Có hay không việc cản trở thanh tra 312 biệt thự cổ?

06:43, 05/12/2014
|

(VnMedia) - Việc thanh tra 312 biệt thự cổ được UBND thành phố Hà Nội loại ra khỏi danh mục hơn 900 biệt thự cần bảo tồn được cho là kéo dài quá quy định. Đại biểu HĐND đặt câu hỏi: có hay không việc cản trở thanh tra?

Ảnh minh họa



>>  Chất vấn quyết liệt vụ 312 biệt thự cổ

>> Hà Nội “lật lại” danh sách 312 biệt thự... “bỏ đi”
>> Hà Nội "quản" hơn một nghìn ngôi biệt thự cổ


Câu chuyện Hà Nội loại bỏ 312 biệt thự cổ ra khỏi danh mục bảo tồn được quy định trong Nghị quyết của HĐND Thành phố khi chưa được HĐND Thành phố cho phép, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu HĐND Thành phố. Ngay tại Kỳ họp trước, vấn đề này đã được đưa ra chất vấn khá gay gắt.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra thành ủy Trần Trọng Dực đã có ý kiến cho rằng: “ Bảo vệ biệt thự là bảo vệ giá trị văn hóa lịch sử của Hà Nội và cả nước, tài sản đất đai của quốc gia. Nếu làm tùy tiện thì tài sản nhà nước sẽ rơi vào túi tư nhân ".

 

Còn Trưởng ban Pháp chế HĐND Thành phố Nguyễn Hoài Nam cũng nhận định đã có sự buông lỏng trong quản lý nhà biệt thự. Vì nếu không có bao che, dung túng, thậm chí có sự “dối trá” của cơ quan quản lý thì không có nhiều biệt thự xuống cấp như hiện nay. Đại biểu Nam đề nghị cần có sự thanh tra toàn diện.

 

Như VnMedia đã đưa tin, sáng 4/12, UBND Thành phố đã có báo cáo ban đầu về tình hình thanh tra 312 biệt thự theo yêu cầu của HĐND Thành phố, theo đó có dấu hiệu về sai sót trong quy trình. Tuy nhiên, do khó khăn, phức tạp trong vấn đề hồ sơ nên hiện chưa thể kết thúc thanh tra. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Hồng Khanh cũng khẳng định, quyết định loại 312 biệt thự ra khỏi danh mục trong Nghị quyết của HĐND Thành phố là “ hoàn toàn phù hợp

 

Tuy nhiên, chưa đồng tình với phần trả lời của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Hồng Khanh, tái chất vấn lần thứ 2 trong, đại biểu Nguyễn Hoài Nam tiếp tục phân tích sâu: “ Nếu bình thường các đồng chí ban hành quyết định theo thẩm quyền thì hoàn toàn đúng, nhưng tôi hỏi là thẩm quyền nào để các đồng chí được phép đưa 312 biệt thự ra khỏi danh mục 917 biệt thự đã được HĐND thông qua mà chưa được sự đồng ý của HĐND ?”

 

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam cũng nhấn mạnh, thời điểm thông qua Nghị quyết 18, chính UBND Thành phố cho biết mỗi biệt thự đã được rà soát, thành lập tổ liên ngành, có biên bản xác nhận, kiểm đếm…

 

Đồng chí Khanh chưa nói với chúng tôi được là bao giờ các đồng chí có kết luận thanh tra và trả lời HĐND Thành phố về 312 biệt thự, mà lại cứ bảo chúng tôi sẽ tiếp tục thanh tra và nói rằng khó khăn, phức tạp. Nhưng tôi nhắc lại là các biệt thự đều được bàn giao về cho sở Xây dựng quản lý, trước đây đều có công ty quản lý nhà nằm trong từng quận, tại từng phường cũng đều có cán bộ công ty, nắm rất chắc hồ sơ. Ở đây có việc công ty TNHH MTV và sở Nhà đất có biểu hiện cản trở công tác thanh tra hay không?”  - đại biểu Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.

 

Theo đại biểu Nam thì không chỉ nhà biệt thự, rất nhiều diện tích nhà của nhà nước đã cải tạo rồi nhưng vẫn để cho một số người dân tự ý lấn chiếm, quản lý và hợp thức dần thành nhà tư nhân. “ Các đồng chí có nắm được không ?”- đại biểu Nam hỏi.

 

Tôi đã từng hỏi Sở Xây dựng về những nội dung liên quan đến nhà sau cải tạo. Trước đây, khi thanh tra giám sát các nhà, quỹ nhà công ích và nhà sau cải tạo thuộc nhà nước quản lý, đã có rất nhiều nhà bị tư nhân chiếm dụng nhưng cho đến nay cũng chưa có kết quả xem đã khắc phục thế nào. Ở đây có vấn đề khiếm khuyết trong quản lý và có vấn đề người ta lợi dụng trách nhiệm, chức vụ để sử dụng không đúng mục đích các tài sản công. Chúng tôi cần Thành phố thanh tra, làm rõ vấn đề này và qua thanh tra xem có dấu hiệu không .” – đại biểu Nguyễn Hoài Nam yêu cầu.

 

Câu hỏi lớn về công tác tham mưu

 

Cũng là đại biểu quan tâm đặc biệt đến vấn đề quản lý biệt thự cổ, tái chất vấn lần thứ 2, đại biểu Nguyễn Xuân Diên khẳng định: “Tôi tin chắc hiện trạng 312 biệt thự như thế nào, hồ sơ ra sao, các đồng chí trong UBND Thành phố chưa nắm rõ. Khi chúng tôi làm việc với Thanh tra, các đồng chí cũng thấy rất khó khăn trong vấn đề tiếp cận hồ sơ này và hiện trạng như thế nào, thế mà lại tham mưu cho Ủy ban để ban hành quyết định 7177 này.

 

Đại biểu Nguyễn Xuân Diện cũng nhắc nhở: “ Chúng tôi muốn các đồng chí hãy tư duy, có nhìn nhận đúng đắn về công tác tham mưu. Nếu có điều kiện, chúng tôi còn cung cấp cho các đồng chí rất nhiều vấn đề, rất nhiều văn bản có liên quan đến công tác tham mưu chưa thật chuẩn chỉnh.”

 

Sau khi hai đại biểu tái chất vấn, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh tiếp tục khẳng định trách nhiệm của UBND Thành phố là tiếp tục tập trung quản lý không chỉ nhà biệt thự mà còn tất cả những nhà xây dựng trên địa bàn Thành phố.

 

Ông Vũ Hồng Khanh cũng khẳng định, trong tham mưu sai sót và trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ này.

 

Quan điểm của chúng tôi là khi làm rõ được vụ việc sẽ tiếp tục thanh tra và nếu có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển cơ quan điều tra .” – ông Khanh tái khẳng định.

 

Về thẩm quyền ra quyết định 7177, ông Vũ Hồng Khanh dẫn lại văn bản của Bộ Tư pháp và hứa sẽ cung cấp thêm tài liệu chi tiết nếu đại biểu cần. Còn về thời gian kết luận thanh tra, ông Khanh cho biết, thời gian 45 ngày là cho một vụ việc, còn với con số 312 biệt thự thì phải dài hơn.

 

Về trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị, ông Khanh khẳng định, nếu phát hiện cá nhân, đơn vị nào cản trở công việc sẽ bị xử lý đúng theo quy định của pháp luật, không hữu khuynh, bao che dung túng… nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch.

 

Tái chất vấn lần thứ 3, đại biểu Nguyễn Xuân Diên nhấn mạnh lại câu hỏi về công tác tham mưu.

 

Tôi nhấn mạnh về công tác tham mưu vì phải có đầy đủ hồ sơ, tiêu chí mới dám trình lãnh đạo ký quyết định đưa 312 biệt thự ra khỏi danh mục của Nghị quyết. Bây giờ ký xong rồi lại xảy ra sự việc, vậy, tôi muốn các đồng chí nhìn đúng công tác tham mưu. Đây là câu hỏi lớn đặt ra .” – đại biểu Nguyễn Xuân Diên nhấn mạnh.

 


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc