Sở KHCN: “Chúng tôi chỉ thổi còi, không đá bóng”

16:05, 04/12/2014
|

(VnMedia) - Trả lời về việc vừa là cơ quan quản lý nhưng lại trực tiếp nhận kế hoạch nghiên cứu đề tài khoa học, vừa trực tiếp ký hợp đồng và cấp kinh phí... Giám đốc Sở KHCN Lê Xuân Rao khẳng định sở “chỉ thổi còi, không đá bóng”…

>>
Hoang đường sản phẩm khoa học 4 năm đắp chiếu vì… "vô" giá
>> Hơn 500 tỷ đầu tư vào khoa học công nghệ: Hiệu quả...chung chung
>> Người Việt thông minh, tại sao khoa học lạc hậu?
 
Công trình tiền tỷ làm xong... đắp chiếu

Sáng nay (4/12), HĐND Thành phố đã tiến hành phiên chất vấn đầu tiên của Kỳ họp. Một lần nữa, vấn đề hiệu quả đầu tư cho khoa học công nghệ, trong đó cụ thể là việc công trình tàu hút bùn được đầu tư gần 3 tỷ đồng, được cho là đã thành công, nhưng lại đang đắp chiếu bỏ không.
 
Theo báo cáo do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Hồng Sơn trình bày, đề tài “nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị nạo vét bùn cho các sông thoát nước đã kè bờ của Thành phố Hà Nội” do Viện nghiên cứu cơ khí thuộc Bộ Công Thương là đơn vị thực hiện theo phương thức tuyển chọn. Đến tháng 9/2020, kết quả của đề tài là tàu nạo vét bùn đã được bàn giao cho Công ty TNHH nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội.
 
“Đề tài đã thành công trong việc nghiên cứu, chế tạo, tích hợp các hệ thống thiết bị chế tạo trong nước với bơm hút bùn nhập khẩu từ Châu Âu tạo thành một Tàu hút bùn công nghệ cao, chuyên dụng cho sông, hồ đô thị. Hút và vận chuyển bùn của tàu được thực hiện từ đáy sông lên xe téc chở bùn trên bờ theo hệ thống đường ống kín, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Quá trình hút hút bùn cho năng suất cao hơn các phương pháp hiện đang áp dụng, giá thành lại chỉ bằng 1/3 giá thành nhập khẩu” – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Hồng Sơn khẳng định.
 
Ông Sơn cũng cho biết, tàu đã được Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt thiết kế, cấp phép lưu hành, UBND Thành phố cũng đồng ý để Viện nghiên cứu cơ khí thực hiện đề tài Nghiên cứu phương án vận hành và đưa vào sử dụng tàu… và sẽ đưa tàu vào vận hành khai thác trong tháng 12 này.
 
Chất vấn sau khi nghe báo cáo, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh cho rằng, việc nghiên cứu, chế tạo hoàn thành, bàn giao đã 4 năm mà chưa thể đưa vào sử dụng là quá lâu.
 
“Hơn nữa, dự án này chỉ chế tạo được 1 sản phẩm đơn chiếc, vậy Thành phố có nhu cầu có thêm các tàu khác hay không hay chỉ cần một cái, và nếu có thì đơn vị nào sản xuất, việc chuyển giao ứng dụng nghiên cứu cho đơn vị sản xuất như thế nào?” – đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh đặt câu hỏi.

Ảnh minh họa

Trong khi tàu hút bùn có chi phí 3 tỷ đồng đang đắp chiếu thì có thể hàng ngày, rất nhiều công nhân vẫn đang vất vả nạo vét bùn bằng... tay.


Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh, ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, một đề tài nghiên cứu đã ra được sản phẩm là nỗ lực rất lớn. Ông Rao cho biết, qua khảo sát, nhu cầu của Thành phố là có và rất lớn bởi hiện nay đang làm khá thủ công. Tuy nhiên, việc sản xuất, theo ông Rao, là phải xã hội hóa giao cho doanh nghiệp.
 
Cũng liên quan đến vấn đề đầu tư cho khoa học công nghệ, đại biểu Nguyễn Thanh Mai nói: “Thành phố báo cáo là từ giai đoạn 2011 đến nay đã có nhiều kết quả thành công, trong đó có nội dung đào tạo được 27 tiến sĩ và 160 thạc sĩ. Tôi xin hỏi, theo Luật Khoa học Công nghệ và Luật Ngân sách nhà nước thì việc đào tạo Tiến sĩ và thạc sĩ có phải là nhiệm vụ chi của khoa học công nghệ không. Việc tham mưu phân bổ kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ để đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ, nếu có, thì đã đúng quy định chưa?
 
Đại biểu Mai cũng thắc mắc, trong việc công bố công khai các nhiệm vụ của Khoa học Công nghệ của Thành phố để các tổ chức, cá nhân tham gia đấu thầu các nhiệm vụ nghiên cứu, thì UBND có nêu 6 bước để công khai, từ khâu tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa đến khâu kết thúc nghiệm thu đề tài... "Sự công khai này như thế nào và ở đâu? Từ tháng 7/2014 đến nay, UBND đã công khai được nhiệm vụ, đề tài nào để các nhà khoa học tham gia chưa?" - đại biểu Mai hỏi.
 
Trả lời câu hỏi này, ông Lê Xuân Rao khẳng định, việc đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ không nằm trong nhiệm vụ khoa học công nghệ mà đó chỉ là kết quả “tăng thêm”.
 
Đối với việc công khai tuyển chọn, ông Rao cho biết, có đăng trên báo Hà Nội mới và làm đầy đủ, tối đa theo yêu cầu.
 
Chúng tôi chỉ thổi còi, không đá bóng

Cũng liên quan đến vấn đề khoa học công nghệ, đại biểu Nguyễn Đình Dương nêu lên một thực tế là Sở Khoa học Công nghệ vừa là đơn vị quản lý nhà nước, đồng thời trực tiếp nhận kế hoạch nghiên cứu đề tài khoa học, lại cũng là đơn vị trực tiếp ký hợp đồng và cấp kinh phí thanh toán với chủ nhiệm các đề tài.

“Câu hỏi của tôi là cơ chế quản lý như vậy có phù hợp không? Có rơi vào tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi không? Trong báo cáo trả lời, Sở cho biết đang đầu tư mua sắm và lắp đặt thiết bị đèn LED, sở KHCN có chức năng đầu tư sản xuất không, liệu có rơi vào tình trạng như tàu hút bùn không và kinh phí từ nguồn nào?
 
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Xuân Rao cho biết, những vấn đề mà đại biểu Dương nêu là hoàn toàn phù hợp với quy định và “chúng tôi chỉ thổi còi chứ không có đá bóng” vì đã có quy chế chặt chẽ.
 
Với việc đầu tư cho trung tâm đèn LED, ông Rao cho rằng đây không chỉ hợp lý mà còn là một bước đột phá trong công tác đầu tư hạ tầng khoa học công nghệ. “Đây là công trình khoa học công nghệ trọng điểm nhưng chưa có trang thiết bị nên việc triển khai không phát huy được.” - ông Lê Xuân Rao nói.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc