Quấy rối tình dục trên xe buýt: Cùng lắm là từ chối phục vụ!

19:44, 15/12/2014
|

(VnMedia) Trao đổi với VnMedia, đại diện Transerco cho biết, việc quấy rối tình dục trên xe buýt, nếu hành khách phản ánh thì trong quy trình làm việc, Transerco có trách nhiệm can thiệp, nhắc nhở. Nếu hành khách còn có vấn đề "nọ kia" thì có quyền từ chối phục vụ…

>> Tổ chức quốc tế lên tiếng về quấy rối trên xe buýt
>>
"Chỉ 5 khách phản ánh bị quấy rối tình dục trên xe buýt"                
>>
Nhiều nữ sinh bị quấy rối tình dục khi đi xe buýt                 
>>
Hà Nội phát miễn phí 200.000 vé xe buýt "thông minh"                        
 
Như VnMedia đã đưa tin, theo số liệu cập nhật trong 8 tháng gần đây (từ 1/4 cho đến 31/11/2014) đường dây nóng của Transerco nhận được 43.012 cuộc gọi phản ánh của khách hàng; trong đó: Tư vấn dịch vụ xe buýt chiếm 89%, phản ánh chất lượng dịch vụ 3%, khen ngợi 1%, góp ý chất lượng dịch vụ 5%, thông tin khác 2%...
 
Đáng chú ý, trong các cuộc gọi trên, số vụ khách hàng phản ánh liên quan đến quấy rối tình dục là 5 vụ, chiếm tỷ trọng 0,4% trong số vụ phản ánh về chất lượng dịch vụ và chiếm tỷ trọng bằng 0,01% trong tổng cuộc gọi khách hàng gọi đến đường dây nóng của Hanoibus. Như vậy, cứ 10.000 lượt khách hàng phản ánh thì mới có 1 lượt khách phản ánh về tình trạng liên quan đến quấy rối tình dục.
 
Trao đổi với VnMedia về việc đảm bảo an toàn cho hành khách khi đi xe buýt, ông Nguyễn Việt Triều, Phó tổng Giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, mục tiêu của Transerco trong những năm gần đây là nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, phục vụ nhiệm vụ vận tải của thành phố, văn minh đô thị. Để đạt được mục tiêu này, Transerco phải tạo dựng được môi trường tốt nhất cho hành khách.
 
Theo ông Triều, thời gian qua, sau khi tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: đào tạo, tuyên truyền vận động, kiểm tra xử lý, động viên khen thưởng… thì chất lượng dịch vụ của lái, phụ xe buýt đã có chuyển biến. Tất nhiên vẫn còn những trường hợp cá biệt, do áp lực công việc, do tính chất đặc thù nghề nghiệp, có khi do áp lực xe đông, nhân viên nhắc một hai lần hành khách không thực hiện, nhắc đến lần thứ ba sẽ gay gắt hơn và sẽ bị phản ảnh về thái độ phục vụ.
 
Tuy nhiên, từ khi Transerco kiện toàn hệ thống xe buýt chuẩn từ năm 2012 đến nay, qua đánh giá của hành khách đi xe và qua kiểm tra, kiểm soát của lực lượng thanh tra chất lượng dịch vụ đã ngày càng tốt lên.

Ảnh minh họa

  Ông Nguyễn Việt Triều, Phó tổng Giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội trao đổi với VnMedia. Ảnh: Tùng Nguyễn


“Phải nhìn nhận rằng, môi trường trên xe buýt là phức tạp, giống như một xã hội thu nhỏ. Đặc biệt, vào giờ cao điểm tình trạng quá tải rất kinh khủng nên nó vô tình chung tạo thành một địa bàn cho kẻ xấu lợi dụng móc túi, thậm chí quấy rối tình dục, quảng cáo, dán tờ rơi…”, ông Phó tổng Giám đốc thẳng thắn.
 
Theo ông Phó tổng Giám đốc Transerco, trong 3 năm gần đây, Transerco đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội ra kế hoạch 142, phối hợp các lực lượng tập trung giải quyết các điểm nóng ở các địa bàn điểm trung chuyển, điểm dừng đỗ đông. Do làm liên tục cho nên việc trộm cắp trên xe buýt hiện nay chỉ còn rất ít.
 
Thiếu chế tài nên chỉ có thể nhắc nhở


Ông Trần Việt Triều cho rằng, hiện nay do thiếu chế tài, cơ chế vận hành, xử lý hành khách đi xe… cho nên những vấn nạn trên xe buýt hầu như chưa được xử lý triệt để.
 
Theo ông, từ ngày có Hà Nội là có vận tải hành khách công cộng, đến nay, Thủ đô vẫn chưa có các chế tài chung quanh việc vận tải hành khách công cộng, trong khi đó thế giới thì đã có đầy đủ.
 
Để dẫn chứng, ông Phó tổng Giám đốc Transerco đưa ra ví dụ, với hành khách lên xe mà không mua vé thì nhân viên bán vé sẽ bị xử lý. Hành khách xử dụng vé tháng không hợp lệ, bản chất là gian lận cũng chỉ xử lý trách nhiệm của nhân viên bán vé do không làm hết trách nhiệm. Còn chế tài xử lý hành khách thì hoàn toàn không có.
 
“Với khách đi xe, do trên xe buýt là môi trường công cộng cho nên chỉ có biện pháp duy nhất là nhắc nhở. Tuy nhiên, nếu nhắc nhở người ta không nghe thì tùy theo năng lực của đồng chí lái, phụ xe. Nếu khéo léo thì khuyên giải, nhắc nhở hành khách để khách chấp hành”, ông Triều cho biết.
 
Đề cập đến tình trạng quấy rối tình dục trên xe buýt, ông Phó tổng Giám đốc cho rằng, trong trường hợp nếu hành khách phản ánh thì trong quy trình làm việc, Transerco có trách nhiệm can thiệp, nhắc nhở người bị tố cáo có hanh vi quấy rối. Nếu hành khách đó còn có vấn đề "nọ kia" thì có thể bị từ chối phục vụ.
 
“Những hiện tượng như vậy là vấn đề của xã hội. Việc này phải do bản thân hành khách, nếu ở đâu gặp hành khách đấu tranh gay gắt thì tật xấu giảm”, ông Triều khuyên hành khách đi xe.
 
Ngày 28/11 vừa qua, tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển đã công bố kết quả khảo sát, thu thập ý kiến của 2.046 người từ 16 tuổi trở lên tại các địa bàn ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh về thái độ và trải nghiệm cá nhân trong vấn đề quấy rối tình dục nơi công cộng.

Kết quả công bố cho thấy, 87% phụ nữ và trẻ em gái đã từng bị quấy rối tình dục với các hành vi thường thấy như: huýt sáo, trêu ghẹo, bình phẩm về hình thức bề ngoài, nhìn chằm chằm, sờ mó vào bộ phận nhạy cảm trên cơ thể.

Theo đánh giá của 57% phụ nữ và trẻ em gái thì đường phố được coi là nơi có nguy cơ xảy ra các vụ quấy rối tình dục cao nhất, ở nơi công cộng chỉ có 13% em gái cảm thấy an toàn. Đáng chú ý là có tới 31% nữ giới cho biết đã từng bị quấy rối tình dục khi đi trên xe buýt.

Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc