(VnMedia) - Trước việc thời gian gần đây tại Hà Nội và TPHCM xuất hiện dịch vụ taxi Uber với giá khá rẻ, lãnh đạo Bộ Giao thông khẳng định, đây là dịch vụ trá hình, bất hợp pháp, tiềm ẩn nhiều rủi ro...
>> Hà Nội:Xe taxi không được "chạy" quá 8 năm
>> Hàng loạt hãng taxi bị phát hiện sai phạm và bị xử lý
>> “Cấm taxi ngoại tỉnh vào Hà Nội là không phù hợp”
Hiệp hội taxi cuống cuồng vì Uber
Theo tìm hiểu của VnMedia, dịch vụ Uber xuất hiện tại TPHCM từ tháng 7/2014, sau đó mới lan ra Hà Nội trong thời gian gần đây. Tuy mới xuất hiện được một thời gian nhưng dịch vụ vận tải taxi mới mẻ này đã gây ra sự lo lắng cho các doanh nghiệp taxi hiện nay.
Taxi Uber được hoạt động dựa trên phần mềm của điện thoại di động dưới dạng ứng dụng, giúp kết nối người cần di chuyển và tài xế. Những xe tham gia sử dụng Uber thường không có biển hiệu taxi, không hoạt động tính tiền như những xe taxi khác mà tính phí dựa vào thông tin vị trí trên ứng dụng.
Theo đó, người có nhu cầu đi xe đăng ký hành trình trên ứng dụng, hệ thống của Uber sẽ kết nối thông báo với một chủ xe gần đó và phản hồi cho khách biết về lộ phí, đặc điểm, thông tin tài xế và chiếc xe sắp có mặt.
Các xe tham gia Uber với cước rẻ hơn taxi truyền thống 20%. Người dùng trả phí thông qua hệ thống thanh toán bằng thẻ quốc tế như Master Card, Visa… chủ xe hưởng 80%, còn Uber sẽ lấy 20% "hoa hồng".
Lực lượng Thanh tra Giao thông TPHCM vào cuộc xử lý một số xe taxi Uber. |
Trước sự xuất hiện của loại hình trên, mới đây, Hiệp hội taxi TPHCM đã phải có văn bản “cầu cứu” Bộ Giao thông vận tải vào cuộc xem xét, làm rõ tính pháp lý của xe Uber như: Xe này có phép chưa, nếu chưa thì có nên cấp phép không? Việc chủ xe tham gia Uber để cung cấp dịch vụ vận chuyển là phù hợp quy định hay không? Việc quản lý, thu thuế như thế nào?
Những ngày qua, sau khi Hiệp hội taxi TPHCM có ý kiến, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, tiến hành kiểm tra, xử phạt một loạt tài xế hoạt động taxi Uber, song theo nhận định, rất khó để xử lý tận gốc vì loại hình này không có logo, rất khó nhận dạng nếu hành khách không hợp tác.
Không đủ điều kiện kinh doanh
Liên quan đến vấn đề này, chiều 1/12, trả lời câu hỏi của các phóng viên tại cuộc họp báo do Bộ Giao thông vận tải tổ chức, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, người sử dụng khá ưa chuộng loại dịch vụ này vì giá thành rẻ, tính kết nối nhanh. Tuy nhiên, với cơ quan quản lý Nhà nước thì đây là hình thức kinh doanh không lành mạnh, cần có hình thức quản lý và chế tài xử phạt.
“Nếu dịch vụ này được ứng dụng trong các doanh nghiệp taxi hiện nay thì chúng tôi rất hoan nghênh vì mang lại nhiều tiện ích, như phần mềm cho taxi chiều về, kết nối cho hành khách rất nhanh. Nhưng còn hoạt động như hiện nay thì về góc độ quản lý Nhà nước là không đáp ứng các điều kiện về kinh doanh”, ông Trần Bảo Ngọc cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định, dịch vụ taxi Uber là bất hợp pháp, không được cơ quan quản lý nhà nước công nhận. Thực chất đây là dịch vụ taxi trá hình, ẩn chứa nhiều nguy cơ không an toàn.
Theo ông Trường, mặc dù giá dịch vụ của loại hình taxi Uber này rẻ hơn taxi truyền thống nhưng cả người lái xe và hành khách đều không được đảm bảo lợi ích chính đáng như: bảo hiểm không đóng thuế, các nguy cơ an ninh, an toàn khi xảy ra sự cố... Đặc biệt, loại hình kinh doanh này cũng không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
“Bộ Giao thông vận tải rất ủng hộ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý vận tải, nhưng phải hoạt động theo pháp luật. Đây là một dạng kinh doanh không lành mạnh”, Thứ trưởng Trường khẳng định.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, sau khi Hiệp hội taxi TPHCM có kiến nghị, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn gửi Bộ Công an đề nghị chỉ đạo các lực lượng liên quan kiểm tra tính pháp lý của taxi Uber, phát hiện xử lý đối với lái xe chở người có thu tiền nhưng không thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô cũng như các quy định khác; có biện pháp ngăn chặn việc vi phạm pháp luật nếu có của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phần mềm Uber.
Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra nội dung thuế và việc thanh toán tiền của người đi xe với tổ chức, cá nhân sử dụng phần mềm Uber, xử lý theo quy định nếu có.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi Bộ Thông tin truyền thông đề nghị các cơ quan chức năng tuyên truyền về thực tế hình thức chở người có thu tiền thông qua ứng dụng Uber, không bảo đảm quyền lợi cho người đi xe vì đây không phải hình thức kinh doanh vận tải phù hợp quy định; người điều hành, người lái xe không được quản lý theo quy định do đó tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn giao thông cũng như an toàn tài sản của chính bản thân người đi xe....
Ý kiến bạn đọc