(VnMedia) - Vài năm trở lại đây, Hà Nội đã nỗ lực giải quyết “vấn nạn” nhà siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến phố nhưng tiến độ rất chậm. Không bằng lòng với việc này, nhiều cử tri đã chất vấn lãnh đạo TP Hà Nội.
>> Phó Giám đốc Sở “than” khó xử lý nhà siêu mỏng
>> Hà Nội nói gì về nhà "dị kỳ" ở đoạn đường 2 tỷ/m2?
>> Hà Nội khó “trảm” nhà siêu mỏng do đất… “vàng”?
Từ năm 2011 đến nay, Hà Nội đã nỗ lực bắt tay vào giải quyết “vấn nạn” nhà siêu mỏng, siêu méo mọc ra nhan nhản trên mặt tiền các tuyến phố của Thủ đô, làm mất mỹ quan đô thị. Mặc dù Thành phố đã nhiều lần ra hạn chót cho các quận, huyện để thực hiện “trảm” xong nhà siêu mỏng, siêu méo nhưng đến nay công việc này vẫn chưa thể hoàn thành.
Bức xúc trước những chậm trễ trên, tại Kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đang diễn ra, nhiều cử tri đã chất vấn lãnh đạo Thành phố Hà Nội về công tác chỉ đạo xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn hiệu quả chưa cao. Hiện nay, tại một số khu vực (như khu vực ngã tư Ô Chợ Dừa, phố Hoàng cầu…) lại phát sinh thêm nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo. Đề nghị Thành phố tiếp tục chỉ đạo giải quyết triệt để tình trạng này.
Trả lời chất vấn trên, đại diện lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, khi thực hiện các dự án mở đường theo quy hoạch, nhà nước thực hiện thu hồi đất giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án theo chỉ giới đường đỏ.
Như vậy, khi giải phóng mặt bằng sẽ cắt qua các công trình, thửa đất hiện có, và đương nhiên hình thành các công trình, các thửa đất còn lại nằm ngoài chỉ giới mở đường có hình dạng bất hợp lý, không được thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng và hình thành các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo".
"Đặc biệt là các tuyến đường đi qua các khu vực nội đô mật độ công trình dày đặc (như tuyến Vành đai I đoạn Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu) cho nên việc xuất hiện các trường hợp nhà, đất có hình dạng, kích nêu trên, không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng là điều tất yếu không thể tránh khỏi", đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết.
Ngôi nhà 4 mặt tiền trên tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu. Ảnh: Tuệ Khanh |
Không để phát sinh thêm nhà siêu mỏng, siêu méo
Đề cập đến giải pháp để khắc phục tình trạng phát sinh các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo" trên các tuyến đường mới mở trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, UBND Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các quận, huyện thị xã áp dụng các biện pháp không để tình trạng phát sinh các công trình siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến đường mới mở bằng cách, khi lập quy hoạch cần nghiên cứu kỹ hiện trạng, đề xuất giải pháp quy hoạch chỉ giới để tránh các trường hợp sau khi thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) xuất hiện nhà, đất siêu mỏng, siêu méo. Trong trường hợp cần thiết, mở rộng phạm vi nghiên cứu để đảm bảo khi GPMB không xuất hiện nhà, đất siêu mỏng, siêu méo.
Đối với các trường hợp đã có quy hoạch nhưng đang triển khai lập dự án đầu tư xây dựng, đề nghị chủ đầu tư phải khẩn trương rà soát, điều chỉnh phạm vi, ranh giới nghiên cứu dự án để thu hồi đất không đủ điều kiện xây dựng trong quá trình thực hiện dự án.
Đối với các dự án công trình đã được phê duyệt đầu tư xây dựng, đang triển khai giải phóng mặt bằng hoặc tổ chức thực hiện dự án, Thành phố đề nghị các chủ đầu tư, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát, nếu phát hiện có xuất hiện đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng thì kiên quyết xử lý theo Quy định xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc theo các tuyến đường giao thông và nguyên tắc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới trên địa bàn thành phố Hà Nội để xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng.
Riêng các trường hợp siêu mỏng, siêu méo đã xuất hiện (192 trường hợp cũ, các trường hợp mới phát sinh ở đường Vành đai I, II): UBND các quận, huyện, thị xã có các giải pháp khả thi và kế hoạch cụ thể cho từng tuyến đường, tuyến phố, từng trường hợp cụ thể để xử lý kiên quyết, dứt điểm nhà siêu mỏng, siêu méo hiện đang tồn tại, theo nguyên tắc: Vận động, khuyến khích các chủ hộ có diện tích đất hoặc đã xây dựng công trình siêu mỏng, siêu méo tự thỏa thuận, hợp khối với chủ liền kề, để xây dựng khai thác, sử dụng công trình, đảm bảo đáp ứng được quy định chung về xây dựng.
Tại những nơi không đủ điều kiện xây dựng, không tổ chức được việc hợp khối, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án thu hồi đất của công trình siêu mỏng, siêu méo để chỉnh trang đô thị.
Đối với những diện tích đất có kích thước hình học không hợp lý, UBND các quận, huyện, thị xã, các sở có xây dựng chuyên ngành có trách nhiệm hướng dẫn chủ đầu tư xây dựng công trình cho phù hợp với kiến trúc, cảnh quan chung của khu vực để đảm bảo quyền lợi chính đáng của chủ sở hữu đất.
Theo UBND thành phố Hà Nội, ngày 9/9 vừa qua, Sở Xây dựng đã chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Sở Tài nguyên & Môi trường tổ chức họp với UBND các quận, huyện, thị xã kiểm điểm tiến độ và đề ra các biện pháp xử lý dứt điểm nhà "siêu mỏng, siêu méo" trên địa bàn Thành phố; các biện pháp quản lý trật tự xây dựng, quản lý quy hoạch kiến trúc 2 bến tuyến đường mới mở để ngăn chặn không phát sinh thêm nhà "siêu mỏng, siêu méo".
Tại cuộc họp trên, các đơn vị đã thống nhất đề nghị các quận, huyện rút kinh nghiệm và học tập công tác quản lý quy hoạch và cấp phép xây dựng của quận Thanh Xuân và quận Cầu Giấy và chủ động tích cực áp dụng các biện pháp hữu hiệu: Ban hành quy định tạm thời về cấp phép xây dựng và quản lý quy hoạch kiến trúc đối với các công trình xây dựng tại 2 bên tuyến đường mới mở....để hạn chế tình trạng nhà siêu mỏng siêu, siêu méo.
Ý kiến bạn đọc