"Rót" thêm 393 triệu Euro cho đường sắt đô thị Hà Nội

08:08, 07/12/2014
|

(VnMedia) - Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung 393 triệu Euro (trong đó vốn ODA cần bổ sung là 304,99 triệu Euro, vốn đối ứng cần bổ sung là 88,01 triệu Euro) cho Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.

>> Mỗi km đường sắt đô thị “ngốn” 100 triệu USD
>> Tối hậu thư cho nhà thầu đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội
>> Hà Nội thay nhà thầu chậm làm đường sắt đô thị

Về cơ chế tài chính trong nước, UBND thành phố Hà Nội vay lại 100% vốn ODA bổ sung trị giá 304,99 triệu Euro; Ngân sách thành phố Hà Nội tự thu xếp vốn đối ứng bổ sung cho Dự án.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước khẩn trương đàm phán các hiệp định vay vốn với các nhà tài trợ cho Dự án.

Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, thẩm định lại tổng mức đầu tư Dự án đảm bảo hiệu quả và hợp lý; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kế hoạch triển khai từng gói thầu trong thời gian tới, bao gồm kế hoạch giải phóng mặt bằng, trong đó nêu rõ các biện pháp cần thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan nhằm đảm bảo đúng tiến độ đã đề ra, tránh gây ra các chậm trễ mới cho Dự án.

Ảnh minh họa

Hầu hết các dự án đường sắt đô thị đều bị đội vốn và chậm tiến độ


Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh- Hà Đông thời gian triển khai ban đầu dự kiến (8/2008 đến 11/2013) có tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD, trong đó vay vốn ODA Trung Quốc 419 triệu USD.

Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế-cung cấp thiết bị-xây lắp, vận hành).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án trên đã vướng mắc về GPMB và sự phối hợp thực hiện, kinh nghiệm của Ban quản lý dự án và năng lực nhà thầu đã khiến dự án chậm trễ đã làm tuyến đường sắt “đội vốn” đầu tư.

Lý giải cho việc “đội” vốn, đại diện Cục Đường sắt VN đưa ra 3 nhóm nguyên nhân đẩy chi phí dự án tăng cao, gồm điều chỉnh, bổ sung phát sinh so với thiết kế cơ sở (thay đổi phương án nhà ga, thay vật liệu vỏ tàu…); biến động giá nguyên, vật liệu, tỷ giá quy đổi, chế độ chính sách và GPMB kéo dài…

Cụ thể, nhà ga từ 2 tầng được nâng lên 3 tầng để thêm phòng chức năng tại tầng 2, nhằm giảm thiểu khối lượng GPMB và để mỗi nhà ga có thêm cầu vượt cho người đi bộ. Việc điều chỉnh này giúp giảm được 43 triệu USD chi phí GPMB nhưng lại khiến tổng chi phí tăng 84 triệu USD (mức tăng do trượt giá và thay đổi quy mô).

Khu vực Depot tại quận Hà Đông có nền đất yếu ở độ sâu từ 2 m đến 3 m, song tư vấn lập dự án là TEDI đã không đề xuất phương án xử lý. Khi triển khai thiết kế kỹ thuật, tư vấn thiết kế đã kiến nghị phải xử lý để đảm bảo chất lượng công trình với chi phí là 13 triệu USD. Hoặc do các thay đổi biến động giá, chế độ, chính sách cũng như khối lượng đơn giá mà trong thiết kế cơ sở chưa tính chính xác nên cần bổ sung khoảng 95 triệu USD…

Dựa trên cơ sở rà soát tính toán của Cục Đường sắt và Tư vấn thẩm tra (TEDI), Bộ GTVT cũng đã có kiến nghị Chính phủ về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án điểu chỉnh vốn lên tới 891 triệu USD (tăng 70% so với tổng mức đầu tư được duyệt trước đó), đẩy chi phí bình quân đầu tư 1 km đường sắt đô thị của tuyến Cát Linh-Hà Đông lên 68,5 triệu USD.

Không chỉ riêng đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội mà hầu hết các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều bị chậm tiến độ và đội vốn. Bộ GTVT đã phải kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục giám sát để tránh xảy ra thất thoát, tiêu cực, lãng phí, tham nhũng trong quá trình thực hiện dự án. Đồng thời, Bộ GTVT cũng đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm liên quan đến việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, lập quy hoạch chi tiết các dự án ĐSĐT trong quy hoạch xây dựng chung để xác định chỉ giới quy hoạch và các công trình kiến trúc, nâng cao tính cạnh tranh trong lựa chọn nhà thầu khi thương thảo, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực.


Mỹ Hạnh

Ý kiến bạn đọc