Chậm tiến độ, “trảm” nhà thầu thi công đường sắt đô thị

14:36, 25/12/2014
|

(VnMedia) - Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) vừa quyết định thay thế nhà thầu phụ thi công đường tránh Quốc lộ 6, dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông do chậm tiến độ.

>>
Lại xin lùi tiến độ đường sắt Cát Linh-Hà Đông                      
>>
Cuối 2015, Hà Nội sẽ có tuyến Metro đầu tiên                      
>>
Hà Nội yêu cầu làm rõ nguyên nhân đội giá dự án đường sắt Cát ...                     

Sáng 25/12, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, đường tránh Quốc lộ 6 do nhà thầu phụ là Công ty Cổ phần Lắp máy và Xây dựng điện nước 1 thi công, tiến độ triển khai rất chậm và hầu như không thực hiện, mặc dù Tổng thầu EPC và nhà thầu phụ đã cam kết rất nhiều lần.

Theo ông Quyền Tổng giám đốc, Ban Quản lý dự án Đường sắt đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở nhưng tiến độ thi công vẫn không có chuyển biến. Nhà thầu phụ thi công dây dưa, kéo dài gây ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Do đó, để thúc tiến độ dự án, Ban Quản lý dự án Đường sắt yêu cầu Tổng thầu EPC điều chuyển toàn bộ khối lượng thi công còn lại của nhà thầu phụ là Công ty Cổ phần Lắp máy và Xây dựng điện nước 1 cho nhà thầu phụ khác là Công ty Cổ phần Giao thông Hà Nội thực hiện để đơn vị này hoàn thành dứt điểm công tác thi công trước ngày 30/12/2014.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt yêu cầu Công ty Cổ phần Lắp máy và Xây dựng điện nước 1 có trách nhiệm bàn giao ngay mặt bằng đường tránh Quốc lộ 6 do Công ty thi công cho Tổng thầu EPC và nhà thầu phụ được thay thế để tiếp tục triển khai thi công.

  Ảnh minh họa

  Do chậm tiến độ dự án, Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) vừa thay thế một nhà thầu thi công dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Tùng Nguyễn

Cùng với việc thay thế nhà thầu trên, Ban Quản lý dự án Đường sắt cũng yêu cầu Tổng thầu EPC không giao bất kỳ hạng mục nào của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông cho Công ty Cổ phần Lắp máy và Xây dựng điện nước 1, đồng thời công ty này sẽ bị cấm không được tham gia bất kỳ công việc nào dưới bất kỳ hình thức nào tại các dự án do Ban Quản lý dự án Đường sắt được giao quản lý.

Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông là tuyến đường sắt trên cao thuộc tuyến số 2 trong 8 tuyến được quy hoạch của Hà Nội có chiều dài 13km. Tuyến đường sẽ đi từ nút giao Cát Linh - Giảng Võ, đi dọc theo dải phân cách phố Hào Nam, phố Hoàng Cầu, ngõ Thái Thịnh I tới đường Láng rẽ trái men theo sông Tô Lịch và tiếp tục đi dọc theo dải phân cách đường Nguyễn Trãi về Hà Đông.

Theo thiết kế, tuyến đường sắt sẽ được đặt tại dải phân cách của Quốc lộ 6 được quy hoạch mở rộng. Tuy nhiên, đến khi thiết kế kỹ thuật, dự án mở rộng Quốc lộ 6 đoạn Ba La-Bến xe Yên Nghĩa thuộc UBND TP Hà Nội vẫn chưa được triển khai. Vì vậy, để có mặt bằng thi công, đảm bảo phân luồng giao thông trong quá trình thi công, Tổng thầu EPC đã trình Cục Đường sắt Việt Nam phương án thi công đường tránh.

Tiếp đó, ngày 1/4/2013, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản chấp thuận cho phép xây dựng hạng mục đường tránh Quốc lộ 6. Việc xây dựng đường tránh Quốc lộ 6 này cần phải bổ sung chi phí là 1,94 triệu USD.

Việc xây dựng đường tránh Quốc lộ 6 sẽ được tận dụng giữ lại như một phần của tuyến đường này mở rộng theo quy hoạch, không phải đào bỏ khi thi công xong dự án đường sắt. Như vậy trong tương lai, khi triển khai Quốc lộ 6 mở rộng sẽ không phải đầu tư hạng mục đã thi công này.

Mới đây, sau nhiều năm chậm tiến độ dự án, Ban Quản lý dự án đường sắt-chủ đầu tư dự án đã có tờ trình gửi lên Bộ Giao thông Vận tải về việc điều chỉnh dự án và tổng mức đầu tư của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông tăng thêm 315 triệu USD so với phê duyệt ban đầu, nâng tổng mức đầu tư lên tới 868,04 triệu USD (tương đương 18.001 tỷ đồng).

Toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông gồm 12 ga đón và tiễn khách (Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - Đại học Quốc gia - Vành đai III - Thanh Xuân III - Bến xe Hà Đông - Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới) và khu Depo (trung tâm điều hành tuyến) tại phường Phú Lương, Q. Hà Đông.

Đoàn tàu gồm 6 toa hoặc 8 toa (khi lưu lượng giao thông tăng lên), có sức chở  từ 2.028 hành khách đến 2.110 hành khách. Tốc độ tối đa là 80km/h, tốc độ lữ hành là 35km/h. Thời gian khai thác hàng ngày từ 5 -23 giờ, tần suất vận chuyển tối đa là 2 phút/chuyến...

Theo yêu cầu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, đến tháng 10/2015, tuyến đường sắt này phải đưa vào chạy thử, để đến ngày 31/12/2015 đưa vào khai thác thương mại.


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc