Tai nạn lao động chết người, “ông chủ” phải bị xử hình sự

17:26, 13/11/2014
|

(VnMedia) - Chủ sử dụng lao động không huấn luyện, không tuyên truyền, để cho người lao động bị tai nạn lao động dẫn đến chết người thì đó là tội của chủ sử dụng lao động, phải truy cứu trách nhiệm hình sự. – đại biểu Bùi Sĩ Lợi nói.

Ảnh minh họa

Đại biểu Quốc hội Bùi Sĩ Lợi


Liên quan đến vấn đề tai nạn lao động, bên lề kỳ họp Quốc hội, đại biểu Bùi Sĩ Lợi đã có cuộc trao đổi với phóng viên.

- Thưa ông, ông nhận xét như thế nào về tình hình thực hiện quy định an toàn lao động hiện nay, nhất là đối với vụ việc tai nạn tại dự án đường sắt trên cao mới đây?

Vụ đánh rơi thanh sắt thì rõ ràng là quy trình kỹ thuật sai, người đi ở dưới mà cẩu thanh sắt như thế thì quả thực không đúng quy trình. Nguyên nhân thì một là do chủ sử dụng lao động không hiểu biết, hai là người lao động làm công việc đó cũng không hiểu biết. Cho nên, cần phải tuyên truyền để người lao động biết, khi chủ sử dụng lao động phân công lao động mà có nguy cơ tai nạn lao động cao, hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến chất độc hại thì người lao động có quyền không làm.

Đúng là các vụ tai nạn lao động xảy ra gây chết người đều do không thực hiện đúng quy trình, quy phạm và tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động. Tôi cho rằng, tình trạng vi phạm của doanh nghiệp có 2 nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là do lỗ hổng của pháp luật. Luật không quy định rõ những hành vi bị cấm khi có nguy cơ tai nạn lao động hoặc có nguy cơ ảnh hưởng của chất độc hại.

Cũng phải nói rằng, luật thì có nhưng tính chất tuân thủ pháp luật không cao, xử lý không cao, chế tài không mạnh. Có bao nhiêu vụ nhưng chỉ có chưa đến 1% số vụ xảy ra mà giám đốc, chủ doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động làm chết người bị đưa ra tòa truy tố. Như vậy là rất ít! Và khi truy tố thì hiệu quả pháp lý không cao, không đủ tính răn đe.

Tôi cho rằng, dứt khoát anh vi phạm luật, gây ra tai nạn lao động chết người thì phải bị truy cứu trách nhiệm. Hơn nữa, nếu anh không huấn luyện, không tuyên truyền để cho người lao động bị chết thì tội đó là tội của chủ sử dụng lao động, phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng thực tế hiện nay chúng ta không làm điều đó.

Thứ hai, bản thân người lao động khi làm trong môi trường không an toàn thì được quyền và nghĩa vụ phản đối không làm, nhất là khi không được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ thì yêu cầu chủ sử dụng phải trang bị. Nhiều người lao động cũng không biết để thực hiện quyền của mình và đấu tranh mà vẫn thực hiện công việc có nguy cơ "cái chết để ở trên đầu".

- Vậy theo ông, làm thế nào để chấm dứt tình trạng này?

Dứt khoát lần này Luật phải quy định rõ hành vi bị nghiêm cấm, chế tài xử lý khi không thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm; thực thi pháp luật. Trường hợp nếu tai nạn đã xảy ra rồi thì phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật để tạo tính răn đe cao, chứ không thể để hôm nay chết cũng như thế, mai chết cũng như thế thì làm sao răn đe được? Dự thảo Luật lần này phải khắc phục được điều đó.

Vấn đề quan trọng nhất của an toàn vệ sinh lao động là tuyên truyền giáo dục, huấn luyện kỹ năng. Khi làm việc, chủ sử dụng phải có phương án để đảm bảo an toàn lao động trước khi làm việc. Thậm chí trước đây còn có quy định phải duyệt phương án đó mới được làm việc, nhưng nếu không có phương án mà anh vẫn cho làm thì khi xảy ra tai nạn lao động ai chịu trách nhiệm? Chính chủ sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm. Cho nên các biện pháp phải đồng bộ.

- Có một thực tế bất công là khi người lao động bị tai nạn lao động thì ngoài khoản trợ cấp chế độ theo luật, dường như họ cũng bị chủ sử dụng lao động tìm cách sa thải?

Đúng là lần này luật phải xử lý vấn đề đó. Khi người lao động bị tai nạn thì việc đầu tiên chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm điều trị cho người lao động. Sau đó, người lao động phải được đi giám định, nếu mất sức từ 21% trở lên thì được hưởng chế độ bệnh tai nạn lao động nghề nghiệp hàng tháng.

Vấn đề quan trọng là khi tôi đang làm việc A, nay mất sức lao động mấy chục % nên không làm được việc A nữa thì Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải hỗ trợ cho người lao động chuyển đổi từ ngành nghề này sang ngành nghề khác. Và tiền đào tạo chuyển đổi ngành nghề này, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, nghề nghiệp phải bỏ ra, chứ chủ sử dụng lao động hiện đang phải đóng quá nhiều. Mà Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 1% trên quỹ tiền lương cũng chính là do chủ sử dụng lao động đóng, có phải người lao động đóng đâu?

Luật lần này phải xử lý điều đó, phải tăng thêm nguồn kinh phí từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho chủ sử dụng lao động để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động. Và phải cho chủ sử dụng lao động thêm nguồn kinh phí từ quỹ này để tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa. Lần này chúng ta phải lưu ý, luật phải lấy phương án phòng ngừa là chính, giống như chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tức là phòng bệnh hơn chữa bệnh, đừng để xảy tai nạn lao động chết người đáng thương như vậy.

Mở biên chế thanh tra như thế thì... chết

- Về việc Chính phủ đề xuất tăng 1000 biên chế thanh tra ngành lao động, quan điểm của ông như thế nào?

Thanh tra lao động toàn quốc có gần 500 mà chúng ta đang tính có khoảng 500 nghìn doanh nghiệp, cộng với khu vực làng nghề, tiểu thủ công nghiệp, hộ sản xuất… người ta sử dụng hóa chất độc hại đến môi trường người lao động. Nếu không có cán bộ thanh tra thì rất khó khăn.

Thế nhưng, tờ trình của Chính phủ đề xuất tăng 1000 thanh tra trong điều kiện hiện nay thì quả thực là một điều ít đại biểu Quốc hội ủng hộ. Chưa kể, Chính phủ còn muốn thanh tra chuyên ngành xuống cả cấp huyện.

Đúng là giao cho cấp huyện thì tốt, gần với người lao động, nhưng có 2 yếu tố không được, đó là trái luật thanh tra và thanh tra cấp huyện là thanh tra nhà nước không đủ kỹ năng, năng lực, trình độ để đi thanh ta lao động. Quan trọng là không đủ điều kiện, kỹ năng để điều tra các vụ tai nạn lao động. Đây là vấn đề hết sức khó khăn. Chúng ta cứ mở biên chế thanh tra như thế này thì chết, biên chế tăng lên.

Luật thì nghiêm minh, thực thi phải chuẩn. Còn lực lượng thanh tra về vệ sinh an toàn lao động hoàn toàn phải có kỹ thuật vì người ta phải điều tra cái vụ tai nạn đó xem nguyên nhân vì sao. Chỉ khi biết được nguyên nhân thì mới có biện pháp khắc phục. Tăng là tốt, nhưng trong điều kiện hiện nay thì tăng là khó vì đang phải giảm biên chế. 
 
Biện pháp quan trọng là nâng cao năng lực của thanh tra lao động lên, thực hiện thanh tra viên theo vùng… vì thực tế hiện nay, năng lực thanh tra có tăng nhưng chưa đáng kể, số lượng không đáng kể, chất lượng chưa đáp ứng. Chúng ta phải tăng những thanh tra viên có năng lực, ít nhưng chất lượng; đồng thời bồi dưỡng nghiệp vụ cho số lượng thanh tra hiện tại mà không nên đặt vấn đề tăng biên chế.

- Theo ông, dư thảo lần này có điểm gì đáng chú ý nhất là trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động?

Dự thảo lần này điều chỉnh không chỉ cho đối tượng có quan hệ lao động (16-17 triệu người), mà bao gồm cả khu vực không có quan hệ lao động, chiếm khoảng 68% lực lượng lao động, tương đương khoảng 37 triệu lao động, trong đó có cả nông nghiệp, làng phề, tiểu thủ công nghiệp mà chúng ta hay gọi là khu vực phi chính thức.

Đối tượng này mở ra có 3 lợi ích, đó là người ta được tuyên truyền giáo dục, được phổ biến kiến thức về vệ sinh an toàn lao động, được hiểu biết về công tác phòng ngừa tai nạn lao động… từ đó tạo chuyển biến về nhận thức cho người lao động trong môi trường an toàn.

Thứ hai, bất kỳ người lao động nào, kể cả trong khu vực có quan hệ lao động hay không có quan hệ lao động thì khi làm công việc có nguy cơ tai nạn cao thì đều phải được huấn luyện. Vậy nguồn ở đâu? cái này nhà nước phải tính toán, xã hội hóa, hỗ trợ các doanh nghiệp để không chỉ huấn luyện cho người trong quan hệ lao động mà cho cả người không có quan hệ lao động để làm việc an toàn.

Thứ 3, Chính phủ đề xuất cho người không có quan hệ lao động tự nguyện đóng bảo hiểm tai nạn lao động 1% giống như chủ sử dụng lao động đóng cho người lao động có quan hệ lao động để khi người ta bị tai nạn lao động có thể hưởng các chế độ, hưởng chính sách như bị thương tật từ 21% trở lên được hưởng trợ cấp hàng tháng. Ở đây phải tính toán làm sao để Nhà nước hỗ trợ một phần, có thể là 0,3%, vì ngay với người có quan hệ lao động đã rất phức tạp thì với người không có quan hệ lao động còn phức tạp hơn.  Biết rằng trong tình tình ngân sách khó khăn, để thực hiện điều này cũng không đễ nhưng phải tính toán, có lộ trình.

- Xin cám ơn ông!


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc