Chất vấn quyết liệt vụ 312 biệt thự cổ

12:00, 04/12/2014
|

(VnMedia) - Liên quan đến danh sách 312 biệt thự được Hà Nội đưa ra khỏi danh sách biệt thự cần bảo tồn, tại phiên chất vấn trực tiếp sáng 4/12, vấn đề này lại một lần nữa được nhiều đại biểu tái chất vấn.


>> Hà Nội “lật lại” danh sách 312 biệt thự... “bỏ đi”

>> Hà Nội "xử" hơn một nghìn ngôi biệt thự cổ

>> Hà Nội lập đề án bảo tồn biệt thự cổ
>> Biệt thự cổ và hoài niệm Hà Nội xưa
>> "Đột nhập" ngôi biệt thự "độc" nhất Hà Nội


Theo báo cáo của UBND Thành phố do ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố trình bày, liên quan đến vấn đề 312 biệt thự được đưa ra khỏi danh mục biệt thự cần bảo tồn tại Nghị quyết của HĐND Thành phố, kết quả Thanh tra bước đầu cho thấy, có một số trường hợp có sai sót. Sau khi Thanh tra Thành phố báo cáo kết quả thanh tra, sẽ tổ chức kiểm điểm với các cá nhân có thiếu sót…

 

Là người luôn đeo bám đến cùng các vấn đề mà mình chất vấn, đại biểu Lê Hoài Nam đã tiếp tục chất vấn Thành phố về vấn đề này. Ghi nhận Thành phố đã có động thái tích cực giao cho Thanh tra Thành phố thanh tra toàn bộ 312 biệt thự sau khi có yêu cầu của HĐND, nhưng qua giám sát của Ban Pháp chế đối với cơ quan Thanh tra Thành phố, đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng, trong trả lời của UBND Thành phố có một khái niệm không đúng.

 

“Khi chất vấn về quyết định 7177, tôi quan tấm đến việc thẩm quyền nào cho phép UBND Thành phố đưa 312 biệt thự này ra khỏi danh mục quản lý theo Nghị quyết 18 của HĐND Thành phố chứ tôi không chất vấn về việc UBND Thành phố có được ban hành quyết định quản lý biệt thự không?” – ông Nam giải thích lại và cho rằng, việc trả lời vừa qua đã không đúng với nội dung chất vấn.

 

“Các đồng chi cũng cho rằng khối lượng công việc lớn, nội dung công việc phức tạp, đến nay thanh tra chưa kết luận được, thì tôi xin nói, theo Luật thanh tra thì thanh tra một việc là 45 ngày, quá phức tạp thì không quá 70 ngày. Nhưng việc này tính đến tháng 11 đã là 4 tháng, tức là 120 ngày.” – đại biểu Nam dẫn chứng.

 

Theo đại biểu Nam , Thanh tra báo cáo rằng rất khó tiếp cận được các tài liệu do các cơ quan cung cấp, nhưng Hà Nội có hẳn một đội ngũ từ Thành phố đến quận và phường trực thuộc Công ty một thành viên.

 

“Cán bộ Công ty quản lý nhà nằm tại phường có, nhà nào cũng phải có hồ sơ. BĐS không phải là cái gì có thể thay thế, khi sửa chữa cải tạo, cấp phép đều phải qua cơ quan quản lý. Nhưng tiếp cận khó khăn gì ở đây? Là ý chí chủ quan của người bị thanh tra? Các đồng chí trả lời chúng tôi là khó tiếp cận hồ sơ, vậy Thành phố có giải pháp gì, trách nhiệm gì để yêu cầu các đơn vị phải thực hiện để báo cáo và bao giờ Thành phố có kết luận thanh tra và báo cáo HĐND Thành phố? – Đại biểu Nguyễn Hoài Nam đặt câu hỏi.

 

“Nếu cần, nếu khó khăn thì thanh tra trách nhiệm những đơn vị bị thanh tra và nếu cần nữa, tôi đề nghị đưa sang cơ quan điều tra vì đây là tài sản lớn phải được quản lý, theo dõi chứ không thể nói là chúng ta không nắm được.” – đại biểu Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.

 

Tư vấn đưa ra thì dễ, sao giờ thanh tra lại bảo khó?

 

Cũng đặc biệt quan tâm đến 312 biệt thự này, đại biểu Nguyễn Xuân Diên đặt câu hỏi: “Các đồng chí đánh giá như thế nào về việc tham mưu cho UBND Thành phố trong việc ban hành quyết định 7177? Trong khi các đồng chí nói tiến hành thanh tra, thu thập hồ sơ rất khó và rất phức tạp, thế mà dám tham mưu cho Thành phố ban hành quyết định bỏ 312 biệt thự ra khỏi danh sách trong Nghị quyết của HĐND Thành phố?”

 

Đại biểu Nguyễn Xuân Diện cũng đặt câu hỏi: Các đồng chí cứ nói là "quyết liệt", vậy hiện nay Thành phố có chỉ đạo quyết liệt như thế nào về vấn đề này? Có nên thành lập một đoàn công tác chuyên ngành để thực hiện việc này không?


Ảnh minh họa

Đại biểu Lê Hoài Nam

 

Trả lời các vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Hồng Khanh khẳng định, liên quan đến thẩm quyền ra quyết định 7177, UBND Thành phố đã rất thận trọn.

 

“UBND Thành phố đã giao cho Sở Tư pháp và sở này đã rà soát toàn bộ văn bản, và báo cáo Thành phố rằng việc ra văn bản là phù hợp với thẩm quyền. Sau đó, UBND Thành phố đã báo cáo Bộ Tư pháp và Bộ Tư pháp đã nghiên cứu kỹ, trả lời rằng, việc ban hành quyết định 7177 của UBND Thành phố Hà Nội là phù hợp với thẩm quyền được giao.” – ông Vũ Hồng Khanh nói.

 

Về khối lượng công việc lớn, khó khăn phức tạp trong tiếp cận hồ sơ, ông Khanh khẳng định: “Trong thực tế có khó khăn thật!”, do có những loại biệt thự tồn tại từ 60-70 năm, nhưng trong quản lý hồ sơ có những sai sót.

 

“Chúng tôi đã họp vào cuối tuần vừa qua và yêu cầu sau khi kết thúc họp HĐND, khoảng 15/12, tất cả các cơ quan đơn vị chính thức có văn bản báo cáo UBND Thành phố và HĐND Thành phố về thực trạng hồ sơ các biệt thự hiện nay để kết thúc thanh tra.” – Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho biết.

 

Đồng ý với đại biểu Nguyễn Hoài Nam rằng nếu cần thiết sẽ thanh tra công vụ, làm rõ trách nhiệm, ông Vũ Hồng Khanh cho biết, UBND Thành phố đã chỉ đạo cơ quan thanh tra, hiện đang thanh tra tích cực.

 

Ông Vũ Hồng Khanh một lần nữa khẳng định, với số lượng lớn là 312 biệt thự, trong đó để xác định một biệt thự là biệt thự cổ cần bảo tồn hay không thì có nhiều tiêu chí… nên khi tiếp cận từng biệt thự một phải có thời gian, phải có trao đổi về mặt chuyên môn… Sau khi thanh tra, Thành phố sẽ nghe từng biệt thự một và nếu có vấn đề gì khó thì mời tư vấn, mời cơ quan chức năng của Bộ về để xác định. Còn bao giờ kết thúc, thì UBND Thành phố sẽ tập trung quyết liệt.

 

Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Khanh không giải thích, với những khó khăn như vậy thì tại sao Thành phố lại dễ dàng đưa 312 biệt thự ra khỏi danh mục cần bảo tồn theo Nghị quyết 18 của HĐND Thành phố.

 

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cũng thừa nhận, về mặt quy trình có một số việc thiếu chặt chẽ, có phát hiện sai sót nên trong quá trình xem xét xử lý, sẽ căn cứ vào kết luận thanh tra cuối cùng để xử lý theo quy định.

 

Về mặt trách nhiệm, ông Vũ Hồng Khanh cho biết, UBND Thành phố sẽ cho thanh tra tiếp và xử lý tổ chức, cá nhân cơ quan theo đúng quy định của luật, còn nếu có dấu hiệu hình sự thì sẽ chuyển cơ quan điều tra.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc