Bộ Văn hóa có quyền thẩm định kiến trúc quanh Hồ Gươm?

07:32, 19/12/2014
|

(VnMedia) - Thay vì hỏi ý kiến Hội KTS Việt Nam và Hội KTS Hà Nội, quận Hoàn Kiếm lại hỏi ý kiến của... Bộ Văn hóa và nhận ngay được sự đồng thuận về việc xây dựng tòa nhà cạnh Hồ Gươm. Như vậy, có phải từ nay Bộ Văn hóa sẽ là cơ quan thẩm định kiến trúc Hồ Gươm?

>> "Không gian trống quanh Hồ Gươm quá ít ỏi"
>> Trung tâm Văn hóa Hồ Gươm: Không xứng tầm

Như VnMedia đã đưa tin, liên quan đến việc xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm, UBND quận Hoàn Kiếm đã hỏi ý kiến Bộ Văn hóa và được vị Thứ trưởng của Bộ này trả lời rằng, việc xây dựng Trung tâm thông tin sẽ góp phần tăng cường cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, phát huy giá trị di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ cũng như khu phố cổ Hà Nội.

 

Lạ lùng hơn, trong khi hầu hết giới kiến trúc sư cho rằng không nên xây trung tâm này vì làm ảnh hưởng đến cảnh quan và không gian khu vực Hồ Hoàn Kiếm thì lãnh đạo Bộ Văn hóa lại rất tự tin nhận định: “Phương án kiến trúc công trình Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm không ảnh hưởng xấu tới cảnh quan chung, phù hợp với kiến trúc chung của khu vực, góp phần hoàn thiện không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh hồ Hoàn Kiếm.” và nhận xét này có thể là căn cứ để UBND quận Hoàn Kiếm quyết định xây tòa nhà có kiến trúc “tầm thường như nhà dân, không xứng tầm với không gian văn Hồ Gươm” (lời KTS Trần Trọng Hanh - Phó Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc, Hội KTS Việt Nam)

 

Một câu hỏi được đặt ra là: Có phải từ nay việc xây quy hoạch như thế nào, xây dựng cái gì… ở khu vực Hồ Gươm hay kể cả những khu vực “nhạy cảm” khác đều sẽ do Bộ Văn hóa thẩm định về mặt quy hoạch, kiến trúc và quyết định việc xây hay không xây ?

 

Vậy, vai trò phản biện của giới Kiến trúc sư, mà cụ thể là Hội Kiến trúc sư Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam là gì? Hà Nội đã thực sự coi trọng và phát huy vai trò tư vấn và phản biện của những tổ chức rất liên quan và nắm rõ hơn ai hết về vấn đề quy hoạch, kiến trúc hay chưa?

Ảnh minh họa

Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm sẽ là một tòa nhà 3 tầng, nằm án ngữ ở khu vực "nhạy cảm" của Hồ Gươm. Gần đó còn có tòa nhà Hàm Cá mập từng bị dư luận phải đối nhưng vẫn được xây dựng


 

Trên thực tế, khi những vụ việc lùm xùm xảy ra với các công trình nhạy cảm ở Hà Nội như Cầu Long Biên, di tích Đàn Xã Tắc …, ý kiến của các Kiến trúc sư hay đại diện Hội Kiến trúc sư chỉ được đăng tải trong các bài phỏng vấn lẻ tẻ và sau đó, may mắn hơn thì có thể có ý kiến chủ động từ phía Hội Kiến trúc sư chứ chưa thấy việc Hà Nội chủ động xin ý kiến của họ.

 

Trao đổi với VnMedia, Nhà sử học Dương Trung Quốc từng chia sẻ rằng, “với những vấn đề như thế này (lúc đó là việc xây dựng ga tàu điện ngầm ở khu vực Hồ Gươm), lẽ ra Thành phố phải có những sự trao đổi chuyên môn một cách sòng phẳng, đàng hoàng để tìm ra phương án tốt nhất.”

 

Như vậy, với công trình Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm, một lần nữa, chỉ là một ví dụ “thêm vào” danh sách những sự vụ mà Hà Nội và trực tiếp là quận Hoàn Kiếm chưa thật “sòng phẳng” trong việc lấy ý kiến và lắng nghe dư luận. Hơn ai hết, giới Kiến trúc sư nói chung và Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển Đô thị là những cơ quan phản biện về mặt quy hoạch, kiến trúc mà UBND quận Hoàn Kiếm cần hỏi ý kiến nhất. Phải chăng, quận Hoàn Kiếm sợ phải tiếp nhận ý kiến phản đối chính thức đối với công trình này từ hai “tiếng nói” có sức mạnh chuyên môn nhất và cũng là “ý dân” tại quận này?

 

Cũng trong một lần trao đổi với VnMedia về vấn đề quy hoạch, kiến trúc của Hà Nội, KTS Ngô Doãn Đức, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, Hội Kiến trúc sư Việt Nam là một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, là một trong những hội đặc thù. Trong hơn 65 năm qua, song hành cùng sự phát triển của đất nước, nhiều KTS ở Hội KTS Việt Nam đã là những người tư vấn phản biện của Chính phủ. Tầm cao nhất từng là Hội đồng tư vấn của Chính phủ (thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt), các KTS đã tham góp tích cực vào những vấn đề phát triển đô thị trực tiếp hơn.

 

“Còn ngày nay, dù ở đâu chúng tôi cũng luôn quan tâm đến phát triển đô thị, nhất là những công trình xây dựng lại làm ảnh hưởng đến cái chung. Chính vì vậy, những công trình như tòa nhà EVN, chợ 19/12 (chợ Âm phủ), khách sạn SAS ở công viên Thống Nhất… hay gần đây là nhà 19 Lê Thánh Tông, chúng tôi đều đã lên tiếng. Nếu không, có lẽ những công trình này đã mọc lên rồi, bởi vì những vấn đề liên quan đều được họ thỏa thuận với nhau cả rồi, chỉ việc xây thôi." - KTS Ngô Doãn Đức nói.

 

Trở lại vụ việc xây Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm, chiều ngày 18/12, trao đổi với VnMedia, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Ngô Doãn Đức một lần nữa khẳng định, không nên chất tải thêm công trình vào khu vực Hồ Gươm.

“Đối với Hồ Gươm thì việc xây cất công trình quanh Hồ phải hết sức cẩn trọng, không thể lấy lý do này nọ để chất tải thêm. Các cấp chính quyền của Hà Nội lại càng phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ không gian linh thiêng này của Thủ đô. Hội KTS Việt Nam đã nêu ý kiến không đồng thuận với việc xây nhà tại số 2 Lê Thái Tổ với trách nhiệm nghề nghiệp, thể hiện sự khách quan và nhất quán từ chủ tịch Hội tiền nhiệm đến chủ tịch Hội đương nhiệm” - KTS Ngô Doãn Đức chân thành chia sẻ.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc