(VnMedia) - Theo đại diện Bộ Giao thông, những dự án khởi công trong 3 năm gần đây không có dự án nào chậm tiến độ. Một số dự án chậm tiến độ trong thời gian qua là những dự án cũ đã được triển khai cách đây vài năm…
>> Chậm tiến độ, dự án gây nhiều phiền hà cho dân
>> Lại xin lùi tiến độ đường sắt Cát Linh-Hà Đông
>> Chậm tiến độ gói thầu, Bộ Giao thông lo bị đòi bồi thường
Chiều 9/12, Báo Giao thông, Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (PPP) và Vụ Quan hệ hợp tác quốc tế (Bộ GTVT) đã tổ chức họp báo giới thiệu về Hội thảo: "Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông".
Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Đảng về đột phá chiến lược xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, ngành GTVT đã đạt được những thành tựu quan trọng. Hiện nay, nhiều công trình giao thông đã được hình thành theo hướng hiện đại, đồng bộ như: cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên,...
Đặc biệt, đến cuối năm 2015, toàn bộ dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây là tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Theo đánh giá, trong 3 năm qua, nguồn vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ dành cho đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông rất hạn chế. Tuy nhiên, thông qua chủ trương thu hút vốn xã hội hóa, Bộ GTVT đã huy động được nguồn vốn rất lớn để đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông.
Mặc dù vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện vẫn còn một số tồn tại trong công tác huy động vốn, tín dụng, cơ chế chính sách còn một số điểm bất cập, chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư. Hơn nữa, các dự án xã hội hóa chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đường bộ, còn lại các lĩnh vực khác như: hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt vẫn còn ít và chưa thật sự hấp dẫn.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, thời gian tới đây sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ ở Việt Nam. Ảnh: Internet |
Sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào xây dựng hạ tầng giao thông
Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó trưởng Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (PPP), trong những năm qua, việc thu hút nguồn vốn cho hạ tầng giao thông vận tải còn nhiều khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào vốn ODA và ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ hàng năm cấp cho ngành giao thông chỉ khoảng 20.000 tỷ đồng, đáp ứng chưa được một nửa nhu cầu nên hàng năm ngành giao thông cũng chỉ giải ngân chỉ khoảng 50.000 nghìn tỷ đồng.
Theo ông này, những năm gần đây, ngành giao thông đã có sự đột phá lớn trong việc kêu gọi vốn xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng giao thông. Tính đến nay, ngành đã huy động tới khoảng 160.000 tỷ đồng để triển khai 65 dự án, công trình từ nguồn vốn ngoài ngân sách.
Điều đáng quan tâm là, số vốn này chủ yếu được huy động trong khoảng 3 năm trở lại đây. Từ năm 2012 về trước, chỉ vẻn vẹn 22 dự án với tổng mức đầu tư khiêm tốn khoảng hơn 49.600 tỷ đồng; riêng năm 2013 huy động được 24 dự án tổng mức đầu tư 68.563 tỷ đồng. Năm 2014, số vốn thu hút cũng được 42.572 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2015 con số này sẽ còn cao hơn ở mức khoảng 45.000 tỷ đồng.
Theo tính toán của ông Phó trưởng Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư, riêng giai đoạn 2016-2020, dự kiến sẽ có một nguồn vốn “khủng” lên đến khoảng 235.000 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách đầu tư vào giao thông.
“Không chỉ huy động vốn tập trung ở đường bộ, ngành giao thông cũng sẽ kêu gọi vốn xã hội hóa ở nhiều lĩnh vực như tuyến đường sắt Bắc-Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án cảng biến, đường thủy nội địa…,” ông Huy cho hay.
Ông Huy cũng tiết lộ thêm, trong giai đoạn từ năm 2014-2020, ngành giao thông cần khoảng 960.000 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó khoảng 47% huy động ODA và vốn ngân sách. Số còn lại chắc chắn sẽ phải kêu gọi đầu tư xã hội hóa.
Đề cập đến quyền lợi của người dân có bị ảnh hưởng khi huy động nhà đầu tư nước ngoài vào tham gia các dự án giao thông và sẽ được thu phí hoàn vốn, ông Huy khẳng định, khi một dự án đấu thầu, có nhiều nhà đầu tư quan tâm và Bộ sẽ lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án.
“Hiện nay, mức thu phí được đưa ra dựa trên quy định, mức trần và khung của Bộ Tài Chính. Khi làm việc với nhà đầu tư, Bộ Tài chính phải tính toán và đưa ra con số cụ thể đảm bảo hài hóa lợi ích Nhà nước và nhà đầu tư,” ông Huy cho biết thêm.
Trả lời câu hỏi của VnMedia , Bộ Giao thông vận tải chủ trương thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào làm đường ở Việt Nam ngay từ khi mới bắt đầu triển khai dự án hay đợi làm xong đường mới bán quyền thu phí và như vậy có sợ bị phạt vì chậm tiến độ khi nhiều dự án giao thông đang chậm?, ông Phó trưởng Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư cho biết, chủ trương của Bộ Giao thông vận tải là thu hút nhà đầu tư nước ngoài từ mọi giai đoạn của quá trình tiến hành triển khai dự án. Còn việc chậm tiến độ sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật và theo hợp đồng được ký kết.
“Có thể khẳng định những dự án khởi công trong 3 năm gần đây không có dự án nào chậm tiến độ. Một số dự án chậm tiến độ thời gian qua là những dự án cũ đã được triển khai cách đây vài năm”, đại diện Bộ Giao thông vận tải khẳng định.
Ý kiến bạn đọc