sinh công cộng và các dịch vụ công có chất lượng cho người dân.

 

Thường bị coi là những “công dân hạng hai”, người lao động nhập cư sẽ đặc biệt được hưởng lợi từ chương trình này. Thái độ và hành vi của nam giới đối với phụ nữ cũng như văn hóa coi thường pháp luật cần phải thay đổi thông qua việc nhà nước đảm bảo thực thi luật hiệu quả và có các cơ chế giám sát, xử phạt phù hợp.

 

Theo đại diện đến từ 3 tổ chức ActionAid, Plan và CGFED, Thành phố cần và tăng cường hệ thống camera giám sát (CCTV) trên các phương tiện giao thông công cộng và các điểm nóng khác để thu thập đầy đủ bằng chứng cho sự can thiệp của pháp luật và để có biện pháp ngăn chặn các hành động quấy rối một cách kịp thời. Hướng dẫn và thủ tục giải quyết các trường hợp quấy rối tình dụcnơi công cộng cần được rà soát và sửa đổi để phụ nữ và trẻ em gái được bảo vệ tốt hơn. Tăng lực lượng nữ cảnh sát, trang bị kiến thức cho người dân trước khi tìm kiếm cơ hội ở đô thị, tập huấn cho lái xe và nhân viên soát vé trên các phương tiện giao thông công cộng là những giải pháp nên được thực hiện sớm.

 

“Trong chiến dịch Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, chúng ta không đơn độc, mà đang cùng hành động với chính phủ và công dân của hơn 20 quốc gia trên thế giới – tức là khoảng gần 2 tỉ người cùng lên tiếng và hành động vì mục tiêu chung. Tại Việt Nam, ActionAid cùng với Plan, CGFED, các cá nhân, công ty và các tổ chức quan tâm xây dựng thành phố an toàn sẽ cùng nhau hành động và lên tiếng để đóng góp xây dựng các thành phố tại Việt Nam được an toàncho phụ nữ và trẻ em gái. Chương trình “Thành phố an toàn” không chỉ là phòng chống quấy rối tình dục mà còn góp phần xây dựng một thành phố để phụ nữ và trẻ em gái.” - Thông cáo báo chí từ 3 tổ chức Quốc tế viết.

 
Phụ nữ phải được mặc tự do mà không lo bị quấy rối


Theo đó, phụ nữ và trẻ em gái phải được: Tự do di chuyển không lo bị hành hung và được an toàn dù ban ngày hay ban đêm; Tự do lựa chọn cách ăn mặc không lo bị quấy rối; Tự do đến trường không bị trêu đùa kỳ thị, xa lánh; Tự do làm việc trong môi trường an toàn với nhận thức đầy đủ về quyền của bản thân; Tự do tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công mà không bị sách nhiễu. Tự do tham gia vào các hoạt động giải trí; Tự do đưa ra ý kiến trong quá trình lập kế hoạch của thành phố; Tự hào về thành phố của mình.

 

“Để bất kỳ ai, dù được sinh ra ở thành phố hay nhập cư để làm việc, học tập hay đến với mục đích du lịch và tham quan đều được an toàn tại các thành phố của Việt Nam, chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người lên tiếng và hành động khi chứng kiến các hành vi quấy rối và xâm hại phụ nữ và trẻ em gái để các thành phố của Việt Nam sẽ luôn là nơi những “giấc mơ thành hiện thực”.” - Thông cáo báo chí viết.

Trước đó, Như VnMedia đã đưa tin, tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển đã tiến hành khảo sát, thu thập ý kiến của 2.046 người từ 16 tuổi trở lên tại các địa bàn ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh về thái độ và trải nghiệm cá nhân trong vấn đề quấy rối tình dục nơi công cộng.

Kết quả công bố cho thấy, 87% phụ nữ và trẻ em gái đã từng bị quấy rối tình dục với các hành vi thường thấy như: huýt sáo, trêu ghẹo, bình phẩm về hình thức bề ngoài, nhìn chằm chằm, sờ mó vào bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Theo đánh giá của 57% phụ nữ và trẻ em gái thì đường phố được coi là nơi có nguy cơ xảy ra các vụ quấy rối tình dục cao nhất, ở nơi công cộng chỉ có 13% em gái cảm thấy an toàn. 

Đáng chú ý là có tới 31% nữ giới cho biết đã từng bị quấy rối tình dục khi đi trên xe buýt.


ActionAid là một phong trào toàn cầu của những con người làm việc cùng nhau vì mục tiêu thúc đẩy Quyền con người cho tất cả người dân và đẩy lùi đói nghèo. Văn Phòng Đại Diện được mở tại Hà Nội trong 25 năm qua.

 

Plan là một tổ chức phát triển quốc tế tập trung vào trẻ em. Hiện nay Plan đang hoạt động tại 70 nước trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Plan bắt đầu hoạt động từ năm 1993 và hiện nay là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế lớn nhất ở Việt Nam.

 

CGFED là một trong những tổ chức phi chính phủ (NGO) đầu tiên tại Việt Nam, CGFED cùng hợp tác trong việc xây dựng một cộng đồng các tổ chức Phi chính phủ có cùng chung mối quan tâm đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em gái ở các địa điểm công cộng để thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển phụ nữ.

 


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc