“Không có gian dối khi thi công đường 5 kéo dài”

10:57, 19/12/2014
|

(VnMedia) - Trước thông tin cầu Ngũ Huyện Khê trên tuyến đường 5 kéo dài vừa thông xe đã bị trơ lõi thép, đại diện Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn khẳng định, việc thi công khe co giãn cầu không có bất kỳ sự gian dối nào, không có việc chạy theo tiến độ ảnh hưởng chất lượng…

>>
Hà Nội chuẩn bị thông xe 2 dự án giao thông lớn                
>>
Hà Nội thông xe cầu mái vòm rộng nhất nước                
>>
9/10: Hà Nội thông xe cầu mái vòm đầu tiên                

Dự án đường 5 kéo dài do Ban Quản lý dự án Tả Ngạn (thành phố Hà Nội) làm chủ đầu tư đã được thông xe cách nay hơn 2 tháng. Tuy nhiên, tại vị trí cầu Ngũ Huyện Khê, một hạng mục nhỏ trong dự án đường 5 kéo dài và cầu Đông Trù, có chiều dài khoảng 40m, rộng ngang 58m, vốn đầu tư xây dựng khoảng 40 tỷ đồng đã bị trơ lõi thép giữa hai khe co giãn đầu cầu.

Cây cầu này thuộc gói thầu số 11 do Tổng công ty 319 (Bộ Quốc Phòng) thi công, Viện Khoa học kỹ thuật (Bộ Giao thông Vận tải) làm tư vấn giám sát.

Theo ghi nhận của phóng viên, lớp nhựa đường bên trên bị bong bật, phía dưới lộ ra lõi được làm bằng ván ép, bao tải cát và khe rộng khoảng 5cm.

Không có việc chạy tiến độ ảnh hưởng đến chất lượng công trình

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Duân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn khẳng định, việc thi công khe co giãn cầu Ngũ Huyện Khê không có bất kỳ sự gian dối nào, không có việc chạy theo tiến độ làm ảnh hưởng chất lượng.

Theo ông Phó Giám đốc, trước khi tổ chức thông xe kỹ thuật vào ngày 9/10 vừa qua chào mừng 60 năm Giải phóng Thủ đô, Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngản đã báo cáo UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng một số hạng mục chưa hoàn thành nhưng sẽ có một số giải pháp để bảo đảm yêu cầu của việc thông xe kỹ thuật. Công trình sẽ vừa khai thác, vừa thi công hoàn thiện.

“Phương án thi công cũng như giải pháp thi công đã được các bên phê duyệt. Nhà thầu thi công đã làm đúng quy trình được phê duyệt,” vị đại diện phía chủ đầu tư nói.

  Ảnh minh họa

Mặt cầu Ngũ Huyện Khê trơ ván ép và lõi sắt khi vừa thông xe.

Theo ông, đối với việc thi công khe co giãn có 2 phương pháp, thứ nhất sẽ lắp khe co giãn trước rồi mới thảm bê tông asphalt. Thứ hai là thảm bê tông asphalt trước rồi mới lắp đặt khe co giãn. Đặc biệt, cách thứ hai này được chấp thuận vì sẽ bảo đảm giao thông êm thuận và phục vụ được yêu cầu thông xe ngay. Đây cũng là phương pháp và quy trình thi công theo áp dụng hoàn toàn theo tiêu chuẩn mới nhất hiện nay, đã và đang được áp dụng rộng rãi tại các công trình lớn khác.

Theo phương án này, tấm gỗ ép lót sẽ được đặt tại vị trí khe co giãn giữa dầm cầu và mố cầu với khoảng rộng khoảng 5 cm. Khi nhà thầu thi công thảm nhựa qua vị trí này cần phải lót tấm gỗ ép như vậy để che phần hở rồi mới thảm nhựa lên.

Ông Duân cho biết, theo đúng quy trình, sau khi thảm nhựa xong, đơn vị thi công sẽ tiến hành cắt, đào bỏ phần bê tông và gỗ lót tại vị trí khe co giãn, vệ sinh và đổ bê tông mác 480, phủ lớp vữa không co ngót sau đó mới tiến hành lắp đặt tấm co giãn bằng thép hở dạng răng cưa, có mặt rộng khoảng 50 cm và tiếp tục đổ vữa không co ngót chèn vào khe co giãn.

“Phần bê tông nhựa bị cắt bỏ này mặc dù không được thanh toán nhưng Ban Quản lý dự án vẫn yêu cầu nhà thầu thực hiện nhằm đảm bảo về kỹ thuật cũng như chất lượng của công trình. Đây là quy trình hoàn toàn bình thường, không có hiện tượng khe co giãn bị hỏng, gây bong tróc mặt thảm.” ông Duân cho biết.

Giải thích việc thi công khe co giãn phải bị chậm, lãnh đạo Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn cho rằng, toàn bộ phần bu lông, ốc vít tấm co giãn sản xuất trong nước không đạt tiêu chuẩn, nhà thầu thi công buộc phải nhập khẩu từ nước ngoài nên thời gian thi công có bị chậm so với tiến độ 3-4 tuần.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngản, dự kiến ngày 22/12, quá trình lắp đặt khe co giãn trên hai cầu Ngũ Huyện Khê và Phương Trạch sẽ hoàn thiện tất cả các hạng mục thuộc dự án. Trong suốt quá trình thi công luôn được đơn vị tư vấn giám sát kiểm tra chặt chẽ.

"Sau khi lắp đặt xong, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sẽ kiểm tra, nghiệm thu, nếu đạt hết các yêu cầu mới được đưa vào thông xe toàn bộ dự án đường 5 kéo dài vào ngày 31/12 tới đây", ông Duân cho biết.

Dự án đường 5 kéo dài được khởi công từ năm 2005 với số vốn đầu tư ban đầu là 3.532 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2013, vốn điều chỉnh toàn dự án lên tới 6.661 tỷ đồng.

Tuyến đường dài 13,3 km bắt đầu từ khu đô thị Bắc Thăng Long-Vân Trì, chạy dọc theo các xã Kim Nỗ, Vĩnh Ngọc và Xuân Canh (huyện Đông Anh), giao với Quốc lộ 3 sau đó vượt qua sông Đuống và kéo dài tới cầu Chui (quận Long Biên).

Tuyến đường có mặt cắt ngang nền đường từ 65m tới 68,5m, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị cấp I, tốc độ 80 km/giờ.

Đây là một trong 37 dự án giao thông trọng điểm của thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015. Sau khi được thông xe, đường 5 kéo dài sẽ góp phần hoàn thiện đường vành đai 2 phía bắc Hà Nội, thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị như Bắc Thăng Long-Vân Trì, Đông Anh-Cổ Loa, Gia Lâm-Sài Đồng.

Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc