10.000 cán bộ khoa học, nông dân vẫn cày bằng trâu

10:41, 15/12/2014
|

(VnMedia) - Gần 11.000 cán bộ làm công tác khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm chi lương và nghiên cứu nhưng nông dân vẫn cày bằng trâu… là “câu hỏi khó” cho Bộ trưởng Bộ Nguyễn Quân…

>>
Người Việt thông minh, tại sao khoa học lạc hậu?
>> Người Việt tiêu thụ 3 tỷ lít rượu bia/năm
>> Hoang đường sản phẩm khoa học 4 năm đắp chiếu vì… "vô" giá
>> Hơn 500 tỷ đầu tư vào khoa học công nghệ: Hiệu quả...chung chung
>> Thủ tướng: Cần tập trung tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia


Ảnh minh họa

Bộ trưởng Nguyễn Quân trong chương trình Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời tối 14/12

 

- Thưa Bộ trưởng, báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ vừa cho biết, Việt Nam hiện có khoảng trên 10.000 cán bộ khoa học công nghệ đang trực tiếp nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp. Tiền đầu tư theo báo cáo của Bộ cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng/năm.

 

Một người dân gửi thư về chương trình cho biết: “Tôi là nông dân nên thấy số tiền đó rất lớn. Tại sao khoa học công nghệ phục vụ cho nông nghiệp của chúng ta đến thời điểm này vẫn chưa thấy có thành tựu gì đáng kể? Cảm giác như vẫn giậm chân tại chỗ vì tôi vẫn cày ruộng bằng trâu, mua giống và phân bón của nước ngoài, vẫn phải đối mặt với chuyện mất mùa, mất giá vì không có cách bảo quản sau thu hoạch hoặc không có đầu ra ổn định. Xin Bộ trưởng trả lời câu hỏi này?

 

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Thứ nhất, số liệu hơn 10.000 người làm công tác khoa học công nghệ đó là đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ của Bộ NN&PTNT. Thứ hai, kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu không phải là hàng nghìn tỷ đồng, bởi vì trong số hàng nghìn tỷ đó còn gồm 30-40% là chi thường xuyên, trả lương và nuôi các bộ máy nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp, chỉ còn trên dưới 60% dành cho hoạt động nghiên cứu, kể cả các nhiệm vụ cấp bộ hoạt động cấp Bộ và cấp Nhà nước.

 

Nếu tính trên đầu 10.000 cán bộ nghiên cứu hay trên đầu 100 Viện, Trung tâm nghiên cứu của Bộ NN&PTNT thì lượng kinh phí cho mỗi một viện hay một đầu người nghiên cứu là rất nhỏ.

 

Tuy còn nhiều bất cập trong hoạt động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, nhưng nếu nói ngành nông nghiệp của ta chưa phát triển gì đáng kể thì không thật khách quan. Bởi vì từ chỗ phải nhập khẩu lương thực, hiện nay nước ta đã có thứ hạng trên thế giới trong xuất khẩu gạo.

 

Một năm chúng ta xuất khẩu các mặt hàng nông sản và thủy sản đạt khoảng 30 tỷ USD, chiếm trên 20% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Nếu hàng nông sản, thủy sản của chúng ta không đạt tiêu chuẩn quốc tế thì chắc là không thể xuất khẩu được số lượng lớn như vậy.

 

Về tổng thể, chúng ta có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp lớn như Công ty Bảo vệ thực vật An Giang có hẳn 2 viện nghiên cứu nằm trong doanh nghiệp, họ đầu tư theo chuỗi và rất thành công; hay ở phía Bắc có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều đơn vị khoa học công nghệ như ở Thái Bình, Nghệ An. Những đơn vị này đã làm rất tốt việc đầu tư cho nông nghiệp và có hiệu quả rất lớn.

 

- Thưa Bộ trưởng, một khán giả hỏi, cũng trong chương trình “Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời” vào tháng 6/2013, Bộ trưởng có nhắc đến việc áp dụng công nghệ bảo quản tiên tiến nhất của Nhật Bản, Israel để đảm bảo cho người nông dân có được sản phẩm có giá trị tối đa. Vậy Bộ đang tiến hành việc này như thế nào, có khó khăn gì trong quá trình áp dụng không, khi mà trong cả nước vẫn còn xảy ra hiện tượng được mùa mất giá đối với các mặt hàng như cà chua, thanh long, tôm và cá ngừ?

 

Thời gian 1 năm đúng là dài, nhưng để làm chủ 1 công nghệ và đưa vào ứng dụng sản xuất trên quy mô công nghiệp thì cũng coi là chưa dài.

 

Năm 2013, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiếp cận công nghệ CAS của Nhật Bản và gần đây tiếp nhận công nghệ của hãng Juran (Israel) trong bảo quản thực phẩm. Chúng ta đã làm chủ được công nghệ CAS và đã thí nghiệm thành công trên cá ngừ, tôm sú và quả vải thiều. Vụ vải vừa rồi, 1 container vải đầu tiên được bảo quản theo công nghệ CAS đã đến thị trường Nhật Bản và được đánh giá cao.

 

Tương tự như vậy với cá ngừ, chúng tôi chuẩn bị đầu tư nhà máy bảo quản cá ngừ theo công nghệ CAS tại tỉnh Phú Yên. Chúng tôi hy vọng với thiết bị câu cá ngừ đại dương mà chúng ta đã làm chủ và chúng ta cũng cùng với nhà máy sử dụng công nghệ CAS, sắp tới cá ngừ của Phú Yên và Bình Định sẽ được bán sang Nhật Bản với số lượng nhiều và chất lượng tốt hơn.

 

- Một khán giả gửi thư bày tỏ sự băn khoăn: Việc cho phép sản xuất các loại lương thực, ngũ cốc biến đổi gen là lợi bất cập hại. Vì tuy giúp chúng ta bớt phụ thuộc vào nhập khẩu nhưng thay vào đó sẽ là phụ thuộc về giống, trong khi tác động của loại cây trồng này đến sức khỏe và môi trường vẫn chưa được kiểm định đầy đủ. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

 

Trên thế giới hiện nay có 2 xu hướng trái ngược nhau. Một số quốc gia rất tích cực trong việc trồng cây trồng biến đổi gen như Hoa Kỳ và một số nước châu Á. Riêng các nước châu Âu lại có xu hướng rất thận trọng và không muốn sử dụng cây trồng biến đổi gen, đặc biệt là cây lương thực.

 

Ở Việt Nam trong nhiều năm qua đã trồng khảo nghiệm 3 loại cây là bông, đỗ tương và ngô. Đối với cây ngô, đỗ tương thì có nhiều ý kiến trái chiều. Cho tới thời điểm này chưa có nghiên cứu nào cho thấy cây ngô và đỗ tương biến đổi gen có ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Thực tế trong nhiều thập kỷ qua, Hoa Kỳ và Nhật Bản và một số nước khác cho canh tác cây trồng biến đổi gen trên diện tích rất lớn.

 

Tuy nhiên, lo ngại của bà con nông dân cũng có ý đúng là chúng ta bị phụ thuộc về giống bởi chưa làm chủ công nghệ về giống đối với cây trồng biến đổi gen. Vì thế, song song với việc cho phép trồng cây trồng biến đổi gen, lực lượng làm công tác nghiên cứu khoa học của chúng ta phải nhanh chóng làm chủ được khoa học công nghệ để tự túc được giống, đồng thời vẫn phải nghiên cứu những ảnh hưởng của cây trồng biến đổi gen đối với sức khỏe con người.

 

- Xin cám ơn Bộ trưởng.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc