(VnMedia) - Theo dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia, mỗi thí sinh có đến 16 cơ hội vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Từ đây có ý kiến lo ngại chất lượng đầu vào có thể "thượng vàng hạ cám".
>> Giải đáp thắc mắc về kỳ thi quốc gia
>> Sẽ áp dụng thang điểm 20 cho kỳ thi quốc gia
>> Hàng loạt trường hợp được xét tuyển thẳng
>> Tuyển sinh 2015: Nguy cơ điểm cao vân trượt
Hầu như ai cũng có thể đỗ đại học?
Sáng ngày 23/12, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận cùng các chuyên gia thuộc Bộ đã có những giải đáp độc giả liên quan đến dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia vừa công bố. Cuộc giao lưu này do báo điện tử Vnexpress tổ chức.
Theo dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia, mỗi thí sinh có đến 16 cơ hội vào các trường ĐH, CĐ. Nhiều ý kiến cho rằng có thể nói trừ những em không đỗ tốt nghiệp thì hầu như mọi thí sinh đều có chỗ trong một trường nào đó. Và như vậy chất lượng đầu vào có thể nói là "thượng vàng hạ cám" sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo và việc làm khi ra trường. Điều này sẽ tiếp tục làm tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" sẽ trầm trọng hơn.
Giải đáp về điều này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: "Cơ hội, nguyện vọng đăng ký vào trường khác với chỉ tiêu. Các cháu có thể đăng ký là tăng cơ hội, còn việc có vào được hay không phải dựa vào kết quả điểm. Chỉ tiêu tuyển sinh của các nhà trường sẽ được xác định căn cứ trên các điều kiện đảm bảo chất lượng. Cụ thể là căn cứ vào số lượng giáo viên cơ hữu nhà trường hiện có, diện tích xây dựng tính trên đầu sinh viên, đảm bảo cho việc dạy và học cũng như ăn ở của sinh viên”.
Vì vây, "dựa trên chỉ tiêu này nhà trường sẽ xét các cháu từ điểm cao nhất xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu và không có chuyện buông lỏng chất lượng và "thượng vàng hạ cám" - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết, trước đây thí sinh đăng ký nguyện vọng trước khi tổ chức kỳ thi, từ năm 2015 các em thi trước, trên cơ sở kết quả đó mới cân nhắc lựa chọn xét tuyển vào các trường phù hợp. Điều này khắc phục việc các cháu điểm cao mà không đỗ, các trường cũng tuyển được người giỏi hơn vào học.
|
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Điểm chuẩn có tăng lên nhiều so với năm trước?
Giải đáp băn khoăn của độc giả “nếu em rớt nguyện vọng 1 thì khi em đăng ký nguyện vọng 2 ở một trường khác, thì điểm chuẩn có tăng lên nhiều như những năm trước không?”, Cục trưởng cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐY) Mai Văn Trinh cho biết, dự thảo quy chế quy định điểm trúng tuyển đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước.
Khác với những năm trước, trong kỳ thi THPT quốc gia sau khi có kết quả thi thí sinh mới lựa chọn đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH phù hợp với kết quả thi của mình. Phần mềm quản lý thi cũng sẽ cung cấp các thông tin cập nhật về tình hình tuyển sinh của các trường để thí sinh biết, cân nhắc thay đổi, lựa chọn đăng ký xét tuyển.
Cách làm này tạo thuận lợi cho thí sinh góp phần khắc phục tình trạng thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn có thể trượt ĐH như những năm trước đây.
Trong trường hợp có nhiều hồ sơ thí sinh có cùng điểm số bằng nhau thì các trường sẽ căn cứ vào tiêu chí nào để xét tuyển ĐH, CĐ? Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh trả lời: “Công tác tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các trường ĐH,CĐ theo luật Giáo dục ĐH. Các trường sẽ có quy định cụ thể về công tác tuyển sinh để vừa đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh đồng thời đáp ứng chất lượng nguồn tuyển trên cơ sở các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào. Các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng các tiêu chí phụ để lựa chọn các thí sinh có cùng điểm. Các em theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường để thực hiện”.
Sao phải cộng cả điểm của lớp 12?
Một điểm mới nữa của dự thảo trên liên quan đến cách tính điểm xét tốt nghiệp. Có ý kiến của học sinh lo ngại sao để xét tốt nghiệp lại phải cộng điểm của các kỳ học phổ thông nữa, nếu thế thì sẽ nảy sinh ra rất nhiều tiêu cực, con nhà giàu, con em giáo viên... lực học trung bình sẽ được học sinh giỏi hết, như thế không công bằng.
Trả lời vấn đề này, Cục trưởng Mai Văn Trinh khẳng định: Từ năm 2014 đã sử dụng kết hợp điểm thi 4 môn với điểm trung bình học tập lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp. Việc sử dụng phối hợp điểm học tập với điểm thi để xét tốt nghiệp cũng giúp học sinh tránh được những rủi ro khi chỉ tính điểm thi để xét tốt nghiệp như những năm trước.
Theo ông Trinh, đây là một trong những biện pháp góp phần khắc phục tình trạng học lệch của học sinh hiện nay. Cụ thể là: các em phải cố gắng học đều các môn để đáp ứng yêu cầu tối thiểu cho tất cả các môn học khi kết thúc bậc THPT. Trên cơ sơ đó, các em đầu tư thêm vào những môn phù hợp với năng lực, sở trường của mình để phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ.
Chủ trương này hướng tới phát triển toàn diện năng lực cho học sinh. Trách nhiệm của các nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục là phải đảm bảo tính khách quan, công bằng trong kiểm tra đánh giá. Ngành giáo dục đào tạo đã và đang tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để các nhà trường thực dạy, thực học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
Ý kiến bạn đọc