(VnMedia) - Mặc dù định hướng của Hà Nội là sẽ dành những phần đất sau khi di dời các nhà máy xí nghiệp ra khỏi nội thành sẽ ưu tiên làm trường học và không gian công cộng, nhưng trên thực tế lại không được như vậy.
Sau 1 năm triển khai Luật Thủ đô (1/7/2013), một số cơ chế chính sách đặc thù của Thành phố bước đầu đã đạt được kết quả, giúp cho Thành phố chủ động hơn trong ưu tiên thu hút các nguồn lực để phát huy. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng cho thấy còn nhiều bất cập.
Theo Phó Chủ tịch UBND Lê Hồng Sơn, hiện Hà Nội còn 2 văn bản thuộc thẩm quyền của cơ quan Trung ương và 1 Nghị quyết của HĐND Thành phố vẫn chưa được ban hành. Ngoài ra, Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND Thành phố đang chờ Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai.
Đặc biệt, trong lĩnh vực đất đai, theo ông Sơn, hiện nay có nhiều trụ sở của các bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn đang thực hiện sắp xếp, di dời theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn, các diện tích đất sau khi di dời vừa qua phần lớn được đầu tư các công trình nhà ở, trung tâm thương mại, do đó ản hưởng rất lớn đến quy hoạch chung Thủ đô. Ngoài ra, nguồn tiền sử dụng đất các dự án này được dùng để đầu tư trở lại cho các bộ, ngành là chưa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Điều 15 Luật Thủ đô.
Để khắc phục việc này, theo ông Sơn, Hà Nội sẽ tiếp tục tiến hành việc rà soát đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, một số bệnh viện, cơ sở giáo dục đai học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong khu vực các quận nội thành để sẵn sàng cho việc di dời các cơ sở này ra ngoại thành sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định về biện pháp và lộ trình di dời.
Đồng thời với việc di dời nói trên, Thành phố sẽ có kế hoạch quản lý và sử dụng hiệu quả diện tích thu hồi theo hướng thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, đúng quy định tại Điều 15 Luật Thủ đô.
Để đảm bảo tính đồng bộ trong việc triển khai thi hành Luật Thủ đô, UBND Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành được giao chủ trì xây dựng các văn bản hoàn thiện trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.
Ngoài ra, đối với một số hành vi gây bức xúc dư luận trên địa bàn Thủ đô như treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng; quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự đô thị, rất cần được xử phạt nặng hơn nhưng không thuộc nhóm “hoạt động xây dựng” nên hiện không thể nâng mức phạt tiền theo Khoản 2 Điều 20 Luật Thủ đô.
Do vậy, UBND Thành phố Hà Nội cho rằng cần nghiên cứu việc bổ sung Khoản 2 Điều 20 Luật Thủ đô về lĩnh vực quảng cáo, xây dựng… nhằm giải quyết những bức xúc nói trên.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc