(VnMedia) - Kỳ thi THPT quốc gia sẽ sử dụng điểm trung bình học tập lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Vì vậy, nhiều người lo ngại sẽ có hiện tượng “chạy điểm” lớp 12 để thí sinh có lợi thế hơn trong kỳ thi.
>> Bao nhiêu điểm sẽ đỗ tốt nghiệp THPT 2015?
>> Sẽ áp dụng thang điểm 20 cho kỳ thi quốc gia
>> Không phải quá lo lắng về đề thi THPT quốc gia
|
Ảnh minh họa |
"Bộ Giáo dục và Đào tạo có cách kiểm soát nào để việc đánh giá kết quả học tập của học sinh là công bằng và tin cậy được ở các lớp, các trường, các địa phương khác nhau?" là câu hỏi được nhiều người đặt ra.
Theo PGS. TS. Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT, việc đánh giá kết quả học tập trong quá trình học của học sinh đã được quy định cụ thể trong hướng dẫn năm học. Ở đó, đội ngũ nhà giáo phải có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, đánh giá đảm bảo tin cậy khách quan hướng tới thực dạy, thực học, tạo điều kiện để duy trì và phát triển bền vững chất lượng giáo dục.
Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tăng cường để điều chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm trong quá trình dạy và học. Về lâu dài phải phát huy tính tự giác, vai trò trách nhiệm của cả đội ngũ nhà giáo và học sinh. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục là phải xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện được điều đó.
Với các giải pháp đồng bộ nói trên sẽ khắc phục được những băn khoăn mà nhiều người nêu ở trên, sẽ không có chuyện “chạy điểm” và việc đánh giá kết quả học tập của học sinh sẽ đảm bảo độ tin cậy ở các trường, các địa phương.
Qua thực tế, các Sở GD&ĐT đã chủ động có nhiều giải pháp quản lý công tác kiểm tra đánh giá học sinh. Do vậy, việc sử dụng kết quả học tập lớp 12 vào xét công nhận tốt nghiệp THPT đã được các nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội tin tưởng ghi nhận, do đó sẽ được tiếp tục thực hiện trong kì thi THPT quốc gia năm 2015.
PGS. TS. Mai Văn Trinh cũng cho biết, việc sử dụng phối hợp kết quả các môn thi với điểm trung bình học tập lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp THPT là một trong những biện pháp hướng đến tạo động lực để học sinh khắc phục tình trạng học lệch. Để tốt nghiệp THPT, trước hết các em phải cố gắng học đều tất cả các môn học trong chương trình nhằm đáp ứng yêu cầu tối thiểu đối với môn học theo quy định.
Điều này cũng góp phần dần xóa bỏ quan niệm môn chính, môn phụ trong nhà trường, đồng thời phát huy vai trò của các giáo viên bộ môn. Trên cơ sở đáp ứng yêu cầu cơ bản với tất cả các môn học, các em tập trung thêm vào các môn học phù hợp với năng lực, sở trường của mình để phục vụ tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Ý kiến bạn đọc