Tái thiết chung cư cũ thành đô thị sống tốt

07:26, 03/11/2014
|

(VnMedia) - Mật độ không quá đông hay quá thưa; thiết kế tôn trọng người đi bộ và nhìn nhận rõ tầm quan trọng của “khu vực đa dụng” là những tiêu chí cần thiết khi tái thiết lại một khu chung cư cũ thành một đô thị sống tốt…


>> Cải tạo chung cư cũ: Không chỉ là phá đi xây lại
>>Cải tạo chung cư cũ: Doanh nghiệp không phải là ông chủ
>>Chung cư cũ sắp sập: Vẫn loay hoay lợi ích 3 bên

Nhiều bằng chứng đã chỉ ra rằng, việc tái thiết các khu dân cư cũ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân - những yếu tố tạo nên chất lượng cuộc sống, trong đó, việc quy hoạch và xây dựng các đô thị ưu tiên các phương tiện giao thông cơ giới hay ưu tiên và khuyến khích người đi bộ, xe đạp, giao tiếp xã hội sẽ là mấu chốt quyết định sức khỏe, hạnh phúc.


Vậy chúng ta sẽ lựa chọn phương pháp nào để tái thiết các khu chung cư cũ?

Đây là câu hỏi mà KTS Đinh Đăng Hải, Cán bộ cao cấp của HealthBridge Foundation of Canada đặt ra để từ đó tìm hướng đi hợp lý trong việc xây dựng lại các khu chung cư cũ. Vị KTS này đặc biệt nhấn mạnh đến việc thiết kế các đường phố trong khu dân cư để làm sao tạo ra một môi trường sống tích cực và lành mạnh cho người dân là một hướng tiếp cận phù hợp giúp đạt được mục tiêu tái thiết các khu chung cư cũ thành các khu đô thị đáng sống.

 

Ảnh minh họa

Thiết kế ưu tiên người đi bộ là một tiêu chí hết sức quan trọng khi tái thiết lại các chung cư cũ - ảnh: Tuệ Khanh


Mật độ quá đông hay quá thưa đều không tốt

 

Với quan điểm “Điều kiện sống tốt có nghĩa là mật độ tốt”, KTS Đinh Đăng Hải phân tích: mật độ quá cao hoặc quá thấp đều có ảnh hưởng không tốt như nhau đến chất lượng sống của người dân.

 

“Mật độ quá cao như tại các khu đô thị cũ của Hà Nội gây ra các hậu quả như tắc nghẽn, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, dịch vụ và các cửa hàng không đáp ứng được nhu cầu, thiếu không gian công cộng ngoài trời dẫn tới làm giảm chất lượng sống của người dân khá nhiều.Nhưng mật độ quá thấp lại làm tăng giao thông cơ giới, tiêu tốn năng lượng và ô nhiễm không khí, thiếu cơ hội giao tiếp.” – KTS Đinh Đăng Hải nói.

 

Tôn trọng người đi bộ

 

Hiện nay, một vấn đề rất dễ nhận thấy không chỉ ở các khu phố cũ đông đúc, chật hẹp đang bị chiếm dụng nhiều không gian như vỉa hè, lòng đường làm chỗ để xe máy, ô tô mà ngay cả ở các khu đô thị mới, các khu chung cư xây lại… người ta đã dành quá nhiều ưu tiên cho xe cơ giới mà bỏ quên người đi bộ.

 

Quan sát tại các khác khu nhà chung cư, có thể thấy hầu hết vỉa hè, khoảng trống quanh các tòa nhà hay các con đường trong khu dân cư đều chật ních xe máy, ô tô. Điều đáng nói là lấy lý do đảm bảo trật tự mỹ quan đô thị, từ chính quyền Thành phố hay các cơ quan quản lý như công an, giao thông… đều đang tạo điều kiện cho các chủ xe bằng cách hợp thức hóa chuyện trông xe ở vỉa hè, lòng đường. Điều này đã đi ngược lại chủ trương giảm dần phương tiện cá nhân mà Thành phố đã đưa ra từ nhiều năm nay nhưng chưa có lời giải.

 

Vì vậy, theo KTS Đinh Đăng Hải, khi tái thiết một khu chung cư, cần quan tâm đến quan điểm “tôn trọng người đi bộ”, bởi khi chất lượng của môi trường đi bộ, đạp xe và giao thông công cộng kém an toàn, an ninh, tiện nghi và thuận lợi thì người dân sẽ sẵn sàng mua phương tiện cơ giới cá nhân ngay khi họ có thể.

 

Một ý kiến cũng rất đáng quan tâm nữa để việc tái thiết lại các khu chung cư mang lại hiệu quả cao trong việc nâng cao chất lượng sống của dân cư, đó là lợi ích của “khu vực đa dụng”. Theo đó, một khu vực đa dụng sẽ có nhiều nhà ở, nơi làm việc, trường học, dịch vụ, cửa hàng, không gian công cộng ngoài trời… mà mọi người có thể dễ dàng tiếp cận bằng cách đi bộ, xe đạp hoặc giao thông công cộng.

 

“Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng mọi người sẽ đi bộ và xe đạp nhiều hơn tại các khu vực đa dụng cao. Khi mọi người đi làm, họ cũng sẽ thường tranh thủ thời gian trong ngày cho các việc vặt quanh chỗ làm. Nhưng nếu quanh chỗ làm lại không có các dịch vụ thì điều đó cũng hạn chế việc họ đi bộ hoặc xe đạp. Do đó đảm bảo đa dạng các dịch vụ và tiện ích cho cả khu vực nhà ở và nơi làm việc là rất quan trọng.” – KTS Đinh Đăng Hải nói.

Bài tiếp: Không gian công cộng "cứu" thị trường bất động sản


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc