(VnMedia) - Cả 3 ý tưởng Quy hoạch và Thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm từng được đạt giải thưởng đều vẽ khu đất số 2 Lê Thánh Tông là khu đất trống và người trao giải cho 2 trong 3 thiết kế này là Chủ tịch Thành phố Nguyễn Thế Thảo…
>> Bộ Văn hóa có quyền thẩm định kiến trúc quanh Hồ Gươm?
>> "Không gian trống quanh Hồ Gươm quá ít ỏi"
>> Trung tâm Văn hóa Hồ Gươm: Không xứng tầm
Những ngày gần đây, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra khi UBND quận Hoàn Kiếm công bố quyết định sẽ xây dựng một tòa nhà 3 tầng vào khu đất số 2 phố Lê Thái Tổ, gọi là Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm.
Rất nhiều trong số ý kiến của các chuyên gia về quy hoạch kiến trúc và người dân đã tỏ thái độ không đồng tình, cho rằng việc xây dựng sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực, làm tăng mật độ sử dụng đất và giảm diện tích không gian công cộng vốn vô cùng quý báu đối với khu vực này.
Ngược lại, UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định khu đất không nằm trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích, không vi phạm Luật. Đặc biệt, cho ý kiến về vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch còn khẳng định giá trị của công trình này với những từ ngữ nghe đầy hấp dẫn như: “sẽ phát huy giá trị di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ cũng như khu phố cổ Hà Nội; không ảnh hưởng xấu tới cảnh quan chung, phù hợp với kiến trúc chung của khu vực, góp phần hoàn thiện không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh hồ Hoàn Kiếm…”
Trước thực tế đó, để rộng đường dư luận, VnMedia xin được giới thiệu tới bạn đọc 3 bản đồ án quy hoạch, kiến trúc không gian khu vực Hồ Gươm đã từng được trao giải. Đây là những đồ án đã được giới chuyên môn đánh giá rất cao. Cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận” do UBND thành phố Hà Nội và Hội kiến Trúc sư Việt Nam tổ chức, phát động từ tháng 6/2008.
Cuối năm 2009, kết quả được công bố. Cuộc thi không có giải nhất, hai giải nhì được trao cho phương án của nhóm KTS Nhật Bản đến từ Cty Nikken Sekkei Civil Engineering và nhóm KTS của Cty 1+1>2
Theo phương án của Nhóm KTS Nhật Bản, tuyến đường quanh hồ ưu tiên cho người đi bộ, cải tạo Tràng Tiền trở thành tuyến phố biểu tượng số một của Hà Nội. Đồ án này tập trung thể hiện khu quy hoạch ở vùng giao thoa giữa hai khu: khu phố cổ và khu phố xây theo phong cách Pháp được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX.
|
Đồ án của của nhóm KTS Nhật Bản đến từ Cty Nikken Sekkei Civil Engineering thể hiện vườn cây tại vị trí số 2 phố Lê Thái Tổ |
Đồng giải nhì thuộc nhóm tác giả Công ty 1+1>2 đề xuất ý tưởng tổng thể khu vực Hồ Gươm như một công viên văn hóa - lịch sử trung tâm. Ba giải pháp được đồ án đưa ra gồm: Chuyển đổi và tăng cường chức năng văn hóa - lịch sử cho khu vực; Giải tỏa áp lực giao thông xung quanh Bờ Hồ và, thiết lập mạng đường đi bộ, tổ chức giao thông lễ hội, phát triển giao thông công cộng, khu vực đỗ xe ngầm, tàu điện ngầm; Tạo bước đột phá, kiến tạo chuỗi không gian mở liên hoàn đủ tầm phục vụ những sinh hoạt văn hóa lớn, đa dạng.
|
Đồ án của của nhóm KTS 1+1>2 thể hiện khoảng trống, vẽ nơi đỗ xe tại số 2 phố Lê Thái Tổ |
Trước đó, đồ án có tên "Hồ Guơm - Hà Nội: Không gian và ý tưởng kiến trúc" của KTS Lê Thị Kim Dung đã đoạt giải thưởng Quốc tế tại cuộc thi có chủ đề "Kiến Trúc - Con người 2000". Cuộc tranh tài của 250 tác phẩm đến từ 55 quốc gia do Viện Hàn lâm Kiến trúc Quốc tế tổ chức năm 1994.
Hình ảnh ấn tượng của Đồ án là bàn tay gớm ghiếc, ngón tay tham lam vươn ra thèm muốn vừa thu tóm lấy không gian, vừa muốn bóp nghẹt những giá trị văn hóa lịch sử của Hồ Guơm. Để giải quyết vấn đề, Đồ án của KTS Lê Thị Kim Dung đưa ra những kế hoạch mở rộng lối đi ven hồ, khai thông các không gian nối các quảng trường nằm cách Hồ Gươm vài dãy phố thành một quẩn thể trong sáng, rộng mở....
Theo ý kiến của các chuyên gia, đề xuất của đồ án có tính hiện thực rất cao, chỉ cần cải hoá những không gian có nguy có lấn át Hồ Gươm nhất trở đã thành những không gian có giá trị: đó chính là khai thông những khoảng xanh rộng rãi để khai thông ra cái nhộn nhịp của lối xưa, và những cổng phố đây đó thay cho tiếng mời gọi của phố phường.
|
Đồ án của của KTS Lê Thị Kim Dung, xác định vị trí quan sát cảnh quan tại số 2 phố Lê Thánh Tông và ưu tiên dành cho khoảng trống công cộng |
Có thể dễ dàng nhận thấy, dù cả 3 phương án quy hoạch Hồ Gươm được giải thưởng trong nước và quốc tế có những đề xuất khác nhau, nhưng đều có chung một điểm: tăng cường không gian xanh thoáng đãng, giảm khối tích xây dựng nặng nề ken chặt Hồ Gươm.
Đặc biệt, trao đổi với VnMedia, một KTS thuộc Hội KTS Việt Nam cho biết, sau nhiều năm, bây giờ xem xét lại, ông phát hiện ra một điều hết sức thú vị, đó là cả 3 phương án đoạt giải đều xác định vị trí số 2 phố Lê Thánh Tông là không xây dựng bất cứ một công trình nào mà để chỉ khoảng trống hoặc trồng cây.
“Điều đó cho thấy tính nhất quán về kỹ thuật đô thị hay nghệ thuật quy hoạch kiến trúc - quy hoạch và hơn nữa là tâm nguyện của những người con của Hà Nội và cả bạn bè quốc tế đã nói thay những ước muốn của những người dân cả nước, quý Hồ Gươm, yêu Hà Nội và có chung một lời nguyện: không xây dựng tại vị trí này” - vị KTS xúc động nói.
Cũng cần phải nhắc lại, tại cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận” thì Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo là Chủ tịch Hội đồng; Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN Nguyễn Tấn Vạn - Phó Chủ tịch Hội đồng; nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội Trần Trọng Hanh - Ủy viên; Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN Nguyễn Thúc Hoàng - Ủy viên; nguyên Viện trưởng Viện thiết kế Hà Nội Lê Văn Lân - Ủy viên... Đây đều là những người vừa có tâm, vừa có đủ tầm trong vấn đề quy hoạch, kiến trúc của Thủ đô nói chung và khu vực Hồ Gươm nói riêng.
Ý kiến bạn đọc