(VnMedia) - Theo nhận định, hiện nay ở các tỉnh, thành phố tình trạng bán mũ không phải mũ bảo hiểm, mũ giả mạo chứng nhận hợp quy vẫn tồn tại và có nguy cơ bùng phát nếu không thực hiện xử phạt người đi xe máy đội mũ không phải mũ bảo hiểm…
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, sau gần hai năm thực hiện việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm, ý thức đội mũ bảo hiểm của người dân đã được cải thiện rõ rệt, số người không đội và đội mũ không đạt chuẩn đã giảm đi đáng kể.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, một bộ phận người dân vẫn sử dụng các loại mũ không đạt chuẩn để đối phó vì hiện nay khi tham gia giao thông vẫn chưa bị xử phạt nghiêm.
"Việc chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy của người tham gia giao thông có lúc, có nơi chưa tốt, nhất là tại một số tuyến giao thông nông thôn, đường liên xã, liên huyện; một số trường hợp ngang nhiên vi phạm nhất là thanh, thiếu niên hoặc chấp hành theo kiểu chống đối, chỉ đội mũ bảo hiểm khi có lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên đường. Cá biệt, tỷ lệ học sinh đội mũ bảo hiểm tham gia giao thông bằng xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện còn thấp (chiếm 26,2%), có địa phương chỉ 5%", ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá.
Theo ông Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, việc một bộ phận người tham gia giao thông sử dụng các loại mũ không phải mũ bảo hiểm dẫn đến vẫn tồn tại việc sản xuất, kinh doanh các loại mũ này để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, trong khi đó việc xử lý đối với các trường hợp người tham gia giao thông sử dụng các loại mũ này mới dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở.
“Theo con số khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), 60% mũ bảo hiểm của người đi đường là mũ kém chất lượng”, ông Hùng khẳng định.
Cảnh sát giao thông xử phạt người vi phạm giao thông ở Hà Nội. |
Theo ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), hiện tại, cả nước có khoảng trên 80 cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm (giảm 20% so với năm 2013); 5 cơ sở nhập khẩu mũ bảo hiểm chủ yếu tại TPHCM, Hà Nội và một số ít tại các tỉnh lân cận hai thành phố này. Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu mũ bảo hiểm chính ngạch đã quan tâm và thực hiện việc chứng nhận, công bố và dán dấu hợp quy CR tương đối đầy đủ.
Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, ông Tín cho biết, một số hộ sản xuất, kinh doanh vẫn còn kinh doanh mũ có gắn tem hợp quy CR giả, gắn nhãn giả mạo thông tin về đơn vị sản xuất; mũ bảo hiểm được nhập qua các đường trôi nổi, không có hóa đơn nguồn gốc rõ ràng được bày bán ở các cơ sở nhỏ lẻ, không đăng ký kinh doanh và di chuyển cơ động đã gây khó khăn trong quá trình kiểm tra.
Theo ông Tín, hiện nay ở các tỉnh, thành phố tình trạng bán mũ không phải mũ bảo hiểm, mũ giả mạo chứng nhận hợp quy vẫn còn tồn tại và có nguy cơ bùng phát nếu không thực hiện xử phạt người đi xe máy đội mũ không phải mũ bảo hiểm.
Lại yêu cầu xử phạt mũ bảo hiểm rởm
Theo ông Khuất Việt Hùng, nguyên nhân của việc sử dụng các loại mũ bảo hiểm không đạt chuẩn khi tham gia giao thông vẫn còn nhiều là do chưa bị xử phạt nghiêm nên vẫn còn nhiều người dân mua và sử dụng các loại mũ này để đội đối phó.
Hơn nữa, các loại mũ này không phải tuân thủ các quy định về chất lượng như mũ bảo hiểm, căn cứ vào các văn bản pháp luật hiện hành để xử lý vi phạm hành chính trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại mũ này hiện đang còn nhiều bất cập.
Giải thích rõ hơn, ông Hùng cho biết, theo quy định hiện hành, các loại mũ không phải mũ bảo hiểm nhưng có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm không phải tuân thủ các quy định về quy chuẩn kỹ thuật của mũ bảo hiểm. Các loại mũ này không phải chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, không gắn dấu hợp quy CR. Vì vậy, không thể áp dụng Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 để xử phạt vi phạm hành chính trong sản xuất, kinh doanh loại mũ này.
Theo ông Hùng, gần đây, để đối phó với các cơ quan nhà nước, các quy định của pháp luật, trên loại mũ này còn xuất hiện dòng chữ: “mũ dùng cho người tập thể thao”, “mũ dùng cho người đi bộ”, “mũ dùng cho người đi xe đạp”… Do đó, lực lượng Quản lý thị trường thường chỉ xử lý được các vi phạm về nhãn hàng hóa mà không có căn cứ xử lý vi phạm về quy chuẩn kỹ thuật của mũ bảo hiểm.
Đề cập tới những giải pháp khắc phục những tồn tại trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm trong thời gian tới, ông Hùng cho biết, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền về sản xuất, kinh doanh, sử dụng mũ bảo hiểm; phổ biến cho người tiêu dùng các kiến thức phân biệt mũ bảo hiểm và các loại mũ khác, khuyến cáo người tiêu dùng không được sử dụng khi đi xe máy tham gia giao thông các loại mũ bảo hiểm chưa chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật.
“Muốn dẹp loạn mũ bảo hiểm rởm quan trọng nhất là phải siết từ khâu sản xuất, kinh doanh. Về lâu dài, cơ quan chức năng cần phải xử lý triệt để, tận gốc những cơ sở cố tình sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm 'rởm', không đạt chất lượng," ông Hùng khẳng định.
Đặc biệt, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đề nghị Chủ tịch Ủy ban An toàn Quốc gia chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ cho từng chính quyền quận, huyện, phường, xã nếu để tình trạng bày bán mũ bảo hiểm, mũ nhựa các loại trên lòng đường, vỉa hè thì chính quyền địa bàn đó chịu trách nhiệm.
Lực lượng chức năng địa phương phải xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên, triển khai đồng bộ các giải pháp từ việc kiểm tra, xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất, kinh doanh đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về sử dụng mũ bảo hiểm đối với người tham gia giao thông.
Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy, xe đạp điện, đồng thời giải thích, nhắc nhở, xử phạt người đội mũ không phải mũ bảo hiểm như hành vi không đội mũ bảo hiểm.
Ý kiến bạn đọc