Hà Nội muốn nghiêm cấm việc đu dây vượt sông

12:40, 23/12/2014
|

(VnMedia) - Trước tình trạng tại một số xã của thành phố người dân phải đu dây qua sông, lãnh đạo UBND Hà Nội vừa yêu cầu Sở Giao thông xử lý việc vượt sông bằng dây treo, kiên quyết cấm lưu thông nếu nguy cơ mất an toàn...

>>
Cô giáo chui túi nilông... vượt suối: Bộ Giáo dục lên tiếng                
>>
Tuần của những hình ảnh đau lòng và trắc ẩn!                
>>Cô giáo liều mình chui vào túi nilông... vượt suối                

Những kiểu vượt sông nguy hiểm giữa lòng Hà Nội

Thời gian gần đây, báo chí liên tục phản ánh những hình ảnh "không đẹp mắt" về việc người dân sống ngay trên địa bàn Thủ đô phải đu dây vượt sông hết sức nguy hiểm.

Chuyện tưởng chừng như là “chuyện lạ” với nhiều người dân Thủ đô nhưng lại là sự thật 100% đang diễn ra hàng ngày ở xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội - nơi có con sông Nhuệ ô nhiễm bốc mùi hôi thối nồng nặc chảy qua.

Không có cầu, mỗi khi muốn qua sông, người dân xã Mỹ Hưng phải đi trên chiếc thuyền nhỏ, cũ nát, vá chằng vá chịt. Để “lái thuyền”, một người phụ nữ bám theo sợi dây thừng to hơn ngón tay chăng ngang con sông. Đã rất nhiều năm nay, hàng nghìn lượt người, xe vẫn vượt sông bằng cái cách nghe qua như thể chỉ còn tồn tại ở vùng quê nghèo xa xôi nào đó. 
 
Theo một số người dân, thực tế trên địa bàn xã này cũng có một con đường khác để qua sông, nhưng phải đi đường vòng, xa chừng hơn 20km. Trong khi nếu đi thuyền chỉ mất 5km. Chính vì vậy, phương án vượt sông bằng con đò cũ nát đu dây kia đối với nhiều người dân xã Mỹ Hưng vẫn là phương án tối ưu.

  Ảnh minh họa

  Người dân Thủ đô đu dây chèo thuyền qua sông. Ảnh: Dân trí

Không chỉ xuất hiện ở huyện Thanh Oai, ở làng Ngọc Liễu (Nghiêm Xuyên, Thường Tín, Hà Nội) người dân cũng đang phải đu dây qua sông.

Tại ngôi làng trên, trên chiếc thuyền nhỏ, cũ nát, "người lái" dùng một sợi dây nối hai bên bờ sông Nhuệ để kéo từ bên bờ này sang bờ bên kia.

Tuy nhiên, khi đề cập đến tình trạng trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, ông Nguyễn Huy Đức cho rằng, cách qua sông theo kiểu “đu dây” của người dân là do... thuận tiện. Bởi từ bên này sang bên kia sông bằng đường cầu, phà có khi xa đến hàng chục cây số. Trong khi đó, dùng thuyền kéo dây qua sông gần hơn rất nhiều.

“Huyện có cảnh báo nguy hiểm nhưng bà con vẫn cố tình đi. Chúng tôi không thể ngăn cản được, vì đâu phải phải lúc nào cũng có người đứng đó giữ người ta lại”, ông Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín nói.

Theo vị lãnh đạo huyện này cho biết, huyện có chủ trương xây cầu, nhưng do “yếu tố kinh phí” nên chưa triển khai được. Dự kiến trong năm 2014 này, sẽ triển khai xây dựng cầu qua sông.

Sẽ cấm người dân đu dây qua sông?

Trước tình trạng trên, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải kiểm tra, rà soát, thống kê, xử lý việc vượt sông bằng dây treo, cầu tạm.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu, Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải trên địa bàn toàn thành phố; thường xuyên kiểm tra, rà soát, thống kê, xử lý việc vượt sông bằng dây treo, cầu tạm do người dân tự phát xây dựng trên địa bàn không đảm bảo kỹ thuật và an toàn giao thông, kiên quyết cấm lưu thông nếu nguy cơ mất an toàn, gây thiệt hại tới tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân.


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc