Thuốc giả hoành hành: Có sự buông lỏng quản lý?

06:30, 14/11/2014
|

(VnMedia) - Trung tá Kiều Hữu Việt - Đội phó đội chống hàng giả - Phòng PC 46 - Công an TP. Hà Nội cho biết, để xảy ra tình trạng thuốc tân dược được sản xuất và bán tràn lan trên thị trường là do có sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng.

>> Sốc với công nghệ chế biến thuốc tai biến dởm
>> Cảnh báo nạn sản xuất thuốc tân dược giả
>> Thuốc chống còi xương được sản xuất tinh vi

Trao đổi với phóng viên VnMedia, Trung tá Kiều Hữu Việt cho biết, trong hai ngày 9 và 10/11, Công an Hà Nội bắt Bùi Văn Hiệp và Nguyễn Anh Văn là hai đối tượng mua bán thuốc tân dược giả. Qua công tác điều tra đã phát hiện nhiều kẽ hở trong quản lý cần được khắc phục.

- Thưa ông, thủ đoạn sản xuất thuốc tân dược giả của các đối tượng trong vụ án trên là gì?

Trung tá Kiều Hữu Việt : Qua công tác điều tra, các đối tượng đã khai nhận đặt in vỏ, bao bì, mác, tem chống hàng giả của các công ty có chức năng in trên thị thường. Còn về sản phẩm thuốc chữa bệnh, các đối tượng khai nhận đặt công ty có chức năng sản xuất thuốc tiếng tăm, sau đó đem về tự dán tem mác, đóng gói thành phẩm và tung ra thị trường tiêu thụ.

Các đối tượng cũng khai nhận, do việc quản lý ngành in đang rất lỏng lẻo, ai đặt in cái gì và số lượng bao nhiêu cũng được nên các đối tượng dễ dàng in ấn tem, mác. Thông thường, việc nhận in ấn các loại tem, nhãn này đều không có hợp đồng, hóa đơn in ấn. Khi nhận hàng, các cơ sở in chỉ ghi phiếu thu tiền.

Bản thân các chủ cơ sở in cũng không hỏi đối tượng đặt in nhãn, mác để làm gì mà chỉ dặn các đối tượng phải rất cẩn thận. Điều này cho thấy việc quản lý các cơ sở sản xuất thuốc đang có vấn đề.

Ảnh minh họa

 

- Việc các cơ quan quản lý lỏng lẻo sẽ khiến cho nạn thuốc giả hoành hành như thế nào, thưa ông?

Việc quản lý lỏng lẻo này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nguy hiểm. Tôi ví dụ như việc sản xuất thuốc Lumbrotine giả. Đây là thuốc chống tai biến mạch máu não. Đối tượng khai chi phí sản xuất chỉ có 10 nghìn/hộp, trong khi giá bán thuốc thật trên thị trường là 190 nghìn/hộp. Do lợi nhuận quá lớn nên các đối tượng sẵn sàng vi phạm và hậu quả sẽ khôn lường, nhất là với một người bệnh nặng nếu sử dụng loại thuốc giả này dễ dẫn đến chết người.

- Trước tình trạng này, ông có kiến nghị gì với các cơ quan chức năng?

Chúng tôi nhận thấy rằng, việc quản lý các cơ sở sản xuất thuốc tân dược trên địa bàn Hà Nội đang có rất nhiều vấn đề. Chỉ riêng đối với ngành in cần có quy định cụ thể là người nào thuê in phải ký hợp đồng. Cơ sở in cũng phải kiểm tra xem sản phẩm đó có trùng thương hiệu, mẫu mã với sản phẩm khác hay không...

Qua vụ việc này, tôi kiến nghị cơ quan chức năng phải sát sao hơn, thanh kiểm tra thường xuyên hơn, đồng thời phải  tuyên truyền hướng dẫn người sản xuất thuốc chấp hành đúng quy định của pháp luật.

- Vâng, xin cảm ơn ông!


Anh Đào - (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc