(VnMedia) - Sau vụ bắt giữ 4,4 tấn rùa biển, vừa có thêm một nhà kho rùa biển tươi ngâm hóa chất với số lượng lên tới vài trăm con được phát hiện. Tuy nhiên, chủ nhân của số rùa này vẫn nằm ngoài vòng pháp luật…
Sau vụ triệt phá ba nhà kho của ông trùm đường dây tàn sát rùa biển lớn nhất Việt Nam ngày 19/11/2014 với gần 4,4 tấn rùa biển tang vật bị thu giữ, hôm qua 19/12, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh Khánh Hòa triệt phá thêm một nhà kho của đường dây săn bắt, giết hại, chế tác rùa biển này với số lượng lên tới vài trăm cá thể.
Theo thông tin ENV ghi nhận tại hiện trường, khác với ba nhà kho bị triệt phá hồi tháng 11, nhà kho này cất giữ nhiều rùa biển tươi, vừa mới được ngâm tẩm hóa chất. Vẫn theo kịch bản cũ, đối tượng Hoàng Tuấn Hải được “xem như” là chủ nhân của số rùa biển này. Bước đầu bà Vũ Thị Hải Thanh, chủ trang trại khai nhận số rùa biển này là do Hải gửi từ tháng 11.
|
Tiếp tục phát hiện hàng trăm con rùa tươi đã bị săn bắt, giết hại và ngâm tẩm hóa chất |
“Chúng tôi hoan nghênh sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa ngay sau khi nhận được thông tin ENV và phóng viên cung cấp. Tuy nhiên, một lần nữa ENV vô cùng quan ngại trước tiến độ điều tra, xử lý vụ việc để đưa đối tượng “trùm sò” ra chịu trách nhiệm trước pháp luật. Liệu còn bao nhiêu “nấm mồ” rùa biển khác chưa được phát hiện trong khi đối tượng “trùm sò” của đường dây này vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng mở rộng điều tra, sớm xử lí các đối tượng liên quan và đưa tên trùm ra trước vành móng ngựa,” bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc ENV cho biết.
Trước đó, ngay sau vụ việc bắt giữ gần 4,4 tấn rùa biển hôm 19/11/2014, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã gửi công văn đến Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa và các đại biểu quốc hội của tỉnh Khánh Hòa yêu cầu điều tra làm rõ vai trò của các đối tượng trong đường dây săn bắt, giết hại, chế tác, buôn bán rùa biển và tiến hành khởi tố các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Rùa biển là loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật quốc tế và Việt Nam. Cụ thể, các loài rùa biển được ghi nhận trong Phụ lục I - Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và đồng thời được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Theo đó, mọi hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi, nhốt rùa biển hoặc vận chuyển, buôn bán sản phẩm, bộ phận của loài này đều bị xem xét xử lý hình sự với mức tối đa lên đến 7 năm tù bất kể số lượng, khối lượng hay giá trị tang vật theo Điều 190 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Ý kiến bạn đọc